Giải pháp nào cứu trẻ khỏi tay “thủy thần”?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ít nhất 14 trẻ em tử vong và một người mất tích do đuối nước trong dịp nghỉ lễ vừa qua. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cả nước có khoảng 2.000 trẻ dưới 16 tuổi chết đuối mỗi năm trong giai đoạn 2016 – 2020, trung bình trên 5 trẻ mỗi ngày. Tình trạng đau lòng trên vì sao vẫn chưa được khắc phục triệt để?
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.
Việt Nam đặt mục tiêu giảm 10% trẻ em đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu giảm 20% số trẻ đuối nước

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm 2022, những vụ tai nạn đáng tiếc liên tiếp xảy ra ở Nghệ An, Đồng Nai, Bình Thuận... Đây là con số đáng báo động, bởi theo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính từ đầu năm đến giữa tháng 4/2022, cả nước xảy ra 19 vụ đuối nước, làm chết 20 người, mất tích 3 người. Qua các vụ này có thể thấy, hầu hết các nạn nhân bị đuối nước do tắm ao, sông, hồ… - là những địa điểm nằm trong/gần khu vực các em cư trú, nên phát sinh chủ quan về sự cảnh báo hoặc răn đe từ người lớn.

Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đuối nước trẻ em mà ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em khi trao đổi với truyền thông cách đây không lâu, đã từng chỉ ra. Theo ông Nam, nguyên nhân đầu tiên là nguồn nước, mặt nước, công trình không được cảnh báo, cảnh giới, rào chắn hay những vật chứa nước không có nắp đậy. Nguyên nhân thứ hai là, người lớn thiếu giám sát, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ nguy cơ đuối nước. Nguyên nhân thứ ba là, nhiều trẻ chưa được học bơi an toàn hay phòng tránh đuối nước.

Từ năm 2021, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua Nghị quyết về phòng chống tai nạn đuối nước và chỉ định ngày 25/7 hằng năm là Ngày thế giới phòng chống đuối nước. Ngày 25/7/2021 là lần đầu tiên trong lịch sử gần 80 quốc gia hưởng ứng sự kiện trên. Theo đó, các quốc gia thành viên Liên Hợp quốc sẽ hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy phát triển các công cụ và công nghệ sáng tạo nhằm phòng chống đuối nước. Những bài học về an toàn dưới nước, bơi lội và sơ cấp cứu sẽ được đưa vào chương trình giảng dạy ở trường học trên thế giới.

Tại Việt Nam, trước thực trạng cả nước có khoảng 2.000 trẻ em dưới 16 tuổi chết đuối mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020, trung bình trên 5 trẻ chết đuối mỗi ngày ở Việt Nam và hưởng ứng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt chương trình hành động quốc gia phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu giảm 10% trẻ em chết đuối năm 2025 và vào năm 2030 là 20%. Chương trình gồm nhiều giải pháp để kiểm soát, giảm thiểu tình hình tai nạn, thương tích trẻ em, nhất là đuối nước.

Rất cần sự chung tay của nhiều bên

Đầu tháng 5/2022, từ tình trạng hàng loạt vụ đuối nước khiến trẻ em tử vong, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tăng cường giải pháp bảo vệ trẻ em, đặc biệt chú trọng công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ. Theo Thủ tướng, các cơ quan chức năng cần phối hợp với nhà trường và gia đình để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ hè; hướng dẫn địa phương tổ chức học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi và hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi cho học sinh, trẻ em.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải cùng chung tay giải quyết vấn đề này như Bộ LĐ-TB&XH được giao rà soát sửa đổi cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; Bộ GD-ĐT cần phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè.

Nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học cũng được Thủ tướng Chính phủ quán triệt; Bộ VH-TT&DL có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn việc xây dựng, bảo dưỡng hệ thống bể bơi tại các thiết chế thể dục, thể thao và khuyến khích các cơ sở dịch vụ thể thao, du lịch có bể bơi hỗ trợ các lớp dạy bơi an toàn trong môi trường nước cho trẻ em; Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cộng đồng về phòng, chống đuối nước trẻ em; phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em; tuyên truyền các biện pháp, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho trẻ em bị đuối nước…

Với các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chỉ đạo, tổ chức, phối hợp giữa các ngành, các tổ chức, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ, các tổ chức, các thành viên Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã, cá nhân tình nguyện tham gia quản lý chặt chẽ trẻ em trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, các thời gian bão, lũ, thiên tai để bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là đuối nước; rà soát, lập bản đồ cảnh báo kịp thời các địa điểm (hố nước, hồ ao, sông ngòi, các khu vực nước sâu, nguy hiểm, công trình chứa nước…) có nguy cơ gây tai nạn đuối nước tại địa bàn; triển khai các biện pháp phòng ngừa, khắc phục (như làm rào chắn, biển cảnh báo; cảnh giới, nhắc nhở…).

Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương.

Thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, sau một thời gian thực hiện, chương trình phòng, chống đuối nước đã dạy bơi cho khoảng 14.000 trẻ em từ 6 đến 15 tuổi. Đồng thời, hơn 30.200 trẻ em tại 8 tỉnh có tỉ lệ trẻ em đuối nước cao nhất cả nước cũng đã được dạy kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Hiện nay, mô hình khóa học kỹ năng an toàn trong nước khoảng 30$ (khoảng 700.000 đồng) đã và đang được nhân rộng tại nhiều địa phương. Sở LĐ-TB&XH và đoàn thanh niên nhiều tỉnh như Long An, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… đã triển khai chương trình bể bơi mini bằng lưới có 4 cây tre/ống nước lớn căng ở 4 góc để trẻ tập bơi, mô hình bể bơi di động…

Theo ông Đặng Hoa Nam – Cục trưởng Cục Trẻ em, việc trẻ em thiếu kỹ năng bơi an toàn không khác gì như chưa được “tiêm vaccine để phòng, chống dịch bệnh”. Cục trưởng Cục Trẻ em nhấn mạnh, bên cạnh việc “trẻ em phải được học kỹ năng an toàn với nước như nhận biết khu vực có dòng xoáy, chỉ bơi khi có người lớn ở bên hay đang bơi chuột rút phải làm gì”, thì các gia đình cần rà soát nơi ở để khắc phục, loại bỏ ngay các nguy cơ gây đuối nước như dựng hàng rào xung quanh quanh ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước và đậy nắp giếng nước, bể nước…

Vì sao nhiều trẻ em biết bơi vẫn bị đuối nước?

Nhiều người vẫn nhầm lẫn cho rằng, chỉ cần biết bơi thì trẻ sẽ được an toàn, nhưng thực tế không như thế. Theo Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ GD-ĐT), tai nạn đuối nước xảy ra nhiều đối với trẻ em, học sinh đã biết bơi, thậm chí bơi giỏi. Nguyên nhân là do trẻ không có kỹ năng bơi an toàn, đây là một “khoảng trống” cần được quan tâm và có giải pháp khắc phục.

Bơi ở bể khác bơi ở ao/hồ/sông/suối và càng khác với khi trẻ bơi ở biển. Biết bơi chỉ là kỹ năng cơ bản, để thực sự an toàn, trẻ cần được dạy một số kỹ năng an toàn trong môi trường nước, biết cách sơ cứu để có thể tự cứu mình khi không may bị chuột rút hoặc bị sóng đánh ra xa bờ và có thể cứu đuối bạn một cách an toàn.

Do đó, bên cạnh việc học bơi, trẻ cũng cần được trang bị các kỹ năng sống sót, biết cách dùng phương tiện, dụng cụ để cứu hộ, cứu nạn, đặc biệt biết sơ cứu đúng phương pháp.

Đọc thêm