Giấc mơ con khi “gieo chữ” ở Suối Tỷ

(PLO) - Sau nhiều lần lỡ hẹn, đầu năm 2016 chúng tôi quyết định tới điểm trường Suối Tỷ của xã Sủng Thài (huyện Yên Minh, Hà Giang) để tìm hiểu và sẻ chia về những gian nan trong việc “gieo chữ” cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc. Suối Tỷ là điểm trường khó khăn nhất của xã Sủng Thài và là một trong những điểm trường còn thiếu thốn nhất của huyện Yên Minh.
Lớp học đơn sơ  - nơi thầy và trò ngày ngày ươm mầm những ước mơ
Lớp học đơn sơ - nơi thầy và trò ngày ngày ươm mầm những ước mơ

Thôn Suối Tỷ cách trung tâm xã khoảng hơn 13km, tuy nhiên chỉ có 3 km là đường nhựa và bê tông, còn lại hoàn toàn là đường rừng, đất đá lởm chởm rất khó đi. Trận mưa đêm hôm trước dường như khiến con đường trở nên khó đi hơn.

Anh Sùng Mí Dính, Phó Chủ tịch UBND xã Sủng Thài, người dẫn đường phóng viên đến Suối Tỷ trấn an: “Con đường tuy khó khăn nhưng bà con mình, các thầy, cô giáo bao năm qua vẫn đi đó, có nhà báo lặn lội đến thăm chắc thầy cô và các em học sinh sẽ vui lắm”. 

Sau gần 1 giờ rưỡi, chúng tôi cũng đến điểm Trường Suối Tỷ. Hình ảnh đầu tiên về điểm trường này là một ngôi nhà trình tường 3 gian, nằm ngay dưới chân núi và đang cho thấy sự xuống cấp với nhiều vết nứt trên tường.

Theo các thầy, cô giáo dạy ở đây, toàn bộ diện tích của điểm trường chỉ vẻn vẹn chưa đầy 50m2. Thế nhưng có tới 3 lớp học, 1 lớp mầm non và 2 lớp tiểu học với 51 em học sinh đang theo học. Diện tích mỗi lớp chỉ khoảng 12m2, còn hơn 10m2 là sân.

Quan sát bên trong 3 gian nhà lớp học, hầu như mỗi lớp đều dành một góc nhỏ để các thầy cô kê một tấm phản làm giường ngủ mỗi khi không thể đi về lúc trời mưa hay một tủ đựng đồ và các vật dụng cần thiết cho công tác giảng dạy, vì vậy diện tích còn lại không nhiều.

Hai lớp tiểu học, mỗi lớp chỉ kê đủ 3 bộ bàn ghế và một cái bảng để các em tiếp nhận con chữ của các thầy.

Lớp mầm non có tới 25 em theo học, nhưng đồ dùng học tập của các em ngoài hơn 20 chiếc ghế, mấy chiếc bàn là một vài bức tranh tập đọc và một vài miếng xếp hình. Các lớp học hoàn toàn cũng chưa được láng bó nền, các em học sinh, nhất là lớp mầm non không có chỗ chơi đùa.

Trong những giờ nghỉ giải lao, các em chọn những sườn đồi, ruộng rau trước cửa để làm sân chơi. Đó là những gì những năm qua học sinh nơi đây vẫn ngày ngày lặp lại.

Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Vi Văn Định xót xa: “Các chú thấy đấy, điểm trường chỉ có vậy, thương các em lắm nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào. Vận động mãi người dân trong thôn mới thỉnh thoảng góp cái cây, tấm bro – xi măng để tu sửa những chỗ dột nát quá.

Cũng do người dân họ không quan tâm tới việc các em đi học nên mới như vậy. Chỉ mong các em có được một cơ sở vật chất tốt hơn, chúng tôi cũng mừng”.

Ngoài những khó khăn về cơ sở hạ tầng lớp học, đối với các giáo viên dạy tại điểm trường này, để có thể lên lớp giảng dạy cho các em trong năm học 2015 – 2016, 2 thầy giáo Vi Văn Định và Vương Thủy Trọng dạy 2 lớp tiểu học đã phải tự trích tiền lương của mình để mua thêm sách giáo khoa cho các em khi hai Quyết định 49 về 74 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ học sinh nghèo, cận nghèo sách giáo khoa, đồ dùng học tập hết hiệu lực.

Ngoài ra, cô giáo Lý Thị Tâm dạy lớp mầm non cũng thường xuyên trích tiền lương của mình để mua bánh kẹo cho học sinh nhằm khuyến khích các em thường xuyên đến lớp. 

Trò chuyện với các thầy cô, phóng viên được biết tất cả đều lập gia đình và sống tại thị trấn Yên Minh, cách điểm trường hơn 20km; ngày ngày họ vẫn sáng đến lớp, trưa hoặc tối lại về với gia đình. Hôm nào mưa gió rét mướt họ mới phải ở lại.

Đến với điểm trường mới thấu hiểu con đường “gieo chữ” của các thầy cô gập ghềnh thế nào. Thế nhưng mỗi ngày, dù trời nắng hay mưa, các thầy cô vẫn cần mẫn đến trường mang con chữ đến với các lớp học trò mà không một lời than vãn, không chút nản lòng.

Cô Tâm chia sẻ: “Em cũng mới được chuyển đến dạy ở điểm trường này mấy tháng. Trước kia chưa quen đường sá, em phải đi gần 2 giờ đồng hồ mới đến nơi. Nhưng bây giờ, sau vài lần “đo đường” (ngã) thì em cũng đã quen dần với đường đá lởm chởm nên chỉ mất hơn 1 giờ là đến nơi rồi. Cứ nghĩ đến nụ cười, ánh mắt lũ học trò “khát chữ” là em có động lực để đi dạy!”.

Rời Suối Tỷ trước những đôi mắt ngây thơ của các em học sinh ở điểm trường nhìn theo bóng chúng tôi. Hình ảnh các em ngồi học trong căn phòng chật hẹp, dưới chút ánh sáng lờ mờ của những chiếc bóng điện sợi đốt cũ kỹ, chúng tôi không khỏi xúc động. Con đường về dường như khó khăn và nặng nề hơn với chúng tôi và các thầy, cô giáo.

Mong sao cấp ủy, chính quyền xã, huyện và các nhà hảo tâm có thể hỗ trợ xây dựng một điểm trường kiên cố, khang trang để các em có điều kiện học tập tốt hơn, các thầy, cô giáo cũng vơi đi những khó khăn khi “gieo chữ” ở nơi xa xôi, khó khăn nhất của xã vùng cao này.

Đọc thêm