Giải mã 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩ (Kỳ 14): Đường tới gian hùng

(PLO) -Chí ít là đến thời Đông Tấn, hình tượng Tào Tháo “năng thần thời trị, gian hùng thời loạn” đã được Tôn Thịnh nhắc tới. 
 

 

Tào Tháo giả bệnh để hại chú.
Tào Tháo giả bệnh để hại chú.

Các nhà nghiên cứu hiện đại dựa vào câu nói này đã chỉ ra: Tào Tháo từng có thời kỳ muốn làm năng thần, rồi sau đó vì thời thế ép buộc mới chuyển sang làm gian hùng. Sự thực như thế nào? Tào Tháo đã làm một năng thần ra sao?

Cường hào ác bá

Nhà họ Tào đối với nguồn gốc xuất thân của dòng họ mình thì hết sức mù mờ, đó là bởi họ Tào không phải gia đình có bề dày học thức, cũng tương tự như nhà họ Tôn ở Giang Đông mà sau này chúng ta sẽ thấy. Tổ phụ Tào Tiết (hay Tào Manh) ở nhà nuôi lợn (Tào Tiết này không phải hoạn quan Tào Tiết thời Hán Linh đế).

Đến thời con ông ta là Tào Đằng làm hoàng môn tụng quan, được chọn vào cùng Thái tử đọc sách, làm quen với Thái tử (về sau là Hán Hoàn đế) thì mới có cơ hội leo cao. Con nuôi là Tào Tung nhờ thế lực và tiền của cũng mua được vài chức quan. Gia đình Tào Tháo do đó là gia đình trọc phú mới nổi. Tào Tháo “mất dạy” từ nhỏ.

Chính ông ta cũng đã thừa nhận mình “đã không tam tỉ giáo, chẳng nghe lời qua đình”. Tam tỉ giáo là nói chuyện Mạnh mẫu ba lần dời nhà để dạy con đừng học theo thói xấu. Lời qua đình là lời của Khổng Tử thấy con đi ngang qua thì hỏi sao không học Thi, Lễ. 

Tào Man truyện nói Tháo lúc nhỏ “chỉ thích săn chim đua chó, du đãng vô độ”. Người chú mấy lần mách với Tào Tung, Tháo liền nghĩ kế giả vờ trúng gió, cho chú báo lại với cha, rồi làm vẻ mặt như thường tới gặp cha. Tào Tung liền nghi ngờ người chú nói dối, càng không để ý tới Tào Tháo.

Thế thuyết tân ngữ còn kể chuyện Tào Tháo cùng Viên Thiệu đi cướp cô dâu, trên thực tế là cưỡng đoạt dân nữ. Tào Tháo cũng như Tào Đằng, Tào Tung, chỉ là cường hào ác bá. Mấy thành tích bất hảo này được Trần Thọ mô tả khéo léo thành “có tài biến trá mau lẹ, rất cơ trí, nhưng có lòng hào hiệp phóng túng, chẳng màng đến sự nghiệp gì cả”.

Bởi Tào Tháo không chăm lo sự nghiệp mà chỉ thích phá làng phá xóm nên chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi về sau Tào Tháo lại được bái làm Nghị lang vì “có thể thông hiểu cổ học”. Kỳ thực thì Ngụy thư đã từng than vãn bọn Nghị lang đương thời với Tào Tháo chỉ là bọn tạp nhạp.

Ghi chép sớm nhất cho thấy Tào Tháo có đọc sách là sau khi Tháo từ chối chức Thái thú Đông quận. Lúc này Tháo đã hơn ba mươi tuổi, mới về nhà, “mùa xuân mùa hạ đọc sách, mùa thu mùa đông săn bắn”.

Tào Tháo và Viên Thiệu lúc trẻ cùng nhau phóng túng, nhưng uy tín của Tháo trong giới danh sĩ lại không là gì. Nếu như Thiệu vào lúc hai mươi tuổi làm Bộc Dương trưởng “rất có thanh danh”, thì danh tiếng của Tháo chỉ là ô danh. Danh sĩ Nam Dương là Tông Thế Lâm “có chí tùng bách”, nhất quyết không giao du với Tháo.

