Giấc mơ làm giàu của một nông dân

(PLO) - Gặp ông Dân đang lúi húi buộc thừng cho từng con trâu trong chuồng, ngoài vườn, ông tươi cười kể: “Trước kia chỗ này là chuồng nuôi dê, nhưng dê chết hết rồi”. Như thoáng thấy sự ngạc nhiên của người viết, ông Dân thêm vào: “Tôi nuôi rất nhiều con vật, lạ có, quen có, cô có muốn nghe không?”.
Ông Dân chỉ ao nuôi ba ba và kể về bài học của mình
Ba ba, dê, trăn, ngựa, lợn, bò, trâu,… là những con vật lần lượt xuất hiện trong chuồng nuôi nhà ông Trần Văn Dân (Tiên Lữ - Hưng Yên). Sau thất bại khi đã thử nuôi qua nhiều con vật, ông dừng lại với đàn trâu hơn hai chục con, mỗi năm thu về hàng trăm triệu.
“Một vốn, bốn… lỗ”
Theo sau ông nông dân có khuôn mặt chất phác, cần cù từ vườn vào nhà, được ngắm “cơ ngơi” vườn trại rộng hơn một hécta với đủ loại hình chuồng trại, mới thấy các con vật ông từng nuôi thật đa dạng. Người nông dân này cho biết: “Số tôi trời chẳng cho giàu có được, chứ tôi thích tiếp thu khoa học kỹ thuật lắm, cái gì mới tôi cũng muốn làm”.
“Cách đây 34 năm, lúc mới lấy vợ, hai vợ chồng chỉ chăn nuôi vịt và cấy gặt. Sau đó, tôi thấy làng bên nuôi bò có lãi nên bán vịt chuyển sang nuôi bò. Gặp đúng năm hợp tác xã chuyển bò vào Nam để bán nên nhập vào đắt, lúc bán ra thì lại rẻ như cho. Mua 1 con bò mẹ 10 triệu 500 nghìn đồng, nuôi được hơn một năm bán ra được 4 triệu tròn. Nghĩ mà xót” – ông kể.
Thua keo này, ắt sẽ có keo khác. Chán vịt, chán bò, ông Dân ngày đêm nghĩ xem nuôi con vật nào mới có giá trị. Một lần đi sang xã Ngô Quyền cùng huyện Tiên Lữ chơi, thấy mô hình nuôi ba ba ở đây rất nhiều, ông quan sát kĩ cách xây ao, chọn giống, cho ăn và áp dụng vào nuôi luôn. 
“Năm 2000, tôi mua về 800 con ba ba, đầu tư giống mất gần 7 triệu, xây tường quanh ao, sắm thuyền… hết tất cả hơn chục triệu. Nuôi năm đầu gỡ hòa vốn, dư ra một chút. Năm sau tôi mua thêm nhiều giống, nới rộng thêm diện tích ao để nuôi. Đúng năm mưa bão dai dẳng, ao tràn không thoát kịp nước, ba ba đục bờ bò đi hết, năm đó bị mất trắng” – ông Dân kể lại.
Biết mình học kĩ thuật chăn nuôi không đến nơi đến chốn, trong khi tiên phong nuôi các con vật lạ, vừa chịu thất bại vừa bị bà con trong làng chậc lưỡi chê bai, nhưng ông vẫn tin mình có nhiệt huyết rồi sẽ làm được, thế là ông mày mò tìm cách chuyển sang nuôi dê. Nhưng rồi, việc thiếu kiến thức kỹ thuật đã khiến đàn dê 6 con giá 11 triệu chết dần, hóa ra là vì chuồng trại sạch quá khiến dê không chịu nổi. “Một vốn, bốn… lỗ”, nhưng điều mà ông Dân giữ lại được vẫn là quyết tâm tìm hướng đi lên.
“Trời không phụ lòng người”
“Đau đáu với bài “nuôi con gì”, tôi ra Hải Dương làm rẫy một thời gian với ông bạn, rồi mang về một đôi ngựa và một đôi trăn – ông Dân kể – Vợ tôi nhìn thấy gọi ngay người đến định bán. Bà ấy sợ chuyện thua lỗ quá rồi,  không muốn cho tôi nuôi con gì nữa. Nhưng tôi không cho bán. Nuôi được hơn một năm, hai con ngựa bán cho lái buôn, lãi được hơn chục triệu. Con trăn cũng cho lãi cao. Giờ còn một con trăn, tôi nuôi cho vui”.
Ý định làm giàu từ chăn nuôi quay lại với ông. Vợ con thấy ông đam mê quá cũng không dám ngăn cản. Dốc hết hầu bao của gia đình, ông tậu về hơn hai chục con trâu để nuôi. Vợ con ngày đêm lo lắng không biết có “xảy ra chuyện gì” với những con vật nuôi của ông hay không, vì tất cả vốn liếng đã dồn vào đấy. “Ngày ngày tôi dắt trâu ra đê, tối tối lùa về không thiếu một con. Cuối năm 2012 bán đi lãi ra vài trăm triệu. Chí thú, tôi lại mua về nuôi tiếp mà không bị ai nói này nọ”.
Hiện tại, ngoài nuôi hơn hai chục con trâu to mọng, gia đình ông còn nuôi hàng trăm con lợn cấn và lợn sề đề phòng cái này lỗ còn có cái kia kéo lên. Nhiều người hàng xóm thấy vài năm trở lại đây, gia đình ông có nhà cao cửa rộng nhờ chăn nuôi nên tìm đến hỏi kinh nghiệm. Ông đều vô tư chia sẻ và không bao giờ quên nhắc họ: “Phải có chí, phải kiên trì và chăm học hỏi”.

Đọc thêm