Giải mã cơn sốt dịch chuyển ra vùng ven đô giữa dịch Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, nhiều người tìm về vùng ven đô lựa chọn cho mình một mảnh đất, căn nhà để tận hưởng không khí trong lành.
Nhiều khu nghỉ dưỡng ven đô hút khách ngày cuối tuần.
Nhiều khu nghỉ dưỡng ven đô hút khách ngày cuối tuần.

Dịch chuyển đón hướng “sống xanh”

Thời gian qua, vùng ven đô ghi nhận nhiều người săn lùng đất để làm homestay, ngôi nhà thứ hai (second home). Đặc biệt, tại các khu vực đất đai có môi trường sinh thái trong lành, gần các khu du lịch nghỉ dưỡng cũng như cảnh vật sơn thủy hữu tình.

Theo các chuyên gia bất động sản, khu vực trung tâm Hà Nội đang phát triển đến điểm ngưỡng, giá đất nội đô cũng tăng cao. Bên cạnh đó, việc gia tăng dân số đang tạo áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đô thị, môi trường và nhà ở của Thủ đô. Biểu hiện rõ nhất là trong những năm gần đây, Hà Nội thường xuyên xảy ra ngập, tắc đường, ô nhiễm không khí, tiếng ồn,... Do đó, việc dịch chuyển ra các khu vực ngoại thành là xu hướng tất yếu.

Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid-19 hiện nay đã khiến nhiều người dân muốn rời xa nơi phồn hoa đô thị, để tìm chốn bình yên và tận hưởng phút giây nghỉ dưỡng. Việc tạo cho mình một homestay hay ngôi nhà thứ hai sẽ là nơi trốn dịch an toàn cho nhiều hộ gia đình và họ còn có thể tận dụng để cho thuê khi nhàn rỗi. Ghi nhận tại một số khu vực ven đô cho thấy, các khách hàng đa phần lựa chọn những mảnh đất ven rừng, đất nông thôn với giá vừa tiền, diện tích lớn.

Khảo sát cho thấy, thị trường bất động sản ven đô, đặc biệt là các khu vực tỉnh Hòa Bình và một số huyện của Hà Nội như Thạch Thất, Đông Anh, Quốc Oai, Đan Phượng, Ba Vì… là ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Ngoài những yếu tố kể trên, các khu vực này trở nên hấp dẫn còn bởi việc cải thiện hệ thống giao thông, hạ tầng đô thị hiện đại, cũng tạo nên sức hút khiến nhiều người có xu hướng chuyển ra ngoại thành sinh sống.

Điều này tạo nên sự kết nối thuận tiện giữa khu vực vùng ven và trung tâm thành phố. Nhất là quãng đường di chuyển từ trung tâm thành phố về những khu vực này không xa và tiết kiệm được nhiều thời gian. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi 5 đô thị vệ tinh Hà Nội chưa hoạt động, thì xu hướng nghỉ dưỡng ven đô cách thành phố 20 - 30 phút đi xe ô tô được đánh giá là rất phù hợp.

Các chuyên gia nhận định, xu hướng “sống xanh” và sự dịch chuyển cư dân ra khu vực ven đô, đang đi đúng quy luật tất yếu của thị trường, đồng thời là một tín hiệu đáng mừng. Chính vì thế, xu hướng ly tâm, rời nhà ra ngoại đô ở không chỉ góp phần hình thành các khu đô thị vệ tinh trong tương lai mà còn giúp giãn dân, giảm áp lực hạ tầng, sự ùn tắc trong nội đô, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống trong đô thị.

Nhiều gia đình mua đất nền ven đô để hưởng cuộc sống xanh giữa dịch Covid-19.Nhiều gia đình mua đất nền ven đô để hưởng cuộc sống xanh giữa dịch Covid-19.

“Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay, gia đình tôi đã tìm một nơi vùng ven trung tâm để làm nhà ở nghỉ dưỡng. Khu vực huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình) bây giờ đi lại trung tâm thành phố cũng rất tiện, vì thế tôi lên đây tìm và mua được mảnh đất vài nghìn mét vuông để làm nhà vườn”, anh Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ.

Cũng giống như anh Nam, vợ chồng anh Hùng chia sẻ rằng, do cuộc sống chật chội giữa trung tâm quận Đống Đa (Hà Nội) nên anh đã quyết định lên vùng đất Vân Hòa (huyện Ba Vì, Hà Nội) để mua 1.000m2 đất, trong đó có 300m2 đất ở. Gia đình anh đã xây một căn nhà kiểu biệt thự và một vườn cây, ao cá rộng rãi. Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4/2021, gia đình anh đã chuyển hẳn lên đây sinh sống và khi có công việc anh mới di chuyển về trung tâm thành phố.

Một số chuyên gia bất động sản cho rằng, phân khúc nhà vườn ven đô không chỉ dành cho những gia đình có gốc thành phố, mà nhiều nhà khi có điều kiện họ đều tính đến việc sẽ thay đổi để tận hưởng những giây phút ở làng quê. Về lâu dài, mặc dù đây là thị trường ngách nhưng nhu cầu vẫn khá lớn. Ngoài nhu cầu ở, thì dịch vụ homestay, nghỉ dưỡng cũng sẽ đáp ứng cho một bộ phận khách bình dân và trung lưu ở thành phố, nếu muốn được trải nghiệm không gian sống thiên nhiên.

Cẩn trọng với cơn sốt “ảo” đất ven đô

Khảo sát cho thấy, bên cạnh việc nhiều cá nhân có xu hướng dịch chuyển đến vùng ven đón cuộc sống xanh, thì nhiều doanh nghiệp cũng nắm bắt thời cơ để đầu tư sinh lời. Nhiều nhà phát triển bất động sản đã lựa chọn vùng ven đô Hà Nội để đầu tư xây dựng biệt thự, kinh doanh các khu nghỉ dưỡng cùng với nhiều tiện ích.

Tuy nhiên, có một thực tế là khi nhu cầu nhà ở và đầu tư tăng cao dễ khiến thị trường có nguy cơ sốt “ảo” và đẩy giá đất tăng lên cao gấp nhiều lần giá trị thực tế. So với khoảng vài năm trước, giá đất nền tại nhiều khu vực ven đô Hà Nội đã tăng khoảng từ 20-30%, cá biệt có một số nơi tăng đến 50-60%.

Giải mã nguyên nhân sốt đất, các chuyên gia kinh tế cho rằng, do thời gian qua tín dụng vào bất động sản tăng nhanh, thanh khoản được bơm ra hệ thống dồi dào thông qua hoạt động mua vào trái phiếu Chính phủ, qua tái cấp vốn cho các ngân hàng và mua vào ngoại tệ làm tăng cung tiền ra thị trường.

Bên cạnh đó, thị trường bất động sản Hà Nội khan hiếm nguồn cung khiến nhà đầu tư tìm đến kênh đầu tư đất nền ven đô. Trong khi đó, người dân có nhu cầu sở hữu một khu homestay hay căn nhà thứ hai để tránh dịch lại tăng cao. Tuy nhiên, nhiều khu vực ven đô chỉ có hoạt động đầu tư, đầu cơ của các nhà đầu tư nhỏ lẻ mà giá đất có hiện tượng “nhảy múa”.

Thực tế cho thấy, có không ít người mua đất nền ở các vùng ven đô không căn cứ vào giá trị thực. Hiện tượng sốt đất “ảo” trong thời gian qua chủ yếu xảy ra trong dân và giao dịch trái pháp luật phát sinh trên nền đất nông nghiệp, đất rừng. Người mua và người bán giao dịch kiểu viết tay, nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền địa phương. Đặc biệt, với loại hình đất có tiềm năng để làm homestay hay căn nhà thứ hai (secon home) cho thấy, nhiều giao dịch chuyển nhượng không đúng quy định pháp luật.

Nguyên nhân của hiện tượng trên là do nhu cầu ở và đầu tư của người dân tăng cao. Trong khi đó dự án chính thức, đúng pháp luật, được Nhà nước công nhận khan hiếm. Từ đó dẫn đến việc nhà đầu tư đánh liều đầu tư những lô đất ruộng, đất nền theo “sóng”, phát sinh những giao dịch trái quy định nhằm chờ tăng giá. Còn đối với những người có nhu cầu ở thực, nếu những cá nhân này không có sự lựa chọn tỉnh táo, rất dễ rơi vào bẫy sốt đất “ảo”.

“Theo quy luật thị trường thì khi giá lên đỉnh, không thể sinh lời, đất không có người mua hoặc không có nhu cầu sử dụng lại ồ ạt bán cắt lỗ. Bên cạnh rủi ro giá xuống nhiều người bị rơi vào tình trạng tranh chấp pháp lý, do trước đó mua bán đất giao dịch trao tay không đúng quy định pháp luật”, chị Hà - một nhà đầu tư đất nền ven đô cho biết.

Trước thực trạng trên, các chuyên gia bất động sản khuyến cáo, nhà đầu tư hay người dân cần có khả năng so sánh, định giá, đánh giá đúng giá trị của các khu đất nền. Khi tìm mua đất, họ cần nghiên cứu kỹ tính pháp lý và quy hoạch phát triển của từng địa phương, từng vùng để hạn chế rủi ro.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng như người dân có nhu cầu tìm một nơi để đầu tư hay nghỉ dưỡng, thì cần tránh vội vàng và có quyết định phù hợp sau khi cân nhắc các yếu tố về giá trị tài sản, tránh tâm lý đám đông kẻo “tiền mất tật mang”.

Đọc thêm