Giải pháp để người Dao Đá Cạn nhanh thoát nghèo

(PLO) - So với vài năm trước, bản người Dao Đá Cạn (xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) nay đã thay da đổi thịt, khoác lên mình “tấm áo mới”. Tuy nhiên, ước vọng về cuộc sống sung túc của những người hạ sơn vẫn còn dang dở…
Lớp học ghép của bản người Dao Đá Cạn. Ảnh: Xuân Hồng.

Đau đáu mục tiêu thoát nghèo

Về quần tụ sinh sống theo các triền núi đá cách trung tâm TP Việt Trì khoảng 80km, xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn từ hơn bốn thập niên trước, các gia đình đồng bào dân tộc Dao bản Đá Cạn đã trải qua quá trình lao động cực nhọc khai sơn phá thạch, phát quang rừng rậm, san nền dựng nhà; vỡ hoang đất rừng, dẫn nước từ thượng nguồn tạo thành ruộng trồng lúa nước…

Bản làng hình thành, cuộc sống dần ổn định dưới mỗi nếp nhà ấm khói bếp mỗi ngày, rộn vang tiếng cười con trẻ. Tuy nhiên, Đá Cạn vẫn đau đáu chuyện thoát nghèo, dù đã được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ.

Trưởng khu hành chính Triệu Thị Chuyên chia sẻ, Đá Cạn có 23 hộ với 88 nhân khẩu thì 100% gia đình đều thuộc diện hộ nghèo. Dù gần trung tâm xã, giao thông đi lại thuận tiện, có điện lưới quốc gia nhưng 100% dân bản sống dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp thuần túy và kinh tế đồi rừng trong khi diện tích ruộng vỡ hoang có hạn. Gần 1/2 số hộ gia đình Đá Cạn không có ruộng trồng lúa nước. Số còn lại trung bình mỗi nhà 2-3 sào, đất cằn, nguồn nước tưới phụ thuộc cả vào tự nhiên nên năng suất lúa rất kém. Tiếng là nhà nông nhưng tình trạng ăn đong của bà con khá phổ biến.

Ngành nghề phụ không có, chỗ dựa chủ yếu của dân bản là diện tích rừng sản xuất khá lớn. Mỗi nhà bình quân cũng có 2-3 ha rừng. Chủ yếu đất rừng quy chủ được người dân phủ xanh bằng cây nguyên liệu giấy, cũng có hộ trồng sắn, chuối… nhưng thu nhập không cao. Cái khó nhất đối với người dân Đá Cạn hiện giờ là vốn sản xuất, dù được ưu đãi tiếp cận vốn vay phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội với dư nợ thời điểm này lên đến hơn 400 triệu đồng, nhưng trong các gói vay vốn lại không có nội dung… đầu tư trồng rừng.

Nâng cấp cải tạo đường vào bản Đá Cạn. Ảnh: TT

Còn Bí thư chi bộ Lý Văn Phủ cho hay, Đá Cạn đất rộng, người thưa nhưng chưa xác định được các loại cây, con giống cho phù hợp để thâm cảnh sản xuất dẫn đến cuộc sống còn nhiều khó khăn. Mặt khác do trình độ nhận thức của bà con trong việc tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhanh nhạy trong mở mang các ngành nghề sản xuất kinh doanh mới… còn rất hạn chế nên chưa thể thoát nghèo… “Trẻ nhỏ ở Đá Cạn học xong lớp 9 là coi như… tốt nghiệp. Dù trường chẳng xa nhà là mấy nhưng số người hoàn thành chương trình trung học phổ thông đếm chưa hết đầu ngón tay trên một bàn tay…

Trong căn nhà cấp bốn, đơn sơ Trưởng khu Triệu Thị Chuyên chia sẻ, nhà tôi thuộc diện hộ khá của bản nhưng gia tài giờ trông chờ vào 5 con bò. Vừa rồi có người vào hỏi mua với giá 12 triệu đồng/1 con to, con nhỏ chỉ được 3 đến 5 triệu. “Nếu bán hết cũng không thể làm một căn nhà tử tế”, chị Chuyên chia sẻ thêm.

