Vào lúc lâm chung, Tôn Sách đã giao cơ nghiệp lại cho người em trai lớn tuổi nhất là Tôn Quyền. Cứ theo lời nhận xét của Tôn Sách thì Sách và Quyền tài năng hoàn toàn trái ngược nhau. Tài năng của Tôn Sách là tài tranh thiên hạ, tài năng của Tôn Quyền là tài giữ cơ nghiệp. Chiến lược tranh giành thiên hạ của Đông Ngô vì thế mà phải gác bỏ. Nên làm như thế nào?
Vào lúc qua đời, Tôn Sách dường như đang thực hiện một phiên bản điều chỉnh của Giang Đô đối sách, hoặc đã từ bỏ Giang Đô đối sách để thực hiện một chiến lược lớn hơn.
Di ngôn của Tôn Sách
Tôn Sách không chỉ còn muốn “Kinh Dương thống nhất, thù xưa trả được”, “làm ngoại phiên của triều đình” nữa, mà đã muốn “dẫn dắt người Giang Đông, quyết cơ ở vùng Lưỡng Trần” - nghĩa là đi về bắc để tranh thiên hạ. Tôn Sách đã từ bỏ chiến lược nhất thống Kinh-Dương mà theo đuổi chiến lược cũ của Viên Thuật: lấy Dương Châu làm vốn, tiến vào nước Trần tranh chiếm Duyện-Dự-Từ (Sau khi xưng đế, Viên Thuật đã tiến vào đất Trần, giết Trần vương Lưu Sủng, nhưng lại bị Tào Tháo đánh tan). Cuộc chiến Quan Độ chính là một cơ hội lớn để làm việc ấy.
Thế nhưng cái chết đột ngột của Tôn Sách đã buộc Sách phải đánh giá lại toàn bộ tình hình. Tôn Sách chỉ có thể giao lại chính quyền cho người em lớn tuổi nhất là Tôn Quyền – lúc đó mới mười chín tuổi. Tôn Sách phó thác cho Trương Chiêu phò tá Tôn Quyền. Vấn đề nằm ở chỗ Trương Chiêu bấy giờ đã tiến cử người em trai thứ ba của Tôn Sách là Tôn Dực (còn có tên là Nghiễm). Điển lược nói Dực “tính tình giống như Sách; Sách sắp mất, bọn Trương Chiêu bảo Sách đem binh giao cho Nghiễm”. Thế nhưng Tôn Sách không nghe, lại gọi Tôn Quyền tới, giao cho ấn thụ.
Tôn Sách chết. Trương Chiêu tiến cử người giống Tôn Sách để tiếp tục sự nghiệp của Tôn Sách là hợp lý. Thế nhưng Tôn Sách lại giao sự nghiệp cho kẻ hoàn toàn trái ngược mình. Đây là điểm đặc sắc trong cách dùng người của Tôn Sách mà các sử gia đời sau đã chỉ ra. Trên thực tế, Tôn Sách lựa chọn Tôn Quyền là phục vụ cho ý đồ chiến lược của bản thân. Tôn Sách cho rằng sự nghiệp tranh thiên hạ không thể tiếp tục thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại, phải chuyển sang chiến lược giữ chặt Giang Đông, ngồi nhìn thành bại.
