Giấc mơ giảng đường và nỗi lòng cha mẹ

 Tháng 8 đã về. Đây cũng là tháng lo lắng nhất của nhiều bậc phụ huynh bởi những yêu cầu về tiền học, tiền trường, tiền trọ, tiền ăn ở… cho con nhập học như đang nhảy múa trong đầu. Dù rằng trước đó họ đã từng mừng vui đến chảy nước mắt khi nhận được tờ giấy báo đỗ Đại học (ĐH) của con...
Tháng 8 đã về. Đây cũng là tháng lo lắng nhất của nhiều bậc phụ huynh bởi những yêu cầu về tiền học, tiền trường, tiền trọ, tiền ăn ở… cho con nhập học như đang nhảy múa trong đầu. Dù rằng trước đó họ đã từng mừng vui đến chảy nước mắt khi nhận được tờ giấy báo đỗ Đại học (ĐH) của con...
Ngày con vào đại học cũng là lúc cha mẹ thêm bộn bề lo lắng.

“Phải chi con bé đừng ham học”

Vẫn biết rằng trên cương vị một người mẹ, thật là trái ngang khi thốt ra câu này, nhưng chị Nguyễn Thị Lanh – người phụ nữ bán cá ở một chợ nhỏ thuộc thị trấn An Thới của huyện đảo Phú Quốc – vẫn không thể kìm lòng vì quá lo lắng. Cả nhà chị mấy đời là ngư dân bám biển nên chuyện học hành cũng không được xem trọng. Bản thân chị cũng chỉ học hết cấp I là nghỉ ở nhà chạy chợ cá giúp mẹ, rồi lấy chồng theo nghề biển. Thấm thoắt 3 đứa con liền tù tì ra đời, biển cho nhiều nhưng lấy đi cũng nhiều, cách đây mấy năm chồng chị đã mất tích cùng rất nhiều bạn câu trong một chuyến ra khơi gặp bão, để lại cho chị bao giông lốc cuộc đời.

Nhưng được cái con bé nhà chị ham học, nhà bận rộn thế nào nó vẫn cố gắng đến trường. Đêm về, nó lại chong đèn dầu đến khuya ôn bài. Cám cảnh thân mình, thương con nên chị định cố gắng cho con học hết cấp II rồi nghỉ, chứ con gái láng giềng xung quanh ít có đứa nào theo được vậy. Nào ngờ, đầu năm lớp 9 vừa rồi con gái ôm mẹ thủ thỉ: “Má ơi, cho con học cấp III nha má. Con sẽ gắng học cho nhà mình bớt khổ”. Nghe lời con mà nước mắt chị Lanh chảy dài.

Cả huyện đảo Phú Quốc chỉ có hai trường cấp III đều nằm ở thị trấn Dương Đông nên rất nhiều đứa học trò muốn theo học hết phổ thông phải thuê nhà trọ ngay trong thị trấn vì không thể ngày nào cũng đi về mấy chục cây số. “Nhưng nhà người ta có điều kiện thì được, chứ tôi đây chạy ăn từng bữa thì lấy đâu ra. Biết bao nhiêu là tiền học, tiền trọ, tiền ăn…Mà từ chối ước mơ học hành của con cũng không nỡ. Biết tính sao đây, phải chi con bé đừng ham học” – vừa kể chị Lanh vừa lấy quệt nước mắt vào tay áo.

Khi bài viết này lên khuôn, tôi được biết chị đã bán đi công đất vườn duy nhất cha mẹ để lại để lấy tiền lo cho con đi học. Với hy vọng rồi đây cuộc đời con sẽ không phải cảnh “lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” như mẹ, sẽ hạnh phúc hơn cuộc đời mẹ.