Kiều Huyền xui Tháo nên giao du với danh sĩ Hứa Thiệu để tăng danh tiếng. Hứa Thiệu là người rất giỏi bình luận con người, ai được ông ta bình một câu sẽ nổi như cồn. Thế là “Tháo thường nói khéo, dâng lễ, mong được chú ý. Thiệu khinh rẻ nên không đáp”. Tào Tháo phải “tìm cách bức Thiệu”, Thiệu mới đưa lời nhận xét “năng thần thời trị, gian hùng thời loạn”. Tháo cười lớn, rồi bỏ đi.

“Nguyệt đán bình”của anh em Hứa Thiệu là phương tiện nhanh nhất để vang danh thiên hạ
“Nguyệt đán bình”của anh em Hứa Thiệu là phương tiện nhanh nhất để vang danh thiên hạ

Năng thần, anh hùng hay gian tặc?

Lời nhận xét ấy tất nhiên không xuất hiện trong ghi chép của Trần Thọ. Trần Thọ chỉ ghi nhận lời khen của Thái úy Kiều Huyền và danh sĩ Nam Dương là Hà Ngung. Kiều Huyền cho rằng “thiên hạ sắp loạn, không phải là người có tài hơn đời thì chẳng thể cứu được thiên hạ”, mà Tào Tháo chính là người như thế.

Tuy nhiên, từ thời Đông Tấn về sau, càng ngày công luận càng cho rằng bản chất Tào Tháo là hai mặt. Tôn Thịnh viết Dị đồng tạp ngữ đã chủ trương “năng thần thời trị, gian hùng thời loạn”. Hậu Hán thư của Phạm Diệp viết Hứa Thiệu nói rằng Tháo là “gian tặc buổi thanh bình, anh hùng thời loạn thế”; còn Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh thì cho biết Kiều Huyền đã nhận xét Tháo “ngài thực là anh hùng thời loạn, gian tặc thời trị”. 

Cách nói của Tôn Thịnh thực ra vẫn là hàm ý khen, như Hồ Tam Tỉnh đã lý giải: “là nói rằng kỳ tài tuyệt thế, thiên hạ trị thì dốc hết khả năng cho đời dùng, thiên hạ loạn thì thỏa thích mưu trí làm kẻ gian”.

Ngược lại, lời Phạm Diệp và Lưu Nghĩa Khánh hàm ý chê bai rất rõ. Bất kể là thời trị hay thời loạn, Tào Tháo đều sẽ khiến cho thiên hạ xáo động. Có điều thời trị mà gây loạn thì là gian tặc, thời loạn mà gây loạn thì là anh hùng. Anh hùng hay gian tặc không do bản chất thay đổi, mà do thời thế. Hồ Ngọc Tỉnh cho rằng “hai câu ấy sợ Tôn Thịnh nhân vì Tấn kế thừa Ngụy, có điều úy kỵ nên sửa đổi đi”, mà lời của Phạm Diệp mới là “ghi được sự thực”.

Dịch Trung Thiên trong cuốn Phẩm Tam quốc cũng từng phân tích chỗ thâm thúy trong đoạn bình luận này của Hứa Thiệu ghi trong Hậu Hán thư. Tuy nhiên, dù nói thế nào thì cũng là hàm ý Tào Tháo là người có thể thích ứng với thời đại. Dù là thời loạn hay thời trị, Tào Tháo cũng sẽ làm nên sự nghiệp. Nhưng nếu Tào Tháo sống ở thời đại không trị mà cũng chưa loạn thì sẽ thế nào?

Tào Tháo cũng có thời muốn làm năng thần
Tào Tháo cũng có thời muốn làm năng thần

Năng thần nửa vời

Trần Thọ đối với con đường làm quan của Tào Tháo từ lúc được cử Hiếu liêm đến khi Đổng Trác làm loạn thì nói khá vắn tắt. Một là, nhiều chỗ Trần Thọ chỉ điểm qua thật nhanh. Hai là, Trần Thọ không xác định niên đại cho các giai đoạn ấy. Ghi chép thời gian của Trần Thọ bắt đầu vào tháng chạp năm Trung Bình thứ sáu, khi Tào Tháo khởi binh ở Kỷ Ngô để đánh Đổng Trác.

