Giấc mơ của đôi vợ chồng khuyết tật

(PLO) - Dù đôi chân không nguyên vẹn nhưng họ luôn mơ ước tự đứng lên bằng chính sức mình. Và khi thực hiện được ước mơ tưởng nhỏ nhoi nhưng khâm phục ấy, họ đang thực hiện ước mơ giúp những người bạn khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, bằng cách tự đứng lên với sự trợ giúp của những đồng vốn chính sách.
Chị Phạm Thị Hoàn (người đứng) hướng dẫn kỹ thuật cho đồng nghiệp tại cơ sở may thời trang Hoàn Lẫm

Câu chuyện của vợ chồng anh Trần Văn Lâm và chị Phạm Thị Hoàn được nhiều người dân thôn Đại Đồng, xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình kể cho nhau nghe, như một tấm gương, cũng như là động lực vươn lên vượt qua khó khăn trong cuộc sống.

Anh Lẫm, 35 tuổi, thợ chế tác vàng, chị Hoàn, 37 tuổi, là thợ may. Cả hai, người bị vẹo cột sống, người bị liệt teo chân bẩm sinh. Năm 2005, họ đã nên duyên trong sự chúc phúc, cũng như sự lo lắng không ít của gia đình và bạn bè. Bởi, khi về chung sống, hai anh chị chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, gia đình nội, ngoại hai bên cũng không hỗ trợ được gì nhiều vì họ cũng đều là những hộ nghèo ở địa phương. 

Người lành lặn bắt đầu từ tay trắng đã khó, người tàn tật như anh chị còn gian nan gấp bội. Thế nên, khi nhớ lại những ngày tháng đó, anh Lẫm nói với chúng tôi: “Điểm xuất phát thậm chí là số âm”. Nhưng cũng không còn lựa chọn nào khác, lúc đó, cả hai vợ chồng xác định, số phận mình vậy mình phải đối mặt, không thể đầu hàng. 

Thế là anh chị mỗi người một nghề, cùng nhau cố gắng hết khả năng của mình. Anh Lẫm tham gia Câu lạc bộ người khuyết tật của tỉnh Thái Bình. Chị Hoàn bắt đầu mở một hàng may quần áo. Chị Hoàn chia sẻ: “Vốn chỉ dám nghĩ việc may mặc chỉ là để giải quyết chuyện cơm ăn, áo mặc hàng ngày, nhưng may mắn thay, công việc thuận lợi, cửa hàng may ngày một đông khách”.

Tiếng lành đồn xa, thêm vào đó, các anh chị em khuyết tật trong và ngoài huyện mến sự hiếu khách của hai vợ chồng nên kéo đến xin học nghề. Vì vậy, cửa hàng may được “nới” dần ra. “Việc nhiều, cơ thể đau yếu, cả hai vợ chồng mệt nhoài sau mỗi ngày làm việc nhưng thấy vui và hạnh phúc lắm” - chị Hoàn kể.

Năm 2006, cơ hội mới đến khi cửa hàng của anh chị được một công ty may Hàn Quốc chọn, thuê may gia công phụ kiện thời trang. Chị Hoàn khoe: “Thời điểm đó, hai vợ chồng rất vui khi cùng lúc ký được hợp đồng với công ty Hàn Quốc và sinh bé gái đầu lòng. Cuộc sống của hai vợ chồng bắt đầu khởi sắc”.

Bản hợp đồng với công ty may Hàn Quốc không chỉ mở ra cơ hội cho hai vợ chồng chị Hoàn, anh Lẫm mà còn mở ra con đường mưu sinh cho 15 mảnh đời bất hạnh trong xã Tân Hòa. Tuy nhiên, khi cơ hội mở ra thì anh Lẫm, chị Hoàn cũng nhận ra sự hiện hữu rõ ràng hơn lúc nào hết của công việc kinh doanh khi vốn liếng hầu như không có.

Được Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã giúp đỡ, tiếp cận với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vũ Thư, anh chị được vay khoản vốn chính sách đầu tiên là 20 triệu đồng từ Chương trình vốn vay giải quyết việc làm. Đến nay, số vốn vay đã tăng lên 62 triệu đồng với hai Chương trình cho vay hộ cận nghèo và nước sạch & vệ sinh môi trường nông thôn. 

Nhờ vốn chính sách, hai vợ chồng đã mở rộng cơ sở may lên 60m2 với 30 máy may. Ngoài may gia công cho công ty bạn, cơ sở may Hoàn Lẫm còn thiết kế và may các sản phẩm thời trang phục vụ người dân trong xã, trong huyện. Thu nhập của tất cả các thành viên trong cơ sở cũng nhờ đó mà ổn định và khá hơn nhiều. Hiện, mỗi người có mức lương ổn định từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng.

“Chúng tôi mong một ngày gần đây sẽ mở rộng xưởng may lên gấp 2 - 3 lần bây giờ để giúp được nhiều người có hoàn cảnh như mình” – anh Lẫm, chị Hoàn mong sẽ thực hiện được mong ước với sự hỗ trợ của đồng vốn chính sách. 

Đọc thêm