Sút 3 cân vì nghe con đỗ đại học

Mùa thi đại học năm 2010, cậu con trai Đặng Nhật Phi của  vợ chồng anh Đặng Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Loan (ở xóm Đông Tác, xã Diễn Phong, huyện Diễn Châu, Nghệ An) đã đậu thủ khoa hai trường đại học. Cả làng, cả xã đến chia vui nhưng anh chị vẫn không giấu được nét rầu rầu trên mặt. Chị Loan kể: “Từ ngày cháu nó đi thi về mách bố mẹ chắc chắn đậu đại học, em đã thấy lo lo, nhưng gần một tuần nay thì vợ chồng em lo thật khi biết tin cháu nó thi đậu điểm cao nhất nhì cả hai trường đại học ngoài Hà Nội. Giá nào thì mình cũng phải cho con đến trường, nhưng nghe tin mỗi tháng phải chu cấp gần hai triệu đồng cho cháu nó ăn học thì chưa biết tính sao đây!?”.

Không lo sao được khi tài sản đáng giá nhất trong nhà họ chỉ là chiếc tivi. Chi tiêu của cả gia đình chỉ trông vào thu nhập từ 3 sào ruộng trồng dưa. Ngay cái nhà cấp 4 tuềnh toàng đang ở hai vợ chồng cũng phải mất đến 8 năm mới làm xong vì tiền chỉ đủ xây từng bức tường một. Khoản nợ vay bạn bè xây nhà vẫn còn vài chục triệu. “Tôi tính sẽ theo cháu ra Hà nội tìm việc làm, thợ xây, thợ hồ ai thuê  gì mình cũng làm, miễn là có tiền nuôi cháu ăn học là được; nhưng tính đi tính lại cũng không xong vì mình đi xa, một mình mẹ cháu ở nhà đau ốm bệnh tim làm sao đủ sức nuôi đứa em đang học cấp 3. Mới một tuần nay sau khi nghe tin con đậu đại học mà mẹ cháu đã sút mất 3 cân đấy”, anh Hạnh lo lắng.

Bản thân Phi dù đậu thủ khoa hai trường đại học nhưng tâm trạng của em cũng rối bời không khác gì cha mẹ, vì em biết ước mơ giảng đường của mình sẽ làm những lo lắng của cha mẹ thêm bộn bề. Cậu tâm sự: “Em rất muốn học để sau này có cơ hội giúp đỡ cha mẹ, nhưng thế thì cha mẹ khổ quá”.

Những năm học phổ thông chiếc bàn ngồi học của em vì được bố đóng cho từ hồi học lớp 1 nên đã quá nhỏ so với thân hình cao kều của cậu thanh niên đang tuổi lớn, nhưng em nào dám kêu ca vì biết nhà mình nghèo. Cứ tan giờ học Phi lăn vào giúp đỡ cha mẹ từ việc chăn bò, cắt cỏ đến công việc nội trợ hàng ngày. Thậm chí biết hoàn cảnh nhà mình khó khăn nên Phi cố gắng luyện chữ viết cho thật nhỏ li ti như con kiến để tiết kiệm giấy vở.

Nhà giàu cũng khóc vì… con đỗ đạt

Xuất phát từ tâm lý muốn làm vừa lòng con sau những ngày tháng vất vả đèn sách hoặc muốn tạo tâm lý cho con thật thoải mái trước khi bước vào cổng trường cấp III, đại học, nhiều gia đình tự tin vào “tiềm lực kinh tế” của mình đã hứa thưởng cho con phần thưởng giá trị như chiếc xe máy, điện thoại hoặc chuyến đi biển du hí với bạn bè.

Thế nhưng cũng vì lời hứa này mà không ít bậc cha mẹ khá giả đã méo mặt. Như con gái chị Vinh (ở Thanh Xuân, HN) đã nằng nặc đòi mẹ mua chiếc điện thoại iphone 4 giá gần 20 chục triệu đồng, dù rằng trước đó chị Vinh chỉ hứa với con gái là đỗ cấp III sẽ mua điện thoại di động.

Tương tự, anh Mai (Hải Phòng) đã cắn răng chiêu đãi cậu con trai vừa đỗ đại học và đám bạn một chuyến đi nghỉ ở Cửa Lò 5 ngày dù anh vừa xây nhà, khoản tiền tiết kiệm không còn nhiều, lại đang đau đầu vì khoản tiền xin việc cho con gái vừa tốt nghiệp đại học.

Hạnh Quyên

Đọc thêm