Giải mã 'vùng tối' Tam quốc diễn nghĩa (Kỳ 38): Lưu Biểu và những chiến tích bị che giấu

(PLO) -Trong các chiến lược tranh giành thiên hạ do Tôn Sách đưa ra tham vấn Trương Hoành, do Lỗ Túc, Cam Ninh, Thẩm Hữu đề xuất với Tôn Quyền, do Gia Cát Lượng đề xuất với Lưu Bị đều có một đề mục quan trọng là “chiếm lấy Kinh Châu” – lúc này đang do Lưu Biểu quản lý. 
 
Lưu Biểu – tranh thời Thanh
Lưu Biểu – tranh thời Thanh

Trong Tam quốc chí, Trần Thọ đem Lưu Biểu nhập làm một cục với Viên Thiệu, đều phê phán rằng bọn họ “bề ngoài khoan hòa, bề trong nghi kỵ, thích mưu mà không quyết đoán, có người tài mà chẳng thể dùng, nghe lời thiện mà chẳng đón nhận, phế đích lập thứ, đến nỗi hậu tự đảo điên, xã tắc nghiêng đổ”. Những lời bàn này đem so với Viên Thiệu thì đã có vấn đề, vậy đem vận vào Lưu Biểu thì có chắc đã đúng?

Nhất thống Kinh Châu

Lưu Biểu tự Cảnh Thăng, người quận Sơn Dương, huyện Cao Bình. Nhưng Trần Thọ “quên” không nói rằng Lưu Biểu là dòng dõi của Lỗ Cung vương, nghĩa là cùng một gốc với cha con Lưu Yên, Lưu Chương chiếm cứ Ích Châu. Lưu Biểu “mình cao tám thước, dung mạo khôi vĩ”. 

Thời cuối Đông Hán, Lưu Biểu chẳng những là danh sĩ mà còn là đảng cố (nghĩa là danh sĩ kết với nhau thành bè đảng). Lưu Biểu cùng với bảy người là Trương Ẩn, Tiết Úc, Vương Phóng, Tuyên Tĩnh, Công Trữ Cung, Lưu Chi, Điền Lâm họp thành một nhóm, “khắc đá lập đàn tế, cùng làm bộ đảng” – có chút hơi hướng “đào viên kết nghĩa”. Nhóm người ấy có chỗ gọi họ là Bát tuấn, có chỗ gọi là Bát cố, Bát giao, Bát hữu.

Dù là “Bát” gì đi chăng nữa thì khi nhà Hán thanh trừng đảng cố, Lưu Biểu đã phải trốn chui trốn nhủi. Phải đến khi lệnh cấm bè đảng được cởi bỏ, Lưu Biểu mới tới làm duyện lại cho Đại tướng quân Hà Tiến, rồi lên chức Bắc quân Trung hầu, giám sát năm hiệu quân ở Kinh đô. Theo Trấn Nam bi (văn bia về Lưu Biểu), Biểu “tại chức được mười tuần, vì hiền nên được chuyển sang làm Thứ sử”. Đấy là lúc Thứ sử Kinh Châu là Vương Duệ - một chư hầu trong liên quân Quan Đông – bị “trung thần” Tôn Kiên giết chết. Lưu Biểu tới thay chức cho Vương Duệ. Người ban ra lệnh này chắc không ai xa lạ mà chính là Đổng Trác.

Lúc Lưu Biểu tới Kinh Châu thì châu này đã nát bét.Nhờ phúc của Tôn Kiên mà cả Thứ sử Kinh Châu lẫn Thái thú Nam Dương đều bị giết. Nam Dương trở thành căn cứ địa của Viên Thuật. Tô Đại làm Thái thú Trường Sa, Bối Vũ làm trưởng huyện Hoa Dung, cũng đều nắm quân đội để làm loạn. Ngoài ra còn có những dòng họ có thế lực khác nắm binh tự giữ đất, gọi là tông tặc.Suốt một dải Giang Nam đều có những kẻ ấy.

Lưu Biểu rất dũng cảm. Lúc mới tới Kinh Châu, ông ta đi một ngựa tới Nghi Thành ở Nam Quận. Lưu Biểu đã gặp mặt ba nhân vật quan trọng chi phối toàn bộ chính quyền Kinh Châu sau này, đó là Khoái Việt, Khoái Lương người Trung Lư và Sái Mạo người Tương Dương. Cuộc nói chuyện đó chính là “Long Trung đối”, phiên bản Lưu Biểu.

