'Giải mã' lời đồn uống nước 'giếng thần' trị bách bệnh ở Đồng Nai

(PLO) -Tọa lạc trên đỉnh núi Bình Điện, ở tả ngạn sông Đồng Nai, chùa Bửu Phong (thuộc KP5, phường Bửu Phong, TP. Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai) được nhiều người biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ, sơn thủy hữu tình mà còn vì nơi đây hiện hữu một giếng nước tương truyền trị được bách bệnh.
Giếng nước “thần” tương truyền chữa được bách bệnh

Nhiều người cho rằng, nước trong giếng linh thiêng là nhờ được Phật Bà Quan Âm giáng thế xuống vào đúng ngày Vía năm 1963. “Một đồn mười, mười đồn trăm”, suốt hơn 50 năm qua, khách thập phương ồ ạt tìm đến giếng xin nước trị bệnh. Để biết thực hư câu chuyện trên, phóng viên Câu chuyện Pháp luật đã tìm đến chùa Bửu Long để tìm hiểu.

Phật Bà giáng thế vào giếng nước?

Ngự trên đỉnh núi Bình Điện, ngôi Bửu Phong Cổ Tự trầm mặc trong tiếng gõ mõ, tụng kinh và mùi hương trầm phảng phất trong không khí càng tăng thêm vẻ huyền bí. Ở chánh điện, khoảng hơn 30 người chắp tay quỳ gối dưới chân tượng Phật Bà Quan Âm với lòng thành kính cao độ.

 Toàn cảnh chùa Bửu Long

Xong nghi lễ, họ chậm rãi tiến lại gần chân tượng tiếp tục vái lạy trước khi lấy chén nước trên bệ thờ uống, rửa mặt hoặc xoa lên khắp cơ thể. Sư thầy Thiện Ngộ (chùa Bửu Phong) cho biết, đây là nước được múc lên từ giếng cổ trong chùa tương truyền nhờ có Phật Bà giáng thế vào ngày vía năm 1963 nên trị được bách bệnh.

Nói đoạn, thầy dẫn chúng tôi đến một giếng nước được xây hình vuông, bên trên có nắp đậy được làm bằng lưới. Đoạn thầy múc nước lên cho phóng viên quan sát rồi nói: “Nước giếng không có gì khác thường nhưng rất nhiều người tin uống nước trong giếng cổ này có thể trị được bách bệnh”.

Nguyên nhân của câu chuyện trên được thầy Thiện Ngộ kể: Theo truyền thuyết kể lại rằng, vào những năm vua Gia Long và quan binh lên núi Bình Điện lánh nạn nhưng gặp mùa khô hạn không có nước dùng. Nhà vua bèn hướng lên ngọn núi khấn nguyện thần linh gia hộ xong thì dùng thanh gươm đâm mạnh xuống đất, một mạch nước liền vọt lên. Đoàn tùy tùng liền đào nơi ấy thành giếng lên lấy nước uống mà khỏi nạn chết khát.

Nhiều năm sau, vào giữa đêm ngày 19/9 năm Quý mão (1963), Thầy Yết Ma Thiện Giáo và đại chúng trong chùa cùng người dân địa phương đều thấy một vòng tròn như trái châu, đường kính khoảng 60 cm, màu đỏ sáng rực từ trên không rơi xuống trước mặt tiền chùa liền đốt đuốc đi xem. Cả hai bên đều gặp nhau tại giếng cổ từ lâu đã tắt mạch khô cạn nước nhưng thời khắc ấy lại đầy ắp nước thì đều lấy làm lạ.

Đến 3h khuya, Phật tử khắp nơi bỗng dưng đổ về chùa xin nước giếng uống để trị bệnh. Mọi người kể nằm mộng thấy Phật Bà Quán Thế Âm gọi ai có bệnh lên chùa Bửu Phong núi Bình Điện xin nước về uống sẽ hết. Suốt một tháng ròng, ngày nào khách thập phương cũng đổ về kín chùa. Cho rằng đây là sự lạ, Thầy Yết Ma đã xây tượng Quán Thế Âm và đặt một tấm bia kỷ niệm vẫn còn đến hôm nay”.

Tấm bia đá được đặt bên cạnh giếng nước, trên mặt khắc bài thơ: Bửu Phong Cổ Tự nguyện đề/ Nhằm năm Quý Mão Bà về cứu dân/ Mười chín tháng chin khởi lần/ Dương lịch thì nhằm 1963/ Người ta vô số hằng hà/ Tật nguyền đuôi điếc hiểm nguy thiếu gì/ Trước chùa giếng nước Cam Lồ/ Uống vô hết bệnh, phun vào tật yên/ Nên nay kỷ niệm lưu truyền/ Xây đài tượng cốt Bà lên nơi này/ Đặn đời gi nhớ công dầy/ Yết Ma thiện giáo bút ghi để đời.

