Giá trị truyền thống gia đình
“Mừng ngày Tết trên khắp quê tôi. Người ra, Trung, ra Bắc, vô Nam. Dù đi đâu ai cũng nhớ.Về chung vui bên gia đình”. Đó là những ca từ thấm đượm tình quê trong bài hát “Ngày Tết quê em” của cố nhạc sĩ Từ Huy. Thật vậy, mỗi khi Tết đến xuân về dù học hành, làm ăn ở đâu xa thì những đứa con cũng quy tụ về nhà hưởng cái Tết ấm áp bên gia đình.
Việt Nam ta có rất nhiều phong tục lễ Tết nhưng Tết Nguyên Đán được xem là ngày Tết quan trọng nhất. Nó không chỉ là dịp để mọi người được ăn ngon, mặc đẹp, vui chơi mà điều quan trọng là trong trái tim mỗi con người Việt Nam, tết cổ truyền mang ý nghĩa của sự sum vầy, đoàn tụ. Đó là dịp để họ trở về tận hưởng trọn vẹn hương vị Tết quê từ những món ăn quen thuộc trong mâm cơm ngày Tết của bà, của mẹ và sống lại cảm giác đầm ấm, no đủ trong vòng tay yêu thương của gia đình sau một năm dài xa xứ. Vì lẽ đó, trong ngày Tết, ngoài các phong tục, tập quán đón Tết thì bữa cơm gia đình luôn được mọi người coi trọng. Nhiều gia đình còn có truyền thống (gần như bắt buộc) con cái dù đi đâu làm gì thì bữa cơm gia đình trong ngày Tết tuyệt đối không được bỏ lỡ. Điều đó đã khơi gợi cho biết bao điều tốt đẹp, ý nghĩa mang đậm giá trị nhân văn.
Trong tâm thức người Việt, mâm cơm gia đình trước là kính dâng đến tiên tổ, tộc họ, những người đã khuất nhưng vẫn phù hộ cho con cháu dồi dào sức khỏe, an khang, mọi điều thuận lợi. Điều đó thể hiện sự hiếu kính với tiên tổ, ông bà. Ca dao có câu: “Đi đâu mặc kệ đi đâu/ Đến ngày giỗ chạp phải mau mà về”. Nếu không làm trọn tình, vẹn đạo thì sẽ bị coi là kẻ bất hiếu
“Chiều Ba mươi anh không đi Tết,
Rạng ngày Mồng Một anh không đi lạy bàn thờ,
Hiếu trung mô nữa mà bảo em chờ uổng công.
(Ca dao)
Sau sự hiếu kính, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, mâm cơm còn là sự quây quần bên nhau ấm áp tình thân. Trong bữa ăn, mời cơm là nét văn hóa không thể thiếu của người Việt. Người nhỏ tuổi hơn, trước khi ăn miếng cơm đầu tiên đều phải mời những người lớn tuổi, để tỏ lòng biết ơn ông bà, bố mẹ hay những bậc lớn tuổi đã cho mình cái ăn, cái mặc. Khi đó, những bậc lớn tuổi sẽ gật đầu trìu mến và cả gia đình sẽ bắt đầu bữa cơm trong không khí vui vẻ, thân mật. Mọi người thay phiên gắp cho nhau từng miếng thịt kho, khúc khổ qua hầm thể hiện sự yêu thương, kính trọng. Thăm hỏi, tâm sự, khuyên răn nhau những điều hay, lẽ phải những niềm vui nỗi buồn trong năm cũ vừa qua.
“Sợi chỉ hồng” gắn kết tình thân
Niềm khao khát được về với quê hương về với những món ăn dân dã và sự quây quần đông đủ của tình thương luôn ẩn sâu trong trái tim mỗi người. Dù có thể hiện ra ngoài hay không thì trong lòng họ đó là khát khao cháy bỏng nhất. Đối với người Việt Nam, bữa cơm gia đình là một nét văn hoá truyền thống thể hiện tính cộng đồng, là “sợi chỉ hồng” gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình từ thế hệ này đến thế hệ khác. Đồng thời, là linh hồn của sự đoàn tụ yêu thương, nuôi dưỡng tâm hồn con người tạo nên không khí đoàn tụ trọn vẹn, ấm áp. Những bữa cơm đơn giản, đạm bạc như thế nhưng với không khí gia đình quây quần đầm ấm, tiếng cười rộn vui đã tạo nên hương vị Tết, đồng thời góp phần hình thành nên truyền thống và nếp sống gia đình,
Mâm cơm gia đình ngày Tết mang nhiều giá trị tình cảm thiêng liêng, cao quý (Ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Có thể nói hình ảnh mâm cơm cũng phản ánh một phần bình diện của cuộc sống gia đình, sự sang giàu, nghèo hèn nhưng chung quy lại đều thể hiện được nét văn hóa trong đời sống gia đình. Không phải đơn thuần mà người Việt lại lấy mâm cơm là hình ảnh, biểu tượng của sự quây quần đầm ấm. Ngồi quanh mâm cơm hình tròn, cái tô, cái chén, cá nồi cơm...cũng hình tròn thể hiện sự tròn đầy tình nghĩa và gắn kết lẫn nhau. Mỗi thành viên đều là một nhân tố trong sự cấu thành của hình tròn đó. Mâm tròn còn tượng trưng tinh thần bình đẳng vì mỗi vị trí trên vòng tròn đều ngang nhau, không có chỗ trên, chỗ dưới, chỗ trước, chỗ sau. Bên cạnh đó việc quây quần bên mâm cơm thể hiện sự đùm bọc trên dưới một lòng vì đoàn kết sống không được chia rẽ tình cảm.
Tuy nhiên, ngày nay trong sự bộn bề và hối hả của thời hiện đại, con người đôi khi không có nhiều thời gian dành cho gia đình và nuôi dưỡng những tình cảm thân thương và đằm thắm đó. Những bữa cơm gia đình ngày càng thưa thớt. Cứ nghĩ rằng họ đã lãng quên đi giá trị truyền thống và tình cảm thiêng liêng của gia đình, quên đi những hương vị Tết gần gũi chân quê nhưng chúng tôi tin tưởng rằng tận sâu trong trái tim mỗi người vẫn luôn nhớ. Dù có về được hay không cái dư âm hương vị Tết, những khoảnh khắc quen thuộc của bữa cơm gia đình, của không khí Tết xung quanh mâm cơm đầy ắp những món chân quê đậm chất Tết. Mỗi người chúng ta nên trân trọng và níu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình. Có thể nói, mất đi bữa ăn truyền thống của gia đình là mất đi một nét đẹp của văn hóa Việt./.