Giải pháp nào để ngăn chặn mua bán người trá hình?

(PLVN) - Theo Cục Cảnh sát Hình sự , Bộ Công an, tại Việt Nam, tình hình tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán, ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ bất hợp pháp...
90% nạn nhân bị mua bán là phụ nữ và trẻ em. (ảnh minh họa).

Chiều qua (29/7), Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) - Bộ Công an (CA), Ban Tuyên giáo – T.Ư Hội LHPN Việt Nam và Ban Giám đốc CA tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp tổ chức hội thảo chuyên đề về thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống mua bán người (PCMBN) sang Trung Quốc nhân Ngày toàn dân PCMBN 30/7. 

Liều lĩnh mạo danh là cán bộ CA, biên phòng để MBN

 Tham luận tại hội thảo, đại diện Phòng CSHS CA tỉnh Điện Biên cho biết, từ tháng 6 năm 2018 đến nay, lực lượng CSHS CA tỉnh Điện Biên đã phát hiện, điều tra làm rõ 2 vụ, bắt giữ 3 đối tượng, làm rõ 2 nạn nhân bị mua bán.

Thủ đoạn của các đối tượng MBN ngày càng tinh vi và liều lĩnh như, để làm quen và che dấu hành vi phạm tội của mình với nạn nhân, tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng bằng cách sử dụng số điện thoại không chính chủ sau đó lập tài khoản Zalo, Facebook ảo có gắn hình ảnh đại diện của những thanh niên trẻ, điển trai, là người có điều kiện kinh tế như mặc quân phục Bộ đội Biên phòng, CA Việt Nam và quân phục CA Trung Quốc nhằm tạo niềm tin để dễ kết bạn, đặc biệt là đánh vào tâm lý của những phụ nữ trẻ tuổi, thích đàn ông có dáng hình đẹp, có điều kiện về kinh tế, sau khi đã kết bạn các đối tượng dùng những lời lẽ ngon ngọt, tán tỉnh, tạo niềm tin như nạp thẻ điện thoại…

Sáng nay (30/7), lễ mít tinh hưởng ứng Ngày toàn dân PCMBN diễn ra tại TP Lạng Sơn (Lạng Sơn).
Trong lễ mít tinh có hoạt động chiếu phim về công tác PCMBN, đại diện nạn nhân bị mua bán trở về chia sẻ, đi bộ diễu hành cổ động… 

Trong quá trình tán tỉnh, lừa rủ được nạn nhân đi, các đối tượng không trực tiếp đến để đón nạn nhân mà thuê taxi, xe ôm đón và đưa nạn nhân đến khu vực biên giới cho các đối tượng đã chờ sẵn ở đó. 

Thủ đoạn dụ dỗ nạn nhân của đối tượng MBN ngày càng xảo quyệt và liều lĩnh. Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã cảnh báo về tình trạng các đối tượng phạm tội người Việt liên kết với đối tượng người Trung Quốc hình thành đường dây MBN với một số phương thức thủ đoạn chính như: môi giới hôn nhân (tình trạng kết hôn không đăng ký, theo giới thiệu của một số phụ nữ đã lấy chồng Trung Quốc hoặc người quen lấy chồng Trung Quốc nhưng thực chất là gả bán để lấy tiền); môi giới việc làm (nhiều chị em bị dụ dỗ sang Trung Quốc làm việc với mức lương cao, nhưng sau đó lại bị thu giữ giấy tờ tùy thân và bị gả bán cho công dân Trung Quốc); sinh con ở nước ngoài (đây là thủ đoạn mới của tội phạm MBN khi dụ dỗ phụ nữ mang thai sang Trung Quốc dưỡng thai và sinh con, rồi sau đó bán trẻ sơ sinh cho công dân Trung Quốc có nhu cầu)…

Tăng cường phối hợp để đạt hiệu quả cao

PCMBN luôn là vấn đề nóng hổi rất được dư luận xã hội quan tâm. Bằng chứng là tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 4/6/2019 dành cho Bộ trưởng CA Tô Lâm, Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Phương Thảo đã đặt câu hỏi về giải pháp để ngăn chặn nạn mua bán phụ nữ và trẻ em trá hình như lấy chồng ngoại quốc, du lịch, xuất khẩu lao động…

Trả lời chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm đã đưa ra nhóm giải pháp như: coi trọng đặc biệt tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác PCMBN, nhất là nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ đến tuổi lấy chồng, phụ nữ trẻ em vùng biên giới; xiết chặt công tác quản lý xuất nhập cảnh, để chủ động phát hiện việc mua bán, đưa người qua biên giới và ngăn chặn kịp thời… Trong đó có giải pháp tăng cường phối hợp với ngành, các cấp trong công tác PCMBN, đặc biệt là với phụ nữ, trẻ em. 

Về sự phối hợp trong công tác PCMBN, thực tế chứng minh, Hội Phụ nữ cơ sở chính là những người gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tình hình đời sống của chị em và là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp.

Đơn cử như trường hợp của chị Bùi Thị Huệ (ở huyện Việt Yên, Bắc Giang) là nạn nhân của tội phạm MBN, năm 1999 khi trở về Việt Nam sức khỏe yếu, tâm thần hoảng loạn, kinh tế gia đình khó khăn. Ngay sau khi được tiếp nhận trở về, chị Huệ đã được Hội Phụ nữ tạo điều kiện giúp đỡ cho học lớp khâu nón, cho vay vốn để phát triển kinh tế.

Cùng lúc đó, Hội LHPN tỉnh thành lập nhóm Tự lực để chị em bị mua bán trở về có nơi sinh hoạt, chia sẻ. Ðược sự động viên của Hội Phụ nữ, chị Huệ tham gia nhóm. Từ đó, thoát khỏi mặc cảm, chị đã xây dựng gia đình. Năm 2014, gia đình chị Huệ đã thoát nghèo và đạt gia đình văn hóa. 

Trường hợp của chị Huệ là một trong hàng nghìn trường hợp nạn nhân MBN trở về được các cấp Hội Phụ nữ nâng đỡ. Thông qua 19 trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, các cấp hội đã tiếp nhận, tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho nhiều nạn nhân bị mua bán.

Nạn nhân sau khi được tiếp nhận vào trung tâm, được tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe, được đi học nghề theo nguyện vọng. Các trung tâm cũng làm thủ tục cho nhiều trường hợp hồi gia trở về gia đình, hầu hết chị em sau khi được chữa trị tâm lý, học nghề đã tái hòa nhập cộng đồng tốt, có việc làm ổn định… 

Thống kê của Cục CSHS - Bộ CA cho thấy từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2019, toàn quốc phát hiện xảy ra 1.059 vụ, với 1.432 đối tượng, lừa bán 2.674 nạn nhân. Về thực trạng hoạt động tội phạm MBN sang Trung Quốc nói riêng, thì từ đầu năm 2016 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 892 vụ MBN sang Trung Quốc (chiếm 84,23 % tổng số vụ), với 1.187 đối tượng (chiếm 82,89% tổng số đối tượng), lừa bán 2.319 nạn nhân (chiếm 86,72% tổng số nạn nhân). Các địa phương phát hiện nhiều là các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, gồm: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Quảng Ninh....

Đọc thêm