Trường phái mang tên Ngọc Lan
Ngay từ khi còn nhỏ, Lê Thanh Lan (sinh năm 1956 tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã đi hát thánh ca ở nhà thờ và gây ấn tượng đặc biệt với bà con giáo dân ở Nha Trang. Một giọng hát trong vắt thánh thót như tiếng họa mi mỗi sớm mai.
Cũng vì sự quyến rũ đặc biệt, qua tiếng nói và giọng hát ngọt ngào cùng nhan sắc rực rỡ của tuổi mới lớn, Thanh Lan đã được không ít những chàng trai ngỏ lời. Một mối tình thơ mộng đã nảy sinh ở tuổi 17. Ngọc Lan yêu chân thành và say đắm với người bạn trai. Nhưng mọi ước mơ tan vỡ khi chàng trai bất ngờ bỏ đi. Cuộc tình nhanh chóng bị chôn vùi theo kỷ niệm.
Thất vọng và nỗi buồn ám ảnh tâm hồn non trẻ của Thanh Lan. Từ đó, giọng hát ngây thơ của Thanh Lan đã ẩn chứa nỗi niềm mất mát và cả sự đắng cay của tình yêu. Bản tính trở nên trầm lắng, Thanh Lan dồn hết tâm trí qua những bài thánh ca, hát về những ước vọng của thân phận con người.
Nhưng rồi mọi sự đổi thay khi Thanh Lan theo gia đình định cư ở California, Mỹ vào năm 1980. Bắt đầu cuộc sống mới, cô vừa phụ giúp mẹ bán bánh hamburger vừa đi hát thêm ở một quán cà phê do ca sĩ Duy Quang giới thiệu. Ở quán cà phê đầu tiên Thanh Lan chỉ được trả 35 USD trong 3 đêm hát. Ai cũng thấy giọng hát của cô gái mới nhập cư này ngọt ngào như rót vào tai vậy.
|
Danh ca Ngọc Lan rời “cõi tạm” khi mới 45 tuổi. |
Tiếng lành đồn xa. Ông chủ quán cà phê Ngọc Chánh ở khu phố khác sang nghe thăm dò. Ngay lập tức, ông mời Thanh Lan sang hát với giá 250 USD một tuần và ký hợp đồng luôn. Và ông đổi tên cô thành nghệ danh Ngọc Lan, bởi Thanh Lan trùng tên với một ca sĩ và diễn viên điện ảnh nối tiếng từ trước đó.
Một năm sau cái tên Ngọc Lan được đồn thổi đến tai những trung tâm ca nhạc lớn trên đất Mỹ. Họ bắt đầu tìm đến quán ca phê Ngọc Chánh. Người đầu tiên gặp Ngọc Lan là nhà thơ kiêm nhạc sĩ Nguyên Sa. Ông ngỡ ngàng với giọng hát thiên phú hết sức hồn nhiên của Ngọc Lan. Một giọng hát lạ hiếm có với âm thanh trong vắt và óng ả như tơ lụa vậy. Ông đã khuyên Ngọc Lan hãy gác việc gia đình để chuyển hẳn sang làm ca sĩ chuyên nghiệp.
Quả nhiên, một số trung tâm sản xuất băng đĩa đã tới ký hợp đồng với Ngọc Lan. Nhạc sĩ Từ Công Phụng nhận định rằng, giọng hát Ngọc Lan không hề phô diễn kỹ thuật nhưng sẽ đánh gục hàng triệu trái tim yêu nhạc tình ca.
Còn nhạc sĩ kiêm ca sĩ Trần Thiện Thanh vừa nghe xong chương trình của Ngọc Lan đã vui mừng nói rằng: “Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan” - trường phái của những bóng hồng hát tình ca có tính điệu rất phụ nữ. Mà sau này, cách hát điệu của Ngọc Lan thấp thoáng trong Như Quỳnh, Lâm Thúy Vân, Y Phụng, Minh Tuyết…
Giọng hát của Ngọc Lan mềm ướt ngọt như rót mật vào tai. Giới chuyên môn đánh giá Ngọc Lan đã khoác lên mình một tấm áo mới cho nền tân nhạc với lối hát hướng nội tự nhiên như cuộc đời. Hơn nữa, nói đến Ngọc Lan là nói đến “đặc sản” riêng trong giọng hát - đó là nét bâng khuâng buồn bã. Âm sắc buồn cố hữu ấy đã làm nên thương hiệu Ngọc Lan và cô rất thành công ở những bản tình ca.
Chỉ 3 năm sau, băng video “Tiếng hát Ngọc Lan 1” có tựa đề “Như anh đã yêu em” đã gây chấn động làng âm nhạc hải ngoại. Sự thành công ngoài sức tưởng tượng đối với Ngọc Lan. Từ đó, cô xuất hiện liên tục trên các sàn diễn và trung tâm ca nhạc lớn ở nhiều nước.
