Cho đến tận khi đưa Hán Thiếu đế về kinh đô, Đổng Trác chưa từng làm ra chuyện gì có thể gọi là thương thiên hại lý, đến nỗi bị xem là kẻ độc ác nhất từ khi có sử đến nay. Nếu Đổng Trác cứ thế quay về Lương Châu, địa vị của ông ta trong sử sách có lẽ sẽ ngang hàng với đám Hoàng Phủ Tung, Chu Tuấn, Lư Thực – những người vào sinh ra tử đánh giặc để bảo vệ triều Hán. Thêm một bước nữa thì có thể ngang hàng với nhóm người Trần Phiền, Đậu Vũ, Hà Tiến – những người xả thân mình tiêu diệt hoạn quan.
Tội ác thứ nhất: phế hôn quân, lập minh quân
Khi đưa quân vào kinh đô, Đổng Trác đã tuyên bố rõ ràng: mục tiêu của ông ta là tiêu diệt bè lũ quan hoạn. Nhưng khi hoạn quan đã diệt, các quan muốn Trác bãi binh thì Đổng Trác lại không nghe. Lần này Đổng Trác cũng tuyên bố rất rõ ràng: đám người tự xưng là đại thần quốc gia trong triều không đủ sức khuông phò vương thất, buộc lòng Đổng Trác phải ở lại.
Trong cuộc gặp đầu tiên giữa Đổng Trác và triều đình nhà Hán, Đổng Trác đã tiến hành bắt mạch, xem bệnh. Căn bệnh của triều Hán đã ăn sâu đến tận gốc. Hoàng đế dung túng hoạn quan, đến khi bị hỏi đến cũng chẳng thể giải thích rõ ràng đầu mối loạn lạc. Đổng Trác rất chán ghét, nhưng đồng thời cũng tìm được phương thuốc. Đó là Trần Lưu vương Lưu Hiệp.
Lưu Hiệp tuy còn trẻ dại nhưng lại có nhận thức hết sức sâu sắc về chính trị, hiểu rõ nguyên nhân loạn lạc, “từ đầu đến cuối không có chỗ nào sai sót”. Thế là “Trác cả mừng, bèn có ý phế lập”. Dịch Trung Thiên cho rằng Đổng Trác phế lập là để tỏ rõ uy quyền, nhưng không hẳn là vậy. Thập thường thị sở dĩ sinh ra là nhờ có Hà Thái hậu, mẹ của Hán Thiếu đế.
Hà hậu là hàn môn may mắn được vào cung, nên chỉ có thể cậy nhờ hoạn quan để tạo ra quyền lực chính trị. Bởi vì hoạn quan là một tồn tại khách quan, trong cung cấm không thể không có hoạn quan hầu hạ; bởi vì Hà Thái hậu ngoài hoạn quan ra thì chẳng thể dựa vào đâu để thực thi ảnh hưởng chính trị, nếu không dẹp bỏ Hà hậu thì diệt thập thường thị chỉ là cắt cỏ ở ngọn.
Thực tế đã cho thấy quá rõ ràng: Hà Tiến diệt Kiển Thạc thì nổi lên Trương Nhượng, Triệu Trung. Giết một nổi lên hai. Đổng Trác phen này quyết định nhổ cỏ tận gốc, phải phế ông vua chẳng biết gì cả là Lưu Biện, để lập ông vua am hiểu nguồn gốc họa loạn là Lưu Hiệp.
Ngày nay nói đến Hán Hiến đế Lưu Hiệp, chúng ta cứ tưởng tượng ra hình ảnh ông vua nhu nhược bị Tào Tháo kềm kẹp. Nhưng chẳng mấy ai để ý rằng ngay cả khi bị Tào Tháo kẹp chặt nhất, Lưu Hiệp vẫn liên tục vùng vẫy. Tào Tháo liên tục bị đe dọa ngay tại căn cứ địa Hứa Xương, đến nỗi phải tạo ra một trung tâm quyền lực thứ hai là Nghiệp Thành để làm đối trọng với Hứa Đô. Trên thực tế, trước khi rơi vào tay Tào Tháo, Lưu Hiệp đã có rất nhiều biểu hiện chính trị cho thấy mình là một minh quân.