Theo tập sách ghi lại được lưu giữ trong chùa có đoạn viết: “Căn cứ vào hàng chữ Hán khắc trên liền gỗ ở cọt gian giữa giảng đường thì Chùa Bửu Phong được xây dựng từ năm 1616 và đại trùng tu vào năm Minh Mạng thứ IX (1829)”.

Bàn về sự linh thiêng và huyền diệu của chiếc giếng “thần”, tại trang 36 và 37 của tập sách có giới thiệu: “Bửu Phong Cổ Tự là ngôi đại Già Lam được tồn tại gần 400 năm, trải qua thời gian dài, dù ảnh hưởng chiến tranh cùng chung số phận của dân tộc nhưng vẫn còn giữ được nguyên vẹn nét cổ xưa. Đó là nhờ sự linh thiêng huyền diệu của Long Thiên Hộ Pháp thường hộ trì. Đặc biệt, trước mặt tiền chùa nhìn xuống cách khoảng 50m, có một giếng nước… Điều kỳ diệu thật sự là ai xin nước về uống cũng hết bệnh”.

Hai lần ngăn quân địch?

Khi hỏi về câu chuyện trên, Cụ Chín (83 tuổi, bán nhang quanh chùa Bửu Phong) nói, mình sống ở đây từ thuở lọt lòng nên chuyện gì ở mảnh đất này cũng rành. Sự kiện Phật Bà giáng xuống giếng năm 1963 cụ Chín cho rằng chính mắt thấy tai nghe.

Bà Chín nhớ về ngày Bà về cho nước cứu dân.

“Lúc Bà chưa về giếng khô cạn nước nhưng sau cái đêm đó thì nước đầy ắp đến tận miệng giếng. Hàng nghìn người kéo về xin nước uống trị bệnh. Nhiều đến nỗi nước không ra kịp, người ta phải múc cả bùn sình lên rồi chắt lọc lấy nước cúng vái bà để uống. Dân buôn bán từ các nơi nhân cơ hội kéo về chật kín, nhiều người sắm được nhà lầu xe hơi nhờ sự kiện năm đó”, cụ Chín kể.

Cũng theo lời cụ Chín, vào thời điểm đó phong trào Phật giáo đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm dâng cao khắp miền Nam. Thấy người tụ tập về chùa càng lúc càng đông, viên sĩ quan của Việt Nam Cộng hòa đang đóng quân trên núi Bình Điện e ngại xảy ra chuyện không hay nên yêu cầu sư trụ trì giải tán người dân nhưng bị các Phật tử la ó phản đối.

Viên sĩ quan liền rút khẩu súng ngắn ra chĩa lên trời bảo: "Nếu Phật Bà giáng thế thật thì hãy làm phép lạ cho súng của tôi không nổ. Nếu súng nổ, bà con phải giải tán" rồi bóp cò thì súng bất ngờ không nổ thật. Người này liền thay băng đạn mới tiếp tục siết cò thêm 2 lần nhưng súng vẫn “im re” không nổ.

Tức tối, viên sĩ quan điện đàm cho trung tá Quận trưởng Đức Tu (thời điểm này, xã Bửu Long thuộc quận Đức Tu, TP Biên Hòa- PV) xin ý kiến. Viên chỉ huy tức tốc lái xe Jeep lên chùa. Tên này giật ngay khẩu súng của viên sĩ quan nói lớn: "Nếu Phật Bà linh nghiệm thì cho nổ súng. Tôi chỉ bắn 1 phát. Nếu súng nổ, tôi cho bà con ở lại cầu kinh, còn không, bà con phải giải tán", đoạn siết cò thì súng nổ vang.

Bà con reo hò vang dậy, viên chỉ huy đành phải để bà con cầu kinh và múc nước giếng lên trị bệnh. “Nước giếng linh thiêng lắm, trị được cả bệnh hiểm nghèo mà bệnh viện phải trả về. Có người đến xin nước giếng để uống, thoa ngay tại chỗ, có người đem theo can 10 lít, 20 lít chở về nhà dùng. Chút nữa cháu cứ xin nhà chùa một chai nước giếng rồi đến thắp nhang bên tượng bà. Sau đó đem về mà uống, đầu óc thông thái, rửa mặt thì mắt sáng hơn”, bà Chín tin tưởng khuyên.

Tượng Phật Bà Quán Thế Âm tại chùa Bửu Phong.