Khán giả luôn luôn nhớ đến các bài hát hết sức ấn tượng của Ngọc Lan như: “Mưa trên biển vắng”, “Hạnh phúc nơi nào”, “Người yêu dấu”, “Cho người tình lỡ”, “Nỗi sầu”, “Tuổi thần tiên”, “Lại gần hôn em”, “Tình nhớ”…
Trong một chương trình ghi hình, sau khi hát xong, MC đã hỏi cắc cớ Ngọc Lan rằng, cô sẽ làm gì nếu người yêu cấm cô đi hát? Cô nêu nhiều giải pháp như nài nỉ, khóc lóc… thì MC vẫn tiếp tục hỏi dồn. Thế là Ngọc Lan quả quyết rằng: “Nếu đã làm hết mọi thứ mà người yêu vẫn cấm, có lẽ Ngọc Lan sẽ chết”. Câu trả lời chân thành mà kiên quyết khiến vị MC và khán giả đều khâm phục.
Đóa ngọc lan bạc mệnh
Ngọc Lan tính cách sao thì âm nhạc vậy. Từ tấm bé, Ngọc Lan đã phảng phất nét buồn, như cô từng tâm sự bị mẹ gọi là “mặt như đưa đám”. Đi cùng với vẻ đượm buồn đó là tính cách nhút nhát, cả tin, sống khiêm cung và dễ rung động.
“Trời sinh ra trái tim thường thật nhiều xúc động, nhất là trái tim của người nghệ sĩ. Một chút buồn cũng khiến mình buồn, một thoáng vui cũng làm người ta hạnh phúc. Tôi có thể rất vui khi đọc một truyện hay, cũng có thể rơi nước mắt khi xem một cuốn phim. Hoặc tôi đang thấy hạnh phúc vì mua được đôi hoa tai ưng ý”, Ngọc Lan từng tâm sự.
Ngọc Lan được đồng nghiệp đặc biệt yêu quý mà theo MC Kỳ Duyên, cô cứ đi đến đâu là mọi người đều muốn yêu thương và bao bọc cô.
“Dù chị Lan đi đâu, không chỉ tôi mà tất cả anh chị em nghệ sĩ đều phải xúm vào lo cho chị ấy. Trong một chuyến bay lúc chị Lan vừa trình diễn xong rất thành công trước hàng ngàn khán giả ái mộ, hai chị em cùng ngồi hàng ghế đầu rất sang trọng nhưng suốt chuyến bay chị ấy chỉ khóc sướt mướt thôi. Chị khóc nhiều đến nỗi có ông tiếp viên phải lấy khăn y tế đưa cho chị ấy và nói: “Một người phụ nữ đẹp như cô không nên khóc nhiều như thế”, MC Kỳ Duyên kể.
Trong cuốn băng cũ, khi được hỏi về một hình mẫu đàn ông yêu thích ở Việt Nam, Ngọc Lan nói cô thích nhất nhân vật Dũng trong tác phẩm “Đoạn tuyệt” của nhà văn Nhất Linh. Bởi đây là “một người đàn ông sống có mục đích, lý tưởng cao cả, ngoài tình yêu còn có một tình yêu bao la dành cho quê hương”. Những chia sẻ của Ngọc Lan luôn “khác người” như vậy.
Năm 1993, Ngọc Lan kết hôn với nhạc sĩ Kevin Khoa. Những năm đó, sức khỏe Ngọc Lan cứ yếu dần mà mãi đến sau này, cô mới biết mình bị bệnh đa thần kinh hóa sợi từ triệu chứng suy giảm thị lực. “Một buổi sáng thức dậy, tôi không còn nhìn thấy gì nữa”, cô từng kể. Năm 1996, khi ghi hình ở Canada, Ngọc Lan phải có người dìu. Cô gầy đi trông thấy vì ăn rất ít.
Năm 1998, Ngọc Lan xuất hiện với vẻ mệt mỏi, đượm buồn. Cô mặc chiếc áo dài đen bình dị, không mang một món trang sức nào, giọng hát vẫn nhẹ như tiếng tơ mà khiến cả khán phòng nín thở lắng nghe, xúc động. Đó hình ảnh cuối cùng của Ngọc Lan trên sân khấu ca nhạc.
Sau một thời gian dài bị căn bệnh hành hạ, ở tuổi 45, Ngọc Lan trút hơi thở cuối cùng vào ngày 6/3/2001. Dù ra đi khi tuổi đời của rất trẻ nhưng cô vẫn ghi tên mình vào kỷ lục ca sĩ được mời thu nhiều nhất lịch sử với gần 800 bài.
Và dù Ngọc Lan đã rời “cõi tạm” gần 20 năm nhưng từ Việt Nam tới hải ngoại, từ trong nhà ra ngoài ngõ, cho tới những quán cà phê vỉa hè hay những quán bar, phòng trà sang trọng, giọng hát của cô vẫn thường xuyên được cất lên. Dường như giọng hát ấy vẫn sống mãi với thời gian.
45 năm sống trong “cõi tạm”, danh ca Ngọc Lan đã để lại cho người yêu nhạc di sản quý là giọng hát có một không hai.