Mặc dù là hoàng đế do Đổng Trác dựng lên, nhưng không ai có thể nghi ngờ tư cách đế vương của Hán Hiến đế |
Hậu Hán kỷ cho biết, có lần ở kinh thành gặp nạn đói to, Lưu Hiệp quyết định phát gạo và đậu để nấu cháo phát chẩn cho dân. Số lượng phát chẩn rất nhiều, nhưng số người chết đói không giảm. Lưu Hiệp liền nghi ngờ có kẻ bớt xén, liền sai đem gạo và đậu tới, tự mình đong lường, nấu thử ở ngay trước chỗ ngồi, tìm ra chứng cứ bớt xén và trừng trị kẻ đó. Khi trời phát sinh tai dị, Lưu Hiệp tự ăn năn sửa mình, rời khỏi cung điện, ra ngủ chung với binh sĩ.
Lý Quyết (nhân vật này thường bị đọc sai là Lý Thôi), Quách Dĩ làm loạn, đánh nhau ở Trường An. Lưu Hiệp chẳng ngồi không bó gối, mà chủ đông làm người đứng ở giữa tiến hành hòa giải đôi bên. Có lần Lý Quyết yếu thế, chạy tới nói chuyện với Lưu Hiệp. Lưu Hiệp còn là một thiếu niên, nhưng ăn nói hết sức rõ ràng, cuối cùng đã giải tỏa được nghi ngờ cho Lý Quyết. Lý Quyết hết sức vui mừng, đi ra nói rằng “bệ hạ thực là bậc minh quân”.
Mâu thuẫn giữa Lý, Quách ngày càng gay gắt, mà Quyết còn dẫn thêm người Khương Hồ vào Trường An làm loạn, cũng chính là Lưu Hiệp ra tay dọn dẹp. Lưu Hiệp gọi ngay Giả Hủ tới, yêu cầu ông ta xử lý. Giả Hủ liền bày tiệc mời bọn Khương Hồ tới ăn uống, đưa nhiều vàng bạc. Đám Khương Hồ ấy liền tan đi. Lý Quyết trở nên yếu thế. Đúng lúc Trương Tế từ Hoằng Nông đưa quân tới, Lưu Hiệp chớp lấy cơ hội, đòi đi kinh lý phía đông, tự mình thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Lý Quyết, Quách Dĩ.
Hành trình về phía đông của Lưu Hiệp cũng vô cùng mạo hiểm, vì Lý, Quách đã tỉnh ra, nên hợp sức đuổi theo. Lưu Hiệp nhặt nhạnh quân đội các nơi, chống cự mấy lần, có thắng có thua, nhưng cuối cùng đã lui được Lý, Quách.
Điểm đặc sắc là trên con đường đó chẳng thấy đám trung thần Quan Đông xuất hiện, người tới ủng hộ Lưu Hiệp chủ yếu lại là đám dư đảng Khăn Vàng của quân Bạch Ba và các tộc người Hung Nô của Ư Phù La (chính con cháu của lực lượng này về sau sẽ diệt nhà Tây Tấn, lập ra nhà Hậu Hán, chấm dứt thời Tam quốc – theo quan điểm của quần chúng thời kỳ Tống-Nguyên). Cuối cùng Lưu Hiệp cũng đưa được triều đình về Lạc Dương.