Ông Dương Đức Khánh, Bí thư xã Hương Cần cho biết, nhiều năm nay, thực hiện mục tiêu ổn định cuộc sống, tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình, giảm nhanh, vững chắc tỷ lệ giảm nghèo ở Đá Cạn, các cấp chính quyền đã triển khai hàng loạt các chương trình, dự án hỗ trợ thiết thực từ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đến chuyển giao kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề nông thôn qua các lớp tập huấn, hỗ trợ trực tiếp bà con giống vật nuôi, cây trồng… nhưng hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Đường giao thông trải nhựa chạy qua, điện lưới quốc gia sáng từng gia đình, nhà văn hóa khu, điểm trường tiểu học được xây mới vững chắc, khang trang… nhưng hộ nghèo ở Đá Cạn vẫn ở mức cao.

Tìm được lối ra?

Xác định việc nhanh chóng phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững cho người dân khu Đá Cạn là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền Hương Cần, ngay sau Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ Hương Cần đã phân công trực tiếp các đồng chí lãnh đạo xã vào tuyên truyền, vận động bà con thay đổi tập quán canh tác, tư duy lạc hậu; cùng bà con tính toán lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi phù hợp có hiệu quả kinh tế cao…

Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Cần khẳng định, cùng với sự hỗ trợ tích cực của chính quyền, giải pháp hữu hiệu để Đá Cạn nhanh chóng thoát nghèo là bà con phải tự thay đổi tập tục, thói quen sản xuất lạc hậu; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước; biết phát huy thế mạnh, tiềm năng sẵn có về đất sản xuất để tự vươn lên thoát nghèo…

Năm 2013, xã đã đưa về bản 4 con trâu cái để các gia đình nuôi luôn phiên, khi có nghé con sẽ chuyển trâu mẹ cho nhà khác. Đến nay, hầu như mỗi nhà đều có một con trâu từ chương trình đầu tư này.

Năm 2014, xã tiếp tục hỗ trợ người dân Đá Cạn 30 con lợn giống (17-18kg/con) và hàng trăm gà giống chia đều cho các nhà theo hình thức: Gia đình nào muốn nhận con giống phải trả kinh phí đối ứng. Tiền đối ứng không lớn, được đặt ra với mục đích tăng tinh thần trách nhiệm cho người được hỗ trợ.

Xã cũng đã huy động máy xúc lên san gạt đất tạo thành 6 sào ruộng chia cho bà con và đầu tư hỗ trợ mỗi gia đình trong bản 10 gốc chuối phấn trắng. Cán bộ xã lên giám sát chặt chẽ việc trồng chuối của từng hộ. Chuối đã trồng xong nhưng hiệu quả đến đâu vẫn chưa ai dám nói chắc vì trước đây đã có lần Đá Cạn được hỗ trợ giống cây ăn quả như vải, nhãn… nhưng rồi sau một thời gian chẳng thấy cây nào phát triển, đơm hoa kết trái như dự tính.

Được hỗ trợ nhiều người dân trong bản đã thoát nghèo. Ảnh: Xuân Hồng.

Để giúp bản nghèo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân bản Dao Đá Cạn ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Hương Cần cho biết, Hương Cần đã thống nhất Nghị quyết chuyên đề riêng cho khu Đá Cạn. Theo đó xã đã xây dựng kế hoạch cụ thể để xác định đưa cây, con giống phù hợp thổ những đất ở bản Đá Cạn.

Phân công cán bộ của các ngành liên quan cụ thể mỗi ngành đảm nhận 6 hộ trực tiếp thực hiện phương châm cầm tay chỉ việc hướng dẫn người dân nuôi con gì, trồng cây gì sao cho hiệu quả, đồng thời khảo sát từng hộ xem có diện tích bao nhiêu, chỗ nào khó xã sẽ cho máy móc, thiết bị vào san lấp phục vụ bà con trồng lúa nước, và trồng cây chuối phấn. Trước mắt, xã chỉ đạo cán bộ khuyến nông mua giống rau, giống gà, ong mật, dê… để cho bà con trồng và chăm nuôi nhằm đưa kinh tế của bản Đá Cạn phát triển.

Đọc thêm