Thống kê năm 2016 cho thấy, cả nước có gần 18,8 triệu hộ gia đình chiếm 85,03% trên tổng số hộ gia đình trên cả nước đạt danh hiệu GĐVH.
Gia đình văn hóa nhiều, nhưng văn hóa gia đình vẫn thụt lùi
Con số GĐVH của năm 2016 so sánh với năm 2014 là tăng 2% và tăng 9,03% so với năm 2012. Để đạt được danh hiệu GĐVH, theo tiêu chí đề ra các gia đình phải gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương; các thành viên không vi phạm pháp luật, quy định của địa phương, hương ước, quy ước của cộng đồng; trong GĐ, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền, vợ chồng yêu thương, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ; không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức, thực hiện bình đẳng giới…
Nhưng kết quả Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình cho thấy, 58% số phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực (thể chất, tình dục và tinh thần) từ người thân tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống. Rồi không ngày nào trên các trang báo không có các vụ học sinh đánh nhau, cha mẹ bao che cho con hành vi nghiện hút, trộm cắp của hàng xóm, phụ huynh đến tận trường đánh giáo viên... Có thể nói, bức tranh trái chiều này đã cho thấy, phong trào xây dựng GĐVH từ ý định tốt đẹp ban đầu là “góp phần tạo nên sự chuyển biến về nhận thức của người dân về xây dựng văn hóa trong sự phát triển của đời sống kinh tế-xã hội”, đã bị sa vào “căn bệnh” hình thức nặng nề.
Không hình thức sao được khi tỷ lệ gia đình đăng ký xây dựng GĐVH hàng năm lên tới hơn 90%, nhưng theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có 29,5% số người được hỏi biết rõ về các tiêu chí xây dựng GĐVH, 55,2% có nghe nói và 15,2% số người không biết gì về những tiêu chí này. Còn theo khảo sát của Viện Tâm lý học-Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, 29,4% số hộ gia đình đăng ký xây dựng GĐVH với tâm lý thụ động, thấy người khác đăng ký cũng đăng ký mà không hiểu nội dung, ý nghĩa của phong trào.
“Khi trao tặng danh hiệu này, chúng tôi cũng nghĩ nhiều hơn tới việc được lòng dân thôi, chứ cũng không quan trọng gia đình đó có đạt các tiêu chuẩn gia đình văn hóa thật sự hay không” – một Tổ trưởng dân phố ở Hà Nội cho biết. Suy nghĩ của vị tổ trưởng này đã được chứng minh qua thực tế ở nhiều khu dân cư, khi mà gia đình nào cũng được gắn biển bằng inox sáng đẹp long lanh “Gia đình văn hóa” nhưng trong nhà không thiếu cảnh vợ chồng, con cái chửi nhau, đánh nhau, nghiện hút, tàng trữ ma túy, vứt rác bừa bãi... như lời trần thuật của một người dân ở quận 5, TP HCM: “Danh hiệu chỉ là hình thức. Hầu như nhà nào trong tổ mình cũng được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó có cả một số gia đình còn tình trạng cãi vã, đánh bạc, ghi đề gây mất trật tự khu phố”.
Chữa “căn bệnh phong trào” của danh hiệu GĐVH
Hiện nay tiêu chí để đánh giá một GĐVH là căn cứ theo Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL của Bộ VH-TT&DL.
Theo đó, tổng thang điểm bình xét áp dụng cho 11 tiêu chí là 100, các hộ chỉ tự chấm ở mức từ 51 điểm trở lên đến mức tối đa/11 tiêu chí là đương nhiên đạt chuẩn. Số lượng tiêu chí đã ít và sơ sài như vậy, đi kèm theo đó, tại các địa phương đều không khống chế số lượng GĐVH ở khu dân cư nên tỷ lệ đạt danh hiệu gia đình văn hóa rất cao, cứ 10 hộ thì có đến 9 hoặc 9,2 hộ đạt chuẩn, dẫn đến không thấy được tỷ lệ cao, thấp và chất lượng thực sự của các danh hiệu này. “Một số hộ gia đình không đăng ký danh hiệu xây dựng GĐVH nhưng đến cuối năm vẫn được nhận giấy chứng nhận GĐVH.
Một số địa phương do chạy theo thành tích, số lượng mà không chú trọng đến chất lượng của các danh hiệu văn hóa nên kê khai không trung thực dẫn đến con số GĐVH, Khu dân cư văn hóa cao không đúng với thực tế. Một số hộ gia đình không đăng ký danh hiệu xây dựng GĐVH nhưng đến cuối năm vẫn được nhận giấy chứng nhận GĐVH; có địa phương báo cáo 100% Gia đình đạt chuẩn văn hóa, cho thấy sự thiếu công khai, dân chủ trong quá trình xét duyệt và vẫn còn tình trạng nể nang trong việc bình bầu”- báo cáo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nêu rõ.
Ngày 15/11, ngành Văn hóa vừa có một cuộc hội thảo toàn quốc nhằm nhìn nhận lại danh hiệu GĐVH, khu dân cư văn hóa để nhằm nâng cao chất lượng các danh hiệu này.
Để “cứu” danh hiệu GĐVH khỏi bệnh hình thức, bà Ninh Thị Thu Hương – Cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở, Bộ VHTTDL cho biết, Bộ đã đề nghị Chính phủ ban hành Nghị định thay cho Thông tư 12 để nâng cao các tiêu chí, từ đó nâng cao giá trị của danh hiệu GĐVH, khu dân cư văn hóa. “Theo yêu cầu của Chính phủ, Nghị định cần đưa ra trên 50 tiêu chí và các tiêu chí không được mang tính nguyên tắc, tính phong trào mà phải đi vào chi tiết, cụ thể để nâng cao giá trị của danh hiệu GĐVH. Dự kiến, tháng 2/2018, Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa” do Bộ VHTT&DL chủ trì thực hiện sẽ ban hành” – bà Hương cho biết.