Tuy rằng ban đầu thực sự là có thiếu đói, nhưng Lưu Hiệp đã liên hệ được với Trương Dương, đồng thời đã phát chiếu gọi Lữ Bố ở Từ Châu về hộ giá. Nói cách khác, nếu Tào Tháo không xen vào phá đám, không tới bắt thiên tử, Lưu Hiệp sẽ không cam tâm làm ông vua nhu nhược, để cho người khác mượn hết vốn liếng chính trị của mình. Đổng Trác lập Lưu Hiệp làm hoàng đế có thể nói là lựa chọn sáng suốt, hoàn toàn xứng đáng. Nhưng Đổng Trác lại bị dư luận chống đối quyết liệt. Quan điểm của họ ra sao?
Phán quyết của công nghị: thà thờ hôn quân, chẳng lập minh quân
Phế Hán Thiếu đế hôn ám, lập Trần Lưu vương là “tội ác” thứ nhất của Đổng Trác |
Trước khi tiến hành phế lập, Đổng Trác đã trưng cầu ý kiến rất nhiều nhân vật chính trị, phần lớn họ đều phản đối. Đổng Trác hỏi Viên Thiệu. Thiệu nói rằng “đế tuy còn thơ ấu, nhưng chưa hề có tiếng bất thiện truyền ra thiên hạ; Công muốn phế đích lập thứ, sợ rằng thiên hạ chẳng nghe theo lời bàn của Công”. Thế là hai người cãi nhau. Viên Thiệu cầm ngang thanh đao, vái dài rồi bước ra luôn trước con mắt ngạc nhiên của Đổng Trác.
Viên Thiệu đã phán đoán rất chính xác. Khi Đổng Trác đưa việc này ra bàn công khai, ông ta đã bị phản đối bởi chính lập luận đó. Đổng Trác nói rằng “trên hết là đạo trời đất, thứ đến là đạo quân thần, đó là lý do được trị”, thế nhưng “hoàng đế ám nhược, chẳng nên để phụng thờ tôn miếu”.
Thượng thư Lư Thực liền phản đối rằng: “kim thượng đang tuổi trẻ, hành vi không có lỗi lầm”, muốn nói tới phế lập thì phải đợi Thiếu đế phá kỷ lục của Xương Ấp “lập được hai mươi bảy ngày, mắc hơn nghìn tội” – một ngày phải làm được hơn ba mươi tội! Hán Thiếu đế chưa đạt được kỷ lục đó, cho nên dù có dung túng thập thường thị cũng mặc kệ, u mê không biết gì về chính trị cũng kệ, vẫn phải thờ phụng.
Có điều, sự phản đối của đám người đó cũng chỉ là nói miệng. Đổng Trác đã quyết tâm thì sẽ làm được. Họ muốn Thiếu đế có tội thì Đổng Trác sẽ kể ra cho nghe. Trong tờ chiếu phế đế có nói Hán Thiếu đế “thiên tư khinh bạc” (tư chất chẳng ra gì), “uy nghi không kính cẩn”, “lúc cư tang lờn biếng, áo sô không mặc, y phục như thường”, tóm lại là “ác đức đã rõ, nét xấu vang danh, tổn nhục thần khí, vấy bẩn tông miếu”. Đổng Trác họp triều đình lần thứ hai thì lập tức phế được Hán Thiếu đế và Hà Thái hậu, lập Trần Lưu vương Lưu Hiệp lên ngôi, tức là Hán Hiến đế.
Đám quần thần chỉ trích lúc này lập tức im bặt. Sau khi Đổng Trác bị giết, cũng chẳng ai dám nói vị hoàng đế do Đổng Trác lập ra này không phải chân mệnh thiên tử, vô số người hướng về vị thiên tử đó để tìm kiếm quan chức, tỏ rõ lòng trung. Hành vi phế lập của Đổng Trác lúc chuẩn bị làm thì thấy sai, nhưng làm xong rồi thì lại có vẻ đúng. Đổng Trác có lẽ sẽ tiếp tục chống chọi được con thuyền triều Hán nếu ông ta không phạm phải tội ác thứ hai. Đó là trọng dụng nhân tài...