Nguồn gốc về tục danh “Chú Hỏa”
Người sống lâu ở TP HCM hẳn nhớ câu: “Nhất Sỹ (tức Huyện Sỹ, ông Lê Phát Đại, ông ngoại Hoàng hậu Nam Phương), nhì Phương (Đỗ Hữu Phương, tức tổng đốc Phương, người Hoa), tam Xường (còn gọi là bá hộ Xường, tên thật là Lý Long Quan, người Hoa, vua lúa gạo), tứ Hỏa”.
Tứ Hỏa tức là “Chú Hỏa” - người mà sử sách ghi từng nắm giữ 40% chủ quyền bất động sản Sài Gòn - Chợ Lớn một thời, dù chỉ xếp ở chót bảng. Để thuận lợi cho việc kinh doanh, Chú Hỏa đổi tên thành Jean Baptiste Hui Bon Hoa khi trở nên giàu có.
Thành lập Công ty bất động sản Hui Bon Hoa sở hữu gần 30.000 căn nhà ở Sài Gòn. Lúc đó, dân cư Sài Gòn chỉ khoảng 500.000 người. Với 30.000 căn nhà thì chiếm gần nửa Sài Gòn – Chợ Lớn. Các công trình nhà ở này đóng góp một vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ mặt thành phố Sài Gòn những năm cuối thế kỷ 19.
Năm 1960, cố học giả Vương Hồng Sển viết trong “Sài Gòn năm xưa” về Chú Hỏa: “Hui Bon Hoa, tục danh "Chú Hỏa". Sớm nhập tịch Pháp nên ký âm theo Pháp ngữ làm vậy rồi gọi như vậy cho đến đời đời, không rõ theo Hán tự hà danh hà tánh?”. Nói khác đi, vào năm 1960, học giả uyên bác như Vương Hồng Sển vẫn chưa rõ danh tính Chú Hỏa.
Chân dung "Vua nhà đất" Chú Hỏa (ảnh tư liệu). |
Năm 2014, trên trang blog "Tây Cống cố sự quán" (Căn nhà ghi chuyện cũ ở Sài Gòn), tác giả Chen Bickun công bố. Đó là bài "The True Story of Hui Bon Hoa and Uncle Hoa’s Mansion" (Sự thật về Hui Bon Hoa và Chú Hỏa) dựa vào tư liệu do chính dòng họ Hui Bon Hoa đang sinh sống ở Paris - Pháp cung cấp.
Theo đó, Chú Hỏa (1845-1901) tên thật là Huỳnh Văn Hoa, vốn người làng Văn Tang, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến, nay thuộc TP Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến - Trung Quốc. Ông sang Việt Nam khoảng năm 1863. Sở dĩ Chú Hỏa được gọi với tên là Hui Bon Hoa vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông vốn là tín đồ đạo Công giáo nên đã lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa.
Trong đó, Hui Bon Hoa chính là tên Huỳnh Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến. Về sau, các con cháu của ông đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu. Theo thói quen, người Việt gọi tên cuối cùng, sau họ và chữ lót, nên Chú Hỏa trở nên huyền bí với vô vàn hóa thân.
Từ chú bé lượm ve