Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Ưu tiên đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống cấp nước cho các đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long và tập trung đầu tư các nhà máy và mạng lưới truyền tải cấp nước vùng (nhà máy cấp nước sông Hậu 1, 2, 3) nhằm giảm thiểu việc thiếu nước do biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn do nước biển dâng. Tiếp tục đầu tư cấp nước cho các thành phố lớn, đặc biệt thủ đô Hà Nội; thành phố Hồ Chí Minh, các đô thị duyên hải Trung Bộ.
Tập trung giải quyết tình trạng ngập úng tại thành phố Hồ Chí Minh (xây dựng đê bao, trạm bơm tiêu thoát, xây dựng hồ chứa nước,...), thành phố Hà Nội, các đô thị miền Trung và Tây Nguyên (Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum). Đầu tư xây dựng một số nhà máy xử lý nước thải có quy mô lớn tại thành phố Hà Nội (Yên Xá, Phú Đô), Thành phố Hồ Chí Minh (Tham Lương, Bến Cát, Tàu Hũ, Bến Nghé, Bình Hưng giai đoạn 2, mở rộng và thay đổi công nghệ Bình Hưng Hoà, Nghiêu Lộc, Thị Nghè), nhà máy xử lý nước thải tại các đô thị loại II thuộc 3 lưu vực sông. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống thoát nước các đô thị duyên hải Trung Bộ giai đoạn 2 góp phần giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu.
Cùng với kế hoạch đầu tư cho ngành cấp thoát nước để giải quyết tình trạng ngập úng, Chính phủ cũng đã định hướng đầu tư công vào 13 ngành, lĩnh vực khác: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, Ngành công nghiệp, Ngành giao thông, Ngành kho tàng, Ngành thông tin, truyền thông và công nghệ thông tin, Ngành giáo dục, đào tạo, Ngành khoa học, công nghệ, Ngành y tế, vệ sinh và an toàn thực phẩm, Ngành xã hội, Ngành văn hóa, thể thao, du lịch, Ngành tài nguyên và môi trường, Ngành quốc phòng, Ngành an ninh.