Giải “bài toán” logistics, “mở đường” cho nông sản ĐBSCL phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - ĐBSCL là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế nghiệp, cung ứng nguồn nông sản dồi dào cho cả nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, chướng ngại logistics nơi đây đã làm cản trở bước tiến của nông sản Việt. 
ĐBSCL đóng góp khoảng 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước.
ĐBSCL đóng góp khoảng 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước.

"Chìa khóa vàng" logistics chưa phát huy tác dụng

ĐBSCL là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây cho xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, vấn đề thiếu các cảng biển, trung tâm logistics trọng điểm đã tạo nên điểm nghẽn cho đầu ra nông sản.

Nông sản ĐBSCL đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics. Nó chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, khiến cho nông sản ĐBSCL giảm sức cạnh tranh so với nông sản các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Nếu 1 kg thanh long chưa đến 3 USD nhưng khi vận chuyển bằng hàng không sang Mỹ, các nước châu Âu thì cước vận chuyển đã hơn 3 USD/kg, cộng cả phí logistics, hải quan, lưu kho thì lên tới 7 - 10 USD/kg.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với ĐBSCL, logistics lại có vai trò vô cùng quan trọng trong việc xuất khẩu nông sản, giúp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh tạo đầu ra bền vững cho nông dân.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam nhấn mạnh vai trò của  logistics trong phát triển và tạo đầu ra cho chuỗi nông sản. Tuy nhiên theo ông Bình, “không có hạ tầng thì logistics cũng khó phát triển được”.

Logistics giúp giải quyết vấn đề phát triển nông sản ĐBSCL.
Logistics giúp giải quyết vấn đề phát triển nông sản ĐBSCL.  

Vấn đề hạ tầng như kho, bãi mà giao phó cho doanh nghiệp cũng rất khó, doanh nghiệp không đủ năng lực xây dựng liên tục các kho bãi mà cần có sự đầu tư của nhà nước. “Ngoài đường xá, cầu cảng thì nhà nước cũng cần phải đầu tư sân phơi, kho bãi tại các vùng nguyên liệu để tạo điều kiện cho doanh nghiệp”, ông Bình nhấn mạnh.

Ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, về định hướng phát triển ĐBSCL, Chính phủ rất quyết tâm và địa phương cũng quyết liệt thực hiện tuy nhiên cách làm và nguồn lực đầu tư lại chưa tương xứng với tiềm năng.

Theo ông Châu, ĐBSCL chưa có một bản đồ quy hoạch tổng thể các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh…mà đang trong tình trạng “nhà nào biết nhà đó, địa phương nào biết địa phương đó, mạnh ai nấy làm. Trăm hoa đua nở nhưng không nở theo quy hoạch và định hướng. Còn về vấn đề hạ tầng ĐBSCL có thể nói là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn phải nói”.

Đồng quan điểm đó, GS.TS NGND Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ cho rằng, trở ngại lớn nhất của ĐBSCL là đặc tính “mạnh ai nấy làm”, có rất nhiều HTX nhưng phần lớn vẫn còn hình thức. Trong một HTX nhiều người nhiều ý. Có rất nhiều doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp tâm huyết lại không nhiều.

Hậu Giang có dư địa rất lớn để phát triển logistics 

Để giải quyết vấn đề này, Hanh Nguyen Logistics đã lên ý tưởng và cho ra đời một trung tâm logistics “tất cả trong một” ở ĐBSCL. Trung tâm có khả năng thực hiện trọn gói khép kín tất cả các quy trình phục vụ xuất khẩu nông sản; giúp tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó tạo đầu ra bền vững cho nông dân.

Trung tâm sẽ giải quyết được tất cả các khó khăn của 3 nhà: nhà nông, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu. Riêng với nhà nông, trung tâm sẽ là nơi quy tụ hằng trăm thương nhân để bà con nông dân giao dịch, chào bán nông sản; đặc biệt là có thể lưu trữ nông sản sau thu hoạch lên đến 90 ngày thay vì chỉ 7 ngày như tập quán bao đời nay. 

Ở góc độ địa phương, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá, sự ra đời của trung tâm “tất cả trong một” như “chìa khóa vàng” giải quyết bài toán cố hữu về nông sản, nông nghiệp, là cơ hội để sản phẩm nông nghiệp đồng bằng và Hậu Giang ra thế giới.Trung tâm có đầy đủ tiện ích là nơi thu mua, sơ chế, bảo quản, sản xuất, nâng cao vị thế của người nông dân.

 

Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang khẳng định, Hậu Giang có dư địa rất lớn để phát triển logistics. Tỉnh đã ban hành chương trình hành động xây dựng hạ tầng logistics. Trong nhiệm kỳ này, Hậu Giang sẽ tập trung đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng, tuyến đường Quốc lộ 61C sẽ thêm 2 hoăc 4 làn được; tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến đường nối dọc, nối ngang từ Hậu Giang đi các tỉnh. Tỉnh hướng đến xây dựng chính quyền thân thiện, hành động vì sự phát triển của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt xây dựng hệ thống, thể chế của địa phương và tính đến cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư về logistics.

Theo đó, kỳ vọng các nhà doanh nghiệp sẽ quy tụ để cùng giao thương, mua bán, yên tâm chọn lựa sản phẩm ưa thích; không cần đi nhiều nơi, di chuyển qua nhiều vùng nguyên liệu để chọn lựa; chỉ cần có mặt tại một nơi là có thể thu mua bất kỳ loại nông sản nào đang có nhu cầu. 

Bên cạnh đó, mô hình trung tâm logistics “tất cả trong một” kết hợp cùng cảng quốc tế Long An và các cảng khác của ĐBSCL tạo nên một bước đột phá mới trong xuất khẩu nông sản đi các nước trên thế giới với chi phí hợp lý hơn. Nhiều mặt hàng nông sản ĐBSCL sẽ không cần phải đưa lên tận cảng Cát Lái tại TP.HCM hay Cảng Cái Mép tại Vũng Tàu để chuyển đi như trước.

Cùng với đó, tỉnh tập trung hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp theo hướng hiện đại và có tính liên kết các trục giao thông chính và khai thác cảng hiệu quả để lưu thông và vận chuyển hàng hóa thuận lợi. Tăng cường phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi; cơ sở chế biến tại các vùng sản xuất bảo đảm yêu cầu phục vụ sản xuất lớn; phát triển hệ thống logistics tăng khả năng kết nối các trung tâm cung ứng nông sản, giảm chi phí, tăng chất lượng, tăng sức cạnh tranh. 

Đọc thêm