Năm đó Tào Tháo ba mươi lăm tuổi. Hành trạng của Tào Tháo trong thời gian này rất gập ghềnh. Năm hai mươi tuổi, Tào Tháo được cử Hiếu liêm, ra làm quan Lang, rồi chuyển làm Lạc Dương Bắc bộ úy, huyện lệnh Đốn Khâu (23 tuổi), Nghị lang, Kỵ đô úy, Tế Nam tướng, Thái thú Đông quận.

Đây là thời kỳ mà Dịch Trung Thiên cho rằng Tào Tháo muốn làm năng thần. Ngài Dịch cho rằng là năng thần hay gian thần phụ thuộc vào hai yếu tố: một - thời đại đó là trị hay loạn và hai – Tào Tháo lựa chọn như thế nào.

Sau này Tào Tháo nhớ lại: “Cô ban đầu được cử làm Hiếu liêm, tuổi trẻ, tự biết mình vốn chẳng phải là kẻ sĩ nổi danh nơi hang động, sợ người trong nước thấy rõ cái ngu ngốc phàm thường của mình, nên chỉ muốn làm một viên Quận thú, nắn sửa chính giáo, kiến lập danh tiếng, khiến kẻ sĩ trên đời biết đến mình”. Tào Tháo đã ba lần “nắn sửa chính giáo, kiến lập danh tiếng”, nhưng thảy đều ăn phải quả đắng.

Lần thứ nhất, Tào Tháo làm Lạc Dương bắc bộ úy. Thực ra ý của Tháo là nhắm tới chức Lạc Dương lệnh, nhưng vì người nắm giữ quyền hạn bổ nhiệm là Lương Cốc không chấp nhận, Tư Mã Phòng lại tiến cử nên Tháo mới là Đô úy. Đây là chức vụ bảo vệ trị an. Tào Tháo tới nơi, đặt gậy năm màu, tuyên bố ai phạm vào lệnh cấm đi đêm thì bất kể là ai sẽ đều đánh chết. Mấy tháng sau, chú của hoạn quan Kiển Thạc phạm lệnh, bị Tháo đánh chết. Tào Tháo cũng vì việc này mà bị bọn Kiển Thạc căm hận, tâu xin chuyển Tháo về địa phương, làm huyện lệnh Đốn Khâu, thuộc Đông quận, Duyện Châu.

Lần thứ hai, Tào Tháo trở về triều làm Nghị lang. Vì bấy giờ có nhiều tai dị nên Hán Linh đế hỏi các quan về việc chính trị. Tào Tháo cũng dâng thư nói “gian tà đầy rẫy trong triều, người tốt bị che lấp”. Nhưng Hán Linh đế chẳng thèm để ý. Tình hình chính trị ngày càng xấu. Tào Tháo thấy chẳng thể làm gì được nên không dâng lời can nữa.

Lần thứ ba, Tào Tháo nhờ đánh thắng Khăn Vàng nên được bổ làm quốc tướng nước Tế Nam. Tào Tháo tới đó liền tấn công bọn trưởng lại câu kết với quý thích, xin bãi chức tám người, lại phá hết các đền thờ ở Tế Nam, cấm quan dân không được tế tự nữa.

Vì có chính tích, Tào Tháo được cử làm Thái thú Đông quận. Ta cứ nghĩ, Tào Tháo đã thỏa nguyện, sẽ tiếp tục phát huy. Nào ngờ Tào Tháo không tới Đông quận nhậm chức mà trở về quê, “muốn lấy bùn lầy tự che thân, dứt tuyệt ý tưởng vãng lai cùng tân khách”. Lý do là gì? 

(Mời xem tiếp số sau)

Đọc thêm