Các thế lực ở Kinh Châu khi Lưu Biểu vừa đến (190)
Các thế lực ở Kinh Châu khi Lưu Biểu vừa đến (190)

Mở đầu, Lưu Biểu đã đặt vấn đề: “Tông tặc rất mạnh, mà chúng không phục, Viên Thuật thừa cơ, họa đã tới rồi. Tôi muốn trưng binh, sợ không gọi được, có kế sách gì để giữ yên?”. Hai người họ Khoái lại đưa ra hai chiến lược cao thấp khác nhau. Khoái Lương nói: “Mọi người không theo, là vì nhân không đủ; theo mà không trị được, là vì nghĩa không đủ”, nên phải thi hành đạo nhân nghĩa để thu hút lòng người. Khoái Việt lại cho rằng thời bình thì dùng nhân nghĩa, thời loạn thì dùng quyền mưu. Những kẻ mà Lưu Biểu e dè thì thực ra đều có điểm yếu: Viên Thuật dũng mà không quyết đoán, Tô Đại, Bối Vũ cũng chỉ là võ phu, chủ soái tông tặc phần nhiều là tàn bạo. Vậy nên dùng lợi để nhử, thì ắt họ sẽ tới. Chỉ cần giết những kẻ vô đạo, rồi vỗ về đám còn lại, thế thì “người trong một châu có lòng ham sống, nghe thịnh đức của ngài, ắt cõng địu nhau mà tới. Quân tụ người theo, nam chiếm Giang Lăng, bắc giữ Tương Dương. Tám quận Kinh Châu có thể truyền hịch mà định. Viên Thuật tuy mạnh cũng chẳng thể làm gì”.

Lưu Biểu đánh giá lời của Khoái Lương là mưu kế lâu dài, lời của Khoái Việt là mưu kế cấp thời, trước tiên nghe lời của Việt. Khoái Việt dùng thủ hạ của mình đi kêu gọi tông tặc. Kết quả có năm mươi lăm người đến (theo Trần Thọ, còn Phạm Diệp nói chỉ có mười lăm người). Lưu Biểu giết hết bọn họ, rồi tập kích đám thuộc hạ của họ.Thế là tông tặc Kinh Châu chỉ một mẻ là quét sạch. Về khoản dẹp tông tặc, Lưu Biểu làm nhanh gọn hơn Tôn Sách, Tôn Quyền ở Giang Đông, phải đánh tới đánh lui. Trương Hổ, Trần Sinh ở Giang Hạ tới đánh Tương Dương. Khoái Việt lại tới thuyết phục bọn chúng. Bọn Hổ cũng đầu hàng. Tám quận Kinh Châu quả nhiên có thể truyền hịch mà định.

Xây nền Kinh Châu

Lưu Biểu tới Kinh Châu vào năm Sơ Bình thứ nhất (190), đã nhanh chóng có được Kinh Châu. Đấy cũng là thời điểm liên quân Quan Đông nổi lên chống Đổng Trác. Lưu Biểu phải nương theo thời cuộc, không đóng trị sở ở Hán Thọ như cũ, mà “họp quân đóng ở Tương Dương”, vừa là để “hưởng ứng” liên quân Quan Đông, “quan sát thiên hạ”, vừa ngấm ngầm kình chống Viên Thuật. Lưu Biểu còn liên minh luôn với Viên Thiệu – minh chủ liên quân Quan Đông.

Lưu Biểu đã chống trả kẻ địch chính một cách có hiệu quả. Vào năm Sơ Bình thứ ba (192), Viên Thuật sai tướng của mình là Tôn Kiên tiến đánh Tương Dương. Lưu Biểu đưa quân chống trả ở vùng Phàn, Đặng nhưng thất bại, phải lui về Tương Dương. Tôn Kiên bao vây Tương Dương, cuối cùng chết trong tay Hoàng Tổ - bộ tướng của Lưu Biểu (Tình huống giao chiến giữa Hoàng Tổ và Tôn Kiên có nhiều cách nói khác nhau, nhưng giống nhau ở một điểm là Tôn Kiên bị đánh lén mà chết). Lưu Biểu sau đó còn đánh trả được cuộc tấn công của quân phiệt Tây Lương là Trương Tế từ Quan Trung tới cướp bóc, cũng bắn chết được Tế.

