Giải “cơn khát” du lịch hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều người trẻ đã tìm kiếm các tour du lịch gần, hình thức khép kín để giải toả sự “cuồng chân” sau chuỗi ngày giãn cách. Một số địa phương cũng đã công bố mở cửa đón khách du lịch ngay trong tháng 10 này.
 Nhiều người cắm trại tại bãi sông Hồng khi Hà Nội cho phép các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời.
Nhiều người cắm trại tại bãi sông Hồng khi Hà Nội cho phép các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời.

Nhiều địa phương mở cửa đón khách

Thời gian giãn cách dài và bị hạn chế trong những không gian nhỏ hẹp, nhiều bạn trẻ bày tỏ sự mong chờ đối với chuyến đi gần quanh Hà Nội. Trịnh Hồng Thắm (22 tuổi, Trần Cung, Cầu Giấy) chia sẻ: “Hồi tháng 3 tôi đã đặt tour du lịch đến Sa Pa nhưng do dịch nên đã bị hoãn đến nay. Khoảng thời gian giãn cách ở nhà, tôi chỉ muốn dịch qua nhanh chóng để có thể đi du lịch nghỉ ngơi, thư giãn sau những ngày mệt mỏi vì nghe tin dịch bệnh”.

Trên các diễn đàn cộng đồng, nhiều người chia sẻ, đại dịch đã làm tăng sự căng thẳng, lo âu và tăng ham muốn được giao tiếp. Vì vậy, một chuyến du lịch thư giãn đến các bản làng hay du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ phần nào xoa dịu những lo lắng, bất an trong đại dịch. Điều này còn có tác dụng xoa dịu tinh thần và cải thiện sức khoẻ.

Theo khảo sát “Chào đón du lịch trở lại” của Agoda, hơn 50% du khách Việt Nam hy vọng sẽ được đi du lịch trước cuối năm nay, trong đó nhiều người muốn đi ngay trong tháng đầu tiên, thậm chí có 5% chia sẻ rằng sẽ “xách balo lên và đi” ngay lập tức. Tỉ lệ này cao hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Philippines (44%) và Malaysia (48%). Ở Việt Nam, cung đường phía Đông Bắc như Hà Giang và vùng lân cận đang thu hút và dần trở thành điểm du lịch thu hút giới xê dịch. Các điểm đến ở vị trí top tìm kiếm và đặt phòng của Agoda là TP.HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Đà Lạt, Đà Nẵng và Nha Trang.

Hiện nay, một số địa phương cũng đã bắt đầu mở cửa đón khách du lịch, chủ yếu là khách nội địa. Mới đây, Sở Du lịch Hà Nội cho biết, với sự cho phép của UBND thành phố, dự kiến trong tháng 10 sẽ cho phép các cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch, công ty lữ hành, vận chuyển đủ điều kiện hoạt động trở lại. Tuy nhiên một số dịch vụ đi kèm như spa, phòng gym, karaoke… vẫn bị hạn chế. Giai đoạn này chủ yếu phục vụ khách du lịch trên địa bàn thành phố.

Bắc Giang đón khách du lịch từ vùng xanh từ ngày 4/10, trong khi Quảng Bình đã xây dựng phương án đón khách theo hình thức tour khép kín, khách du lịch đã tiêm 2 mũi vaccine được cấp thẻ xanh và khách mới tiêm 1 mũi được cấp thẻ vàng phải kèm đáp ứng xác nhận test nhanh hoặc test chuyên sâu PCR âm tính. Đối với khách ngoại tỉnh, Quảng Ninh đã có kế hoạch đón nhóm khách này từ tháng 11 tới, ưu tiên cho các loại hình du lịch dài ngày, khép kín. Nhân viên phục vụ các tour du lịch ngoại tỉnh phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, thực hiện xét nghiệm định kỳ và làm việc theo mô hình “3 tại chỗ”.

Quỹ thời gian trải nghiệm, rèn luyện bản thân

Với những người bị kẹt khi đi du lịch, đây là khoảng thời gian thú vị để sống chậm, thử nghiệm trải qua cuộc sống khác biệt. Hai tháng nay, Nguyễn Huy và Thuỳ Trang (Hà Nội) đã trải nghiệm cuộc sống mới mẻ khi bị mắc kẹt tại Tà Xùa (Sơn La). Với chiếc laptop mang theo bên mình, cả 2 vẫn đảm bảo được công việc của mình qua chiếc máy tính xách tay. Tận dụng thời gian dài, họ vừa làm việc, vừa thưởng ngoạn cảnh đẹp của vùng núi cao. Du lịch trong điều kiện dịch bệnh, hai bạn trẻ và nhóm bạn luôn lạc quan, vui vẻ, cùng nhau trải qua nhiều điều thú vị tại vùng đất mới.

Mỗi người có một dự định riêng với bản thân khi hết dịch. Nếu không đi du lịch, nhiều bạn trẻ bày tỏ mong muốn có thể sớm trở về quê. Ra Hà Nội để học tập từ sau Tết Nguyên Đán đến nay, chị Trần Thiều Hoa (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, không mong gì hơn ngoài việc dịch nhanh qua để có thể sớm trở về với gia đình. Mỗi năm, chị về nhà ở Hà Tĩnh 3 – 4 lần. Tuy nhiên năm nay, do ảnh hưởng từ 2 đợt dịch kéo dài từ tháng 4 đến nay, chị không thể về quê.

Sinh viên các trường đại học trên địa bàn TP. Hà Nội cũng là những người bị mắc kẹt lại trong thời gian giãn cách. Để khoả lấp nỗi nhớ nhà, nhiều bạn trẻ học cách thích nghi với tình hình. Theo chia sẻ của Phan Cao Thăng, sinh viên khoa Vật lý (Trường ĐH Khoa học tự nhiên): “Sau này, khi ra đời chắc chắn sẽ có nhiều thử thách, khoảng thời gian giãn cách cũng là dịp để mình trải nghiệm, rèn luyện bản thân vượt qua khó khăn, lối sống lành mạnh, suy nghĩ tích cực, yêu thương sẻ chia cùng gia đình và mọi người hơn”.

Đọc thêm