Giải mã hội chứng phạm tội vì mặc cảm

Trong một số vụ án đã xảy ra ở Việt Nam, các nhà tội phạm học đã nhìn thấy sự hiện diện của hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối” ở người phạm tội. Tuy nhiên do đánh giá chưa đúng mức nên chứng cứ hội chứng này không được ghi nhận đầy đủ...

Phàm đã là con người, ai cũng có lúc tự thấy mình nhỏ bé, kém cỏi và cảm xúc đó được gọi là sự mặc cảm, tự ti. Bên cạnh tác dụng kích thích sự vươn lên, phấn đấu, thì rất nhiều lúc mặc cảm, tự ti là những tảng đá níu chân con người trong bể khổ...

Những người sống mặc cảm đã bỏ quên những ưu điểm của mình

Con hận mình xấu xí

Cho đến tận giờ này, khi thắp nén hương lên bàn thờ của con, bác Vĩnh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) cũng không thể tin nổi con gái mình lại có thể hành xử dại khờ như thế. Chuyện là chị Hà Vy, con gái bác Vĩnh, không may sinh ra lại không được thừa hưởng nét đẹp từ bố mẹ. Nhan sắc của chị nếu tính theo thang điểm 10, thì chỉ ở mức điểm 3. Nhưng bù lại, chị rất thông minh và nói chuyện có duyên. Nhờ thế mà ngay từ ở trong trường đại học, chị đã được một chàng "hotboy" ngỏ lời yêu. Ra trường, hai người lấy nhau và nhanh chóng có một cô con gái xinh xắn giống bố.

Đập vỡ vỏ ốc - chỉ có ta

Nói một cách hình ảnh thì sự mặc cảm, tư ti như chiếc vỏ ốc giam hãm con người trong đó. Chỉ có điều chiếc vỏ ốc này do chính bản thân mỗi cá nhân tạo ra, thế nên đập bỏ nó cũng phải là “chính chủ”. Kinh kệ nhà Phật đã dạy rằng, trong cuộc sống, ai cũng có nỗi buồn, mặc cảm nhưng điều quan trọng là ta có dũng cảm đứng lên vượt qua những điều đó hay không.

Một người mẹ thay vì cho rằng mình không hoàn hảo vì không được cho con cái những cái áo đẹp hay món đồ chơi đắt tiền, hãy nghĩ rằng mình đã cố gắng hết sức mình, làm việc cực khổ để nuôi dạy con cái và cung cấp cho chúng những tiện nghi căn bản trong khả năng của mình. Một gia đình không giàu có dư giả nhưng nên vui vì đã sống một đời sống tử tế, không lọc lừa gian dối, giữ tư cách trong sạch, có những đứa con ngoan...

Thế nhưng, từ ngày chị Hà Vy sinh con, bác Vĩnh thấy tính nết con gái mình đổi khác. Sự sinh đẻ cộng với nỗi bận bịu con mọn làm cho con gái bác xấu thêm. Biết vậy nên chị mặc cảm lắm. Chị tâm sự với mẹ rằng rất hận mình xấu xí. Chị không chịu nổi ánh mắt của bạn bè chồng, rồi người ngoài đường cứ nhìn xoáy vào mình mỗi khi cả nhà xuất hiện. Tai chị luôn lùng bùng những câu nói ác cảm: “Đứa kia thế mà may”, “Xấu thế mà lấy được chồng đẹp”, “trời ơi sao hoàng tử lại đi cạnh Lọ lem thế này”...

Hiểu được tâm lý con gái, bác Vĩnh đã nhiều lần trò chuyện, khuyên giải con rằng giá trị của con người đâu chỉ mỗi ngoại hình, phụ nữ ai chẳng qua giai đoạn quá độ này, đợi con cái lớn tí rồi may mặc, chăm chút mặt mũi. Thậm chí bác Vĩnh còn dày công sưu tập trên mạng câu chuyện có thật của một người đàn bà xấu lấy chồng đẹp và sống rất hạnh phúc ở Thường Tín, Hà Nội. Nhưng, tất cả đều vô ích, chị Vy cứ chìm sâu trong mặc cảm mình xấu xí, kém cỏi hơn chồng. Rồi chuyện dữ đã xảy ra. Trong lá thư tuyệt mệnh, chị Vy viết rằng mình chọn cái chết vì không muốn trở thành “kỳ đà cản mũi” cuộc sống của người chồng đẹp trai...