Cũng với niềm tin trên, chị Phương Như Nam (quê Cần Thơ) vừa lấy nước vừa cho hay: “Tôi đến chùa Bửu Phong cũng nhiều lần rồi, mỗi lần đều xin chút nước ở giếng Bà để về nhà tắm rửa cho con, cháu”. Một người phụ nữ đứng bên cạnh cũng nói xem vào: “Tôi hay bị đau đầu kinh niên, nghe nói nước giếng “thần” trị được bách bệnh, nhiều người bị bệnh ung thư uống nước cũng hết nên tới xin nước Bà độ để nhanh khỏi bệnh”.

Chỉ là niềm tin tâm linh

Tin tưởng vào sự linh thiêng của giếng nước là vậy nhưng trong lúc trò chuyện với phóng viên, cụ Chín liên tục phải dùng tay xoa xoa lưng, chân vì bị bệnh đau lưng, mỏi khớp từ hồi trẻ. Cụ nói, mình cũng xin uống nước giếng Bà nhiều lần, nhưng không khỏi bệnh.

“Mỗi năm có hàng ngàn, hàng vạn người xin Bà chữa bệnh, người ta đi hàng trăm cây số cũng phải ưu tiên hơn mình ở gần chứ”, bà Chín tỏ vẻ thông cảm tự động viên mình. Nhưng khi hỏi những ai đã chữa được bệnh thì cụ bà bảo, nghe đâu là người ở tận trên quận 1, TP HCM bà cũng không rõ lắm.

Anh Long, một người dân địa phương bán nước dưới chân núi cũng cho biết, từ ngày có tin đồn trên, rất nhiều người tìm đến cầu nguyện xin nước giếng về trị bệnh, vào ngày rằm thì có đến hàng ngàn người đổ về chùa. Tuy nhiên, anh cho rằng, tất cả chỉ là tin đồn.

“Sự kiện Phật Bà giáng xuống giếng nước vào đêm khuya năm 1963 không chỉ dân địa phương mà cả người dân nơi khác đều biết nhưng đến nay ai là người tận mắt thấy thì vẫn chưa rõ. Hỏi thì người này bảo nghe người kia nói, rồi đồn khắp nơi, mà cả người uống nước giếng chữa khỏi bệnh nan y cũng chỉ nghe đồn. Tui bị cận mà lên xin nước giếng để rửa cho sáng mắt nhưng rửa hoài có đỡ đâu. Gần đây mắt tui cũng đã sáng ra nhưng là nhờ mấy chục triệu tiền mổ”.

Khi được hỏi về giếng nước có khả năng chữa bách bệnh, ông Nguyễn Thanh Sơn, tổ trưởng tổ 32 (khu phố 5, phường Bửu Long, TP. Biên Hòa) cho biết: Thời điểm Phật Bà giáng năm 1963, tôi có biết nhưng lúc đó quá nhiều người dân kéo tới tôi không thể chen chân lên xem được. Kể từ đó tới nay lượng người đến đây xin nước về trị bệnh vẫn rất đông, đa phần là người lạ.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng uống nước giếng Bà trị được bách bệnh là hoang đường. Nước lã thì làm sao trị ung thư, bệnh nan y, ung bướu được. “Cả chuyện lúc đầu giếng cạn nước nhưng khi có Phật Bà giáng xuống thì đầy ắp cũng không đúng. Hồi nhỏ tôi cùng lũ trẻ trong xóm đi thả bò quanh núi ngày nào chả múc nước giếng này để tắm táp, té nước đùa giỡn cùng nhau. Mùa mưa nước tràn lênh láng ra cả miệng giếng, chỉ có mùa khô vị trí giếng nằm trên đồi nên bị khô nước thôi”, ông Sơn cho hay.

Xét ở thời điểm 19/9/1963, đúng vào mưa thì giếng đầy nước là đương nhiên rồi. Hơn nữa, vào năm 1970, nghĩa là 7 năm sau ngày Bà về, tôi và đám bạn của mình vẫn còn tắm ở giếng này nhưng tôi và mấy đứa bạn ghẻ lở đầy người cũng có hết đâu. Ghẻ lở thông thường còn không khỏi nói gì đến chuyện ung thư.

“Tất nhiên cũng có một số người uống nước giếng xong thấy bệnh tình thuyên giảm là do họ đã “vái tứ phương” , uống bao nhiêu là thuốc Tây thuốc Tàu rồi lúc ấy mới ngấm cộng với niềm tin nên sức khỏe phục hồi nhanh cũng là điều bình thường”, ông Sơn nói.

Tuy vậy, ông cho biết, tin đồn về Phật Bà giáng thế hay chuyện nước giếng trị được bệnh có thể vì mục đích chính trị. Về nguồn gốc của cái giếng do vua Gia Long cầu khấn thần linh mà có, qua tìm hiểu được qua một quyển sách rằng, trong đoàn chạy nạn của vui hồi ấy có thầy địa lý rất giỏi, dù ở nơi đâu ông ấy vẫn tìm được nguồn nước ngầm. Có thể giếng nước cũng do thầy địa lý này tìm được nhưng họ đã thần thánh hóa câu chuyện để yên lòng quân lúc bấy giờ.