Tôn Quyền đón nhận cơ nghiệp Giang Đông (Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591) |
Lời trăn trối của Tôn Sách là minh chứng rõ nét nhất. Triệu Nhất Thanh đã nhận ra rằng đoạn trăn trối trong Tam quốc chí “hoàn toàn dùng lời của Ngô lục”, nhưng Trần Thọ đã cắt mất một chi tiết quan trọng. Khi dặn dò bọn Trương Chiêu, Tôn Sách nói: “Trung Quốc đang loạn, ôi dựa vào dân chúng Ngô, Việt, ba sông kiên cố, đủ để quan sát thành bại. Các công hãy giúp đỡ em ta cho tốt”. Phía sau mấy chữ này còn có bốn chữ “thận vật bắc độ” (cẩn thận, chớ có vượt sông lên phía bắc). Tôn Sách còn ám thị cho Tôn Quyền rất rõ: “Dẫn dắt người Giang Đông, quyết cơ ở vùng Lưỡng Trần, cùng thiên hạ tranh giành, khanh chẳng bằng ta. Tiến cử người hiền, dùng người tài năng, khiến ai nấy hết lòng, để bảo vệ Giang Đông, ta chẳng bằng khanh”. Có thể nói, đối với Tôn Sách, con đường tranh giành thiên hạ của nhà họ Tôn nên chấm dứt tại đây. Bi quan hơn, như lời Ngô lịch chép, Tôn Sách nói với Trương Chiêu rằng: “Nếu Trọng Mưu chẳng thể làm nổi việc, ngài hãy tự lấy đi. Nếu lại không thể thành công, thì thong thả bước về phía tây, cũng chẳng lo gì”. Tôn Sách thậm chí đã nghĩ đến tình huống xấu nhất.Có điều ý nghĩa của mấy chữ “hoãn bộ quy tây” (thong thả bước về phía tây) là rất mịt mờ. Tôn Sách ám chỉ việc Lão Tử bỏ chức quan của nhà Chu, đi về tây ra cửa Hàm Cốc (ý nói lúc đó Chiêu có từ quan cũng được) hay ám chỉ khả năng đem tập đoàn của mình đầu hàng Tào Tháo, Lưu Biểu?
Dù sao đi nữa, sự lo âu của Tôn Sách là có cơ sở. Cơ nghiệp của Tôn Sách bấy giờ chỉ có sáu quận: Cối Kê, Ngô, Đan Dương, Dự Chương, Lư Lăng, Lư Giang. Sách giữ Cối Kê, Chu Trị giữ quận Ngô, cậu Sách là Ngô Cảnh giữ Đan Dương, anh họ là Tôn Bôn giữ Dự Chương, em của Bôn là Tôn Phụ giữ Lư Lăng, Lý Thuật giữ Lư Giang. Thế nhưng, những vùng xa xôi còn chưa theo về hết. Giữa kẻ sĩ, tân khách với nhà họ Tôn còn chưa có cái nghĩa vua tôi. Tào Tháo nghe tin Tôn Sách chết, đã toan cất quân đánh dẹp Giang Đông.Tôn Sách vừa nằm xuống, thì Lý Thuật liền chiếm Lư Giang làm phản. Thậm chí cả người trong dòng họ là Tôn Phụ ở Lư Lăng còn “sợ Quyền chẳng thể giữ được Giang Đông”, bèn nhân lúc Tôn Quyền đi ra Đông Dã, gửi thư gọi Tào Tháo đem quân tới. Có thể nói, nguy cơ của Giang Đông như trứng treo trên sợi tóc.Rốt cuộc Tôn Quyền phải làm sao?
Giang Đông đối sách
Tôn Quyền sở dĩ có thể đứng vững là nhờ số nhân tài do Tôn Sách để lại. Về mặt nội chính, Trương Chiêu là người đã đứng ra phò tá Tôn Quyền. Trương Chiêu khuyên Quyền ngưng khóc, cởi áo tang, lên ngựa ra ngoài kiểm duyệt quân đội, để cho các tướng biết ai là chủ mới. Chu Trị nắm quận Cối Kê cũng tỏ lòng trung thành với Tôn Quyền. Chu Du từ tiền tuyến Ba Khâu về chịu tang, cũng ở lại phò tá. Mưu sĩ Trương Hoành thì nằm vùng ở Hứa Đô, khuyên can Tào Tháo chớ nhân lúc có tang mà đánh Giang Đông. Kết quả, Tào Tháo phong cho Tôn Quyền làm Thảo Lỗ tướng quân, lĩnh Thái thú Cối Kê. Tuy là vậy, nhưng Tôn Quyền không đóng đồn ở Cối Kê mà đóng ở quận Ngô – địa bàn do Chu Trị quản lý, lấy Cố Ung làm Cối Kê thừa quản lý công việc hành chính ở đó. Tào Tháo cũng đứng ngoài cuộc tranh giành giữa Tôn Quyền với Thái thú Lư Giang Lý Thuật. Quyền dẫn binh đánh Thuật ở Hoàn Thành, giết Thuật, dời ba vạn người đi chỗ khác (tuy nhiên Quyền không có cách nào khống chế Lư Giang).Tôn Quyền còn chia phái các tướng đánh dẹp người Sơn Việt và những kẻ không phục tùng trong lãnh thổ.
Vào thời điểm này, chiến lược chính trị của Tôn Quyền khá mù mờ.Lúc gặp Lỗ Túc, Quyền chỉ toan “kế thừa cơ nghiệp cha anh, nghĩ tới chuyện lập công như Hoàn, Văn”, nhưng chưa biết làm thế nào.Lỗ Túc đã đưa ra chiến lược cụ thể cho Tôn Quyền.Cuộc nói chuyện giữa hai người diễn ra trên giường riêng của Tôn Quyền.Hai người cùng ngồi uống rượu.Lỗ Túc đã nói rằng tình thế hiện tại muốn làm Tề Hoàn công, Tấn Văn công tôn phò thiên tử là không thể được. Vì sao vậy? Vì có Tào Tháo. Túc nói: “Ngày trước Cao Tổ khư khư muốn tôn thờ Nghĩa Đế mà không được, là vì có Hạng Vũ làm hại. Tào Tháo ngày nay, cũng như Hạng Vũ thời xưa, tướng quân do đâu mà làm được Hoàn, Văn chứ?”.Tình thế thiên hạ theo sự đánh giá của Lỗ Túc là “Hán thất không thể phục hưng, Tào Tháo không thể trừ ngay”, nếu vì Tôn Quyền mà mưu tính thì “chỉ có đỉnh túc Giang Đông, để quan sát sơ hở của thiên hạ”.
Chu Du tiến cử Lỗ Túc (người quỳ) với Tôn Quyền (Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1605) |
Bốn chữ “đỉnh túc Giang Đông” (chia chân vạc Giang Đông) của Lỗ Túc đã khiến nhiều người thảng thốt. Hà Trác nói rằng: “Bấy giờ do đâu mà biết sẽ chia chân vạc? Ấy cũng là lời vẽ vời sau khi chuyện đã xảy ra thôi”. Lư Bật cũng nói: “Bấy giờ Tiên chủ (Lưu Bị) không có một thước đất, sao bảo là chân vạc?”. Tư Mã Quang cũng không tin chuyện này. Trong Tư trị thông giám, dựa theo thói quen tùy tiện sửa văn xưa theo ý riêng, ông ta liền bỏ hai chữ “đỉnh túc”, đổi thành “bảo thủ” (gìn giữ). Tất nhiên, nếu Gia Cát Lượng chưa ra khỏi lều tranh đã biết thiên hạ chia ba, thì tại sao Lỗ Túc lại không thể? Dịch Trung Thiên giải thích rằng chia ba chân vạc lúc này là Tào Tháo, Tôn Quyền, Lưu Biểu. Lưu Bị “không có một thước đất”, tất nhiên không có phần. “Đỉnh túc” theo cách hiểu của Tư Mã Quang lại không phải chia ba, mà là “gìn giữ”.
Từ chỗ “gìn giữ” sẽ phát triển lên. Lỗ Túc nói tiếp: “Lúc này phương bắc thực đang lắm việc. Nhân lúc họ lắm việc, ta trừ diệt Hoàng Tổ, tiến đánh Lưu Biểu, đi đến chỗ cuối cùng của Trường Giang mà chiếm cứ nó đi, rồi sau dựng hiệu đế vương để mưu đồ thiên hạ. Đấy là cơ nghiệp của Cao Đế đó”. Vào thời điểm này, Tôn Quyền chưa thể ra mặt tán đồng ngay, và Trương Chiêu cũng sẽ ngăn cản.Nhưng lời kêu gọi chiếm lấy Kinh Châu sẽ còn vang lên. Ít lâu sau, Cam Ninh từ chỗ Hoàng Tổ chạy sang, đã đề xuất: “Trước tiên bắt Hoàng Tổ, ... một khi phá Tổ, gióng trống về tây, tây chiếm Sở Quan, đại thế mở rộng, rồi sau có thể dần dòm ngó Ba Thục”. Cũng giữa lúc này, mưu sĩ Thẩm Hữu đã “trình bày kế nên nuốt Kinh Châu”. Tôn Quyền đều thu nạp hai kế ấy. Vậy Kinh Châu lúc này phải chăng là mảnh đất có thể nói nuốt là nuốt được?