Trên thực tế, Lưu Biểu đã gặt hái được nhiều thành tựu chính trị.Lưu Biểu là đồng minh đắc lực của Viên Thiệu trong cuộc chiến tranh Viên-Viên và đã đuổi được cái gai trong mắt là Viên Thuật đi xứ khác. Triều đình Hán Hiến đế ở Trường An cũng hết sức trọng vọng Lưu Biểu, liên tục phong tước, quyền cho Biểu. Khi Lý Thôi, Quách Dĩ nắm quyền, họ liền phái Ngự sử Trung thừa Chung Dao đi bái Lưu Biểu làm Trấn Nam tướng quân, Kinh Châu mục, phong tước Thành Vũ hầu, ban Giả tiết (có quyền tiền trảm hậu tấu), còn ban thêm trống sáo, xe lớn, sách mệnh khen ngợi, gọi Lưu Biểu là bá phụ.

Lưu Biểu còn được phép đặt các chức Trưởng sử, Tư mã, Tòng sự Trung lang dưới quyền mình, được phép khai phủ, được quyền triệu gọi kẻ sĩ tới làm quan, nghi vệ như Tam công. Sau đó, triều đình lại phái Tả trung lang tướng Chúc Dung cầm cờ tiết tới tăng thêm uy quyền cho Lưu Biểu, phong làm Đốc của hai châu Dương, Giao. Như vậy, uy quyền của Lưu Biểu đã trùm lên tới ba châu.

Trần Sinh (người bị Tôn Sách bắn vào trán) và Trương Hổ (góc trái bên dưới) – hai trong số tông tặc đã chuyển sang phò tá cho Lưu Biểu
Trần Sinh (người bị Tôn Sách bắn vào trán) và Trương Hổ (góc trái bên dưới) – hai trong số tông tặc đã chuyển sang phò tá cho Lưu Biểu

Lưu Biểu có thể nói là người có tài cai trị một châu. Phạm Diệp nói rằng: “Kinh Châu nhân tình thích làm loạn, lại thêm bốn phương chấn động, giặc cướp nối nhau, nơi nơi sôi sục”. Thế nhưng “Biểu chiêu dụ có phép tắc, oai đức thấm dần, những kẻ gian giảo làm giặc đều để cho dùng” (ví như tông tặc Trương Hổ về sau sẽ vì Lưu Biểu mà tử chiến với Tôn Sách), vạn dặm yên bình, lớn nhỏ đều vui vẻ mà phục tùng”. Lưu Biểu Kinh Châu, Sĩ Nhiếp Giao Châu là hai tấm gương giữ yên được địa phương trong thời loạn lạc, là chỗ tị nạn của người bốn phương trong thiên hạ. Nói như Phạm Diệp “Quan Tây, Duyện, Dự, kẻ sĩ theo về độ chừng mấy ngàn”, Lưu Biểu đều chẩn cấp, quan tâm. Những người đó đều được sống yên.

Dưới vốn liếng nhân sĩ đó, Lưu Biểu liền “xây dựng nhà học, rộng cầu nho thuật”, sai Kì Vô Khải, Tống Trung soạn ra “Ngũ kinh chương cú”, gọi là Hậu định – tức bộ Ngũ kinh mới san định; sai Lưu Duệ tập họp kết quả quan sát thiên văn của mọi người, gọi là “Kinh Châu chiêm”; sai Đỗ Quỳ, Mạnh Diệu chế ra Nhã nhạc.Bản thân Lưu Biểu còn tự soạn sách “Tân định lễ”.Lưu Biểu tập hợp học sĩ, sớm chiều giảng luận, “yêu dân nuôi quân, ung dung tự giữ”.

Xét về mặt bình định Kinh Châu, bảo toàn Kinh Châu, xây dựng Kinh Châu, Lưu Biểu đều có chính tích hết sức tốt. Sau thời Tam quốc, những quan cai trị địa phương muốn học theo Lưu Cảnh Thăng giữ yên bờ cõi của mình ở trong thời loạn là không ít. Thế nhưng điều đáng nói là những chính tích của Lưu Biểu phần lớn đều bị Trần Thọ lờ đi.Trần Thọ chỉ nói những điều không thể không nói. Nếu như không có Bùi Tùng Chi, Phạm Diệp, có lẽ chúng ta chỉ biết nói theo miệng Trần Thọ mà chuyên chú vào mạt sát Lưu Biểu. Vậy Lưu Biểu đã bị phê phán như thế nào?.

Đọc thêm