Những đánh giá và dự báo về tình hình KNTC được phản ánh tại Hội nghị trực tuyến về triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW, Luật Tiếp công dân và Nghị định 64/2014/NĐ-CP tổ chức sáng qua (19/9) cho thấy, cần tiếp tục tăng cường “bố trí đủ người, đủ lực” cho công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC để góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự xã hội như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
|
Căn cứ tình hình thực tế, dự báo trong thời gian tới, tình hình KNTC sẽ diễn biến phức tạp, có khả năng sẽ tăng và gay gắt, tập trung chủ yếu vẫn là các vụ việc khiếu nại về đất đai (thu hồi đất thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội hoặc liên quan đến xây dựng các nhà máy thủy điện, qui hoạch lại rừng ở Tây Nguyên, tranh chấp đất nông, lâm trường, đất tôn giáo khu vực miền Trung – Tây Nguyên, miền Nam) và việc thực hiện chính sách xã hội. Việc khiếu kiện đông người có sự tổ chức và tính chất bức xúc, manh động có thể tiếp tục tăng.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Vũ Hồng Khanh phản ánh, thực tế nhiều trường hợp lợi dụng quyền KNTC gây bất ổn định trật tự nên Hà Nội đã phải mời chính quyền địa phương “đến đưa dân về” và phải giải quyết cả những tố cáo không có căn cứ, ảnh hưởng đến cán bộ, chính quyền. Nên đại diện các địa phương đều cho rằng, nhằm hạn chế KNTC, cần chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực dễ phát sinh KNTC và công khai, minh bạch quá trình xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách, pháp luật. Cùng với đó, phải có chế tài đối với những trường hợp lợi dụng quyền KNTC và Chủ tịch UBND An Giang Vương Bình Thạnh còn đề nghị “tính đến kỷ cương đối với những trường hợp đã được giải quyết nhưng vẫn khiếu kiện đến Trung ương, tránh khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc”.
Thừa nhận có đến gần 70% KNTC liên quan đến đất đai, trong đó 40% KNTC vừa có đúng, vừa có sai do “các cấp chính quyền giải quyết chưa tốt chứ không chỉ ở phía công dân”, đại diện Bộ TN&MT cảnh báo, “nếu không giải quyết tốt thì sẽ còn KNTC” nên kiến nghị tập trung để giải quyết khiếu nại, không để khiếu nại vượt cấp, hạn chế việc chuyển đơn thư lòng vòng làm cho người dân không biết lối nào mà lần, phải đối thoại với dân vì “nhiều khi giải quyết bằng pháp luật chưa xong nhưng đối thoại bằng tình cảm lại xong”.
Rà soát chế độ, chính sách để “triệt từ gốc” KNTC
Thanh tra Chính phủ kiến nghị tập trung giải quyết các vụ việc KNTC phát sinh đạt tỷ lệ trên 85%, quyết liệt giải quyết các vụ việc KNTC phức tạp, tồn đọng kéo dài; nâng cao chất lượng các quyết định, kết luận giải quyết KNTC; tổ chức thực hiện nghiêm túc các quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%, phối hợp xử lý kịp thời, hiệu quả các vụ việc đông người, vượt cấp.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC, coi đó là một trong những tiêu chí đánh giá năng lực, kết quả công tác của cán bộ. Trong thời gian tới, sau khi có ý kiến của Thủ tướng, căn cứ tình hình thực tế, Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ về các địa phương nơi xảy ra vụ việc để tiếp công dân nhằm giảm bớt áp lực của công dân tập trung khiếu kiện ở Hà Nội và nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân.
Chỉ ra những hạn chế, tồn tại của công tác tiếp công dân và giải quyết KNTC thời gian qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trách nhiệm của địa phương trong giải quyết KNTC chưa cao, còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, chưa quyết liệt, xử lý còn chậm, nhiều khi còn có sự “ bảo thủ” trong giải quyết. Đặc biệt là trách nhiệm của lãnh đạo chưa cao, chưa quyết liệt... Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương cần bố trí đủ người, đủ lực cho công tác tiếp công dân, giải quyết KNTC. Từng địa phương có biện pháp để không cho công dân tụ tập khiếu kiện kéo dài ra Trung ương, tránh kẻ xấu lợi dụng gây mất trật tự.
Để giải quyết từ “gốc” của tình trạng KNTC, Phó Thủ tướng yêu cầu rà soát lại chế độ đền bù đất đai, chú ý giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho người dân có đất bị thu hồi; đồng thời kiên trì vận động, nhất là đối thoại đối với người dân khiếu nại; tăng cường kỷ cương, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về KNTC cũng như các trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối.