Giáo hóa ấn
Giáo hóa ấn giống vừa Abhaya-Ấn vừa Varada-Ấn, nhưng thực hiện với hay tay như trong ấn quyết đôi Abhaya-Varada-Ấn, hai ngón cái đụng đầu hai ngón chỉ. Thường ấn quyết này tượng trưng cho một trong những kỳ thuyết giáo của đức Phật, kỳ bàn cãi, biện luận. Ấn quyết cũng còn đuợc gọi biện minh ấn vì đây là lúc đức Phật giải thích giáo pháp, tìm cách thuyết phục người chưa tin đạo.
Tại Nhật Bản, ấn này được biến đổi với bàn tay mặt ngón cái và ngón chỉ ghép với nhau, tay trái vén một vạt áo, người Nhật gọi ấn quyết này là Kesa-ken-in; khi tay mặt đưa lên đến ngực, tay trái nắm vạt áo ngang đùi hay xê ra khỏi cơ thể thì là Nai-segan-in,...
Đặc biệt, ở Nhật Bản, tuy hiếm nhưng cũng thấy có là ấn quyết dành cho hình tượng Thần Tài với ngón nhẫn ghép với ngón cái, gọi là Kichijo-in. Khi đầu hai ngón cái và ngón chỉ ghép với nhau thành hình tròn được xem là hoàn hảo tất nhiên bất diệt, phù hợp với Phật pháp.
Còn theo Phật giáo Tây Tạng, với ngón tay cái ghép vào bất cứ một ngón nào khác, ấn quyết được những nữ thần Tara hay những vị Bồ Tát thực hiện. Cũng tại đây, trong hình tượng những thần Yabyum, hai tay chéo nhau ở cổ tay, gan tay hướng về phía ngực, những ngón hơi xòe ra.
Trong các môn phái bí truyền cũng như trong nghi lễ thờ phụng đức A Di Đà Amitabha, Giáo hóa ấn được dùng rất nhiều. Bên Nam Dương, trong tháp Borobudur, những hình tượng các đức Phật, trên lan can thứ năm quanh tầng vuông mandala, đều có tay mặt sử dụng Vitarka-Ấn, tay trái đặt trên vạt áo, gan bàn tay hướng lên trên: ấn quyết này là đặc biệt của đức Bồ tát Phổ Hiền Samanthabhadra.
Hiệp chưởng ấn
Hai tay chắp lại với nhau trước ngực như một người đang tụng niệm, đó là Hiệp chưởng ấn. Ấn thường dành cho những người đọc kinh cầu nguyện và rất thông dụng trong khắp Đông Nam Á khi kính cẩn chào hỏi, ấn này gợi lên một ý tưởng dâng hiến và nếu hai tay dang lên đến mặt thì là một cử chỉ tôn kính, sùng bái.
Trong những lễ phong chức, có thể chỉ hai ngón cái chéo nhau. Ấn quyết này cũng được thay đổi nhiều từ nước này qua nước khác. Ý nghĩa Ấn này là hai tay tượng trưng cho hai phần mandala các thiên thần hay sự liên minh mật thiết giữa thế giới nhân loại (tay trái) và thế giới các đức Phật (tay mặt). Trong trường hợp đặc biệt hình tượng đức Quan Âm, ấn quyết mang tên Ju-in được thực hiện với hai tay đặt mặt đối mặt, hơi xa nhau và nắm ở giữa một viên tinh thể.
Ấn chuẩn đề
Hình tượng Ấn chuẩn đề bắt nguồn từ sự tích Đức Chuẩn Đề. Ngài vốn là Thất Cu Chi Phật Mẫu. Ngài thường thuyết kinh Đà La Ni và nguyện cầu cho tất cả trong thế gian. Vì tấm lòng từ bi vô hạn như mẹ thương yêu đám con khờ của Ngài , nên còn được gọi là "Phật mẫu".
Ngài thường diễn nói rằng xưa nay chúng sinh đều có trong bản giác chư Phật, trong đó gồm đủ các đức dụng khắp cõi hà sa nhưng ngặt vì cứ phỉ báng chánh pháp, chẳng tin lời của Phật, tự mình làm tổn hại cho mình, nên phải trầm luân đọa lạc, dẫu cho ngàn vị Phật ra đời cũng khó mà cứu chữa.
Bởi vậy, Ngài sinh lòng từ bi, lập pháp môn làm phương tiện điều phục các việc trần của người sa cơ nhập đạo, và muốn đồng với Chư Phật một nguồn chánh giác, để dứt vọng tưởng sai lầm mà quy về nơi cõi thiện.
Biểu tượng của Ngài có nhiều vẻ quang minh tốt đẹp, còn thân tướng đều có sắc vàng và lằn điển quang trắng. Theo tích, Ngài chỉ ngồi kiết già, trên thì đắp y, còn dưới thì mặc xiêm đều trọn một sắc trắng mà có bông, lại có đeo chuỗi anh lạc và trên ngực có hiện ra một chữ "vạn".
Hai cườm tay có đeo hai chiếc vòng bằng ốc trắng, hai bên cánh tay trỏ có xuyến thất châu coi rất xinh lịch, lại hai trái tai có được ngọc bửu đương và trong các ngón tay đều có đeo vòng nhỏ. Trên đầu thì đội mũ Hoa quang, trên đó có hóa hiện ra 5 vị Như Lai.
Trên khuôn mặt Ngài có 3 con mắt, trong mỗi con mắt ấy đều rất sắc sảo, dường như chăm chỉ ngó các chúng sinh có ý sinh lòng từ mẫn. Toàn thân của Ngài có mười tám cánh tay, mỗi bên chín cánh. Hai bàn tay ở trên hết thì kiết ấn Chuẩn đề, như tướng đương lúc thuyết pháp.
Tay trái thứ hai cầm lá phướn như ý, còn tay mặt kiết ấn thí vô úy. Tay trái thứ ba cầm một bông sen đỏ, còn tay mặt cầm cây gươm. Tay trái thứ tư cầm một bình nước, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi Ni ma bửu châu. Tay trái thứ năm cầm một sợi dây Kim cang, còn tay mặt cầm một trái la ca quả. Tay trái thứ sáu cầm một cái bánh xa luân, còn tay mặt cầm một cái búa. Tay trái thứ bảy cầm cái pháp loa, còn tay mặt cầm cái thiết câu. Tay trái thứ tám cầm một cái bình như ý, còn tay mặt cầm một cái chày kim cang. Tay trái thứ chín cầm một cuốn Kinh Bát nhã Ba La Mật, còn tay mặt cầm một xâu chuỗi dài.
Ngài ngồi trên tòa sen, dưới có hai vị Long Vương ủng hộ. Đó là biểu tượng của Ngài được sách thuyết đại lược như vậy, nếu ai có lòng trì niệm, muốn chiêm vọng và quán tưởng, thì vọng niệm sẽ hiển hiện.
Có một điều đặc biệt, khi trì niệm chú Chuẩn Đề, hành giả sẽ tùy nghi bắt ấn hoặc không. Để bắt ấn, hành giả cần bắt hai ngón áp và út tréo trong, áp út mặt để trong áp út trái. Hai ngón cái đè lên các ngón áp út. Hai ngón giữa đụng đầu nhau tạo thành 1 tam giác. Hai ngón trỏ kẹp sát 2 ngón giữa. Để Ấn trước ngực nhưng không được đụng ngực hướng lên trên khi niệm chú.
Khi hết niệm, cần xả ấn Chuẩn Đề trên đầu. Ấn Chuẩn Đề còn thường được sử dụng để chữa bệnh. Và cũng theo truyền tụng, hành giả nào đã trì niệm 1 triệu biến sẽ có cơ may được Ngài Chuẩn Đề chỉ dạy cho các ấn cần thiết và được Ngài Chuẩn Đề theo sát bên mình hộ trì.
Phật giáo bắt nguồn từ Ấn Độ từ 5 thế kỷ trước Công nguyên, đạo Phật lan tỏa lên toàn miền bắc, phía tây đến Afghanistan, phía đông dọc theo con đường tơ lụa qua bắc Trung Quốc, rồi Hàn Quốc, Nhật Bản. Theo đường biển, đạo Phật được phổ biển qua Tích Lan, quần đảo Nam Dương, bán đảo Đông Dương rồi tiến lên nam Trung Quốc.
Cuộc tiếp xúc sống động với những truyền thống tín ngưỡng, với những nền văn hóa khác đã gây ra những biểu tượng đặc thù. Mặt khác, uy lực tinh thần và trí tuệ của những bậc truyền giáo qua nhiều thế kỷ cũng đã góp phần không ít vào những giáo huấn truyền đạt.
Ấn là những "cử chỉ thiêng liêng", "cử chỉ thần bí", "cử chỉ phép thuật" giúp tín đồ trong sự cảm nhận đức Phật. Phát xuất từ những cử chỉ tự nhiên, ấn gắn liền với đời sống đức Phật, từ đấy trở thành tượng trưng một sự hướng dẫn tinh thần.
Với ý nghĩa phát xuất từ nội dung lịch sử và tôn giáo đời sống đức Phật, được thực hiện qua những cử chỉ được quy tắc hóa (thể dạng bàn tay) theo một cú pháp (định hướng bàn tay), Ấn quyết đã chứa đựng một giá trị truyền đạt đòi hỏi ở tín đồ một cảm tính trí tuệ trên nẻo đường dẫn con người đến thần linh.
Và những ai có đức tin, một lòng hướng Phật, ấn còn là sự chỉ dẫn tinh anh để chữa trị bệnh tật, mưu cầu an lành, thanh tịnh và hướng đến một cuộc sống bình an. Và thực tế đã có không ít những nhiệm màu và giá trị tâm linh khó có thể lý giải vẹn toàn bằng góc nhìn khoa học…