“Vào những năm chiến tranh, tôi biết sư trụ trì chùa nuôi cán bộ cách mạng, chùa chính là nơi để cán bộ ẩn thân. Và sự kiện Phật Bà giáng thế thu hút hàng ngàn phật tử đến chùa đã giúp lực lượng cách mạng trà trộn vào chùa chuẩn bị lực lượng đối phó với tình hình chính trị tại Sài Gòn. Vì theo nguồn tin vào khoảng thời gian đó Mỹ sắp dùng lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng hòa đảo chính Ngô Đình Diệm”, theo lời ông tổ trưởng.

Thời điểm đó, quân ta đã chuẩn bị lực lượng để nhân cơ hội chiếm chính quyền từ tay Mỹ nhưng do nhiều yếu tố khách quan, cuộc nổi dậy bị tạm hoãn. Dù không thực hiện được kế hoạch nhưng nhờ sự kiện Phật giáng thế, một tổ thám sát của cách mạng cũng trụ được trên chùa theo dõi mọi động tĩnh từ sân bay chiến lược Biên Hòa.

Tổ thám sát này đã hướng dẫn pháo binh của Công trường 9 giáng đòn bất ngờ vào sân bay Biên Hòa vào tháng 10/1971. Trận pháo kích này đã vô hiệu hóa hàng chục máy bay chiến đấu và gây thiệt hại lớn cho Quân đoàn 3 của địch. Đầu năm 1975, từ vị trí điểm cao trên chùa, lực lượng quân báo của ta đã quan sát được tình hình quân địch ở Biên Hòa, góp phần giải phóng Sài Gòn”, ông Sơn lý giải.

Chung ý kiến với ông Sơn, bác sỹ Vân Thị Bích Huyền (SN 1972)- trưởng trạm y tế Phường Bửu Long chia sẻ, khi có niềm tin, tinh thần thư thái thì con người có thể giảm được 70% bệnh tật. Đó cũng là nguyên nhân bác sĩ hay khuyên bệnh nhân giữ tâm hồn thư thái, tập thể dục hoặc đến chùa chiền cầu nguyện.

“Tùy thuộc vào từng loại bệnh, thể trạng của từng bệnh nhân bác sĩ sẽ có một phác đồ điều trị riêng nên thật vô lý khi một loại nước lã không biết được chứa hợp chất gì mà có thể chữa được bách bệnh. Thế nhưng phần lớn là khách thập phương đến xin nước giếng chữa bệnh nên chúng tôi không thể khuyên họ được.

Đấy là chưa nói tới trường hợp giếng cổ có tuổi thọ vài trăm năm thường lẫn nhiều tạp chất, qua thời gian tính chất nước sẽ biến đổi, việc không xem xét kỹ mà chỉ nghe những lời đồn đoán trị bách bệnh rồi uống vào thì rất nguy hiểm cho sức khỏe”, bác sĩ Huyền cho biết.

Phật Bà giáng thế có thể chỉ là hiện tượng sao băng của tự nhiên

Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, hiện đang là Giảng viên bộ môn Vật Lý, Thiên Văn Học, chủ tịch Hội Thiên Văn Học Trẻ Việt Nam (VACA) nhận định, việc nhiều người ở chùa thấy hình ảnh một vòng tròn như trái châu đường kính khoảng 60 cm sáng rực trên không rơi xuống mặt tiền chùa và cho rằng đó là hiện tượng Phật Bà giáng thế chỉ là do tưởng tượng.

Khối cầu lửa màu đỏ mọi người thấy rất có thể chỉ là một ngôi sao băng rất sáng, khi rơi xuống tạo ra những hiệu ứng ánh sáng hoặc đơn giản chỉ là một hiện tượng chớp nào đó của thiên nhiên. Đây là hiện tượng thiên nhiên rất bình thường nhưng những người tin vào tâm linh sẽ tưởng tượng thêm ra. 

Nhà chùa nhận định trái châu đường kính khoảng 60 cm chỉ là tưởng tượng bởi chẳng ai có thể nhìn vào một vật đang lao đi mà biết được kích thước nó cả. Khối cầu màu đỏ có thể nói đơn giản, khi thiên thạch nào đó lệch khỏi quỹ đạo, lao ra khỏi khí quyển, chúng ta sẽ nhìn thấy nó dưới dạng sao băng. Khi trên cao thì lóe sáng màu trắng, thực tế xuống gần thì sẽ thấy màu đỏ, tùy thuộc vào nhiệt độ. Vì đó là một ngọn lửa nên khi lao đến gần mặt đất, sao băng sẽ tắt.

Đọc thêm