Không có của hồi môn - xấu hổ, bỏ chồng

Anh Phúc, chồng chị My (ở Thanh Hóa), có một đám bạn đại học rất thân. Lúc rỗi rãi họ thường tụ tập và lần nào đi chơi về anh Phúc cũng kể cho vợ nghe những chuyện vui của họ. Nhưng đợt này, chị My thấy chồng có vẻ lảng tránh những cuộc gọi của bạn, anh viện đủ có nọ kia để không đến gặp bạn. Ngạc nhiên, chị My hỏi chồng thì được biết lần gặp nhau gần đây nhất, anh thấy cả đám đều đến chỗ hẹn bằng ôtô, dùng điện thoại Iphone, nói chuyện làm ăn, hợp đồng cứ như gió. Trong khi anh chỉ là một nhân viên văn phòng, đi lại bằng chiếc xe Honda Wave cọc cạch, dùng điện thoại phím bấm. Anh tự thấy mình kém cỏi nên rút lui.

Bi đát hơn trường hợp của anh Phúc, chị Nga (ở Cầu Giấy, Hà Nội) đã đệ đơn ra Tòa xin ly dị vì chị xấu hổ trước người chị em bạn dâu cùng nhà. Vợ chồng quen nhau từ thời sinh viên, ra trường cưới nhau, chị sống chung với nhà chồng ở Hà Nội. Nhà chị ở tít vùng núi Tuyên Quang nên bố mẹ nghèo không có của hồi môn gì cho con gái ngày lấy chồng. Nhưng nhà chồng chị vốn có học hành, trí thức nên không lấy đó làm câu nệ.

Câu chuyện xoay chiều khi cô dâu thứ hai - vợ cậu em trai chồng xuất hiện. Vốn là con của bố giáo sư và mẹ thương nhân có tiếng nên cô này được bố mẹ cho hẳn một ngôi nhà tại chung cư cao cấp khi xuất giá. Đã thế, nàng dâu mới lại có những kiến thức về âm nhạc, hội họa, thẩm mỹ khá chuẩn nên nhiều lúc bố mẹ chồng chị Nga ngồi nói chuyện với con dâu thứ quên cả thời gian. Chứng kiến cảnh này, tự dưng chị Nga nhớ lại câu chuyện không có hồi môn của mình và thấy đầy mặc cảm. Từ chỗ mặc cảm, chị nghe câu nói nào của chồng, nhà chồng cũng như ám chỉ vào cái sự nghèo, kém kiến thức xã hội của mình. U uẩn tích dần và bùng nổ bằng quyết tâm xin ly dị mặc cho chồng khuyên giải.

Mặc cảm hèn kém cũng là động cơ phạm tội

Khi đi tìm động cơ giết người trong vụ án sát hại nghiên cứu sinh người Mỹ gốc Việt Annie Lê, các nhà tội phạm học đã phát hiện thủ phạm Clark mắc phải hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối”. Clark luôn bị giày vò bởi suy nghĩ: “Trong khi cô ta người châu Á đang tham gia vào những cuộc khảo cứu y học vô cùng quan trọng và có thể sau này sẽ trở nên danh tiếng, còn mình người Mỹ thì sẽ suốt đời lau chùi tại căn phòng thí nghiệm với sự u tối, vô vọng”. Từ trạng thái bất an đó, trong một tình huống mất kiểm soát bản thân, Clark đã phạm tội. Trong một số vụ án đã xảy ra ở Việt Nam, các nhà tội phạm học cũng đã nhìn thấy sự hiện diện của hội chứng “mặc cảm hèn kém tương đối” ở người phạm tội. Tuy nhiên do đánh giá chưa đúng mức nên chứng cứ hội chứng này không được ghi nhận đầy đủ.

Hạnh Quyên  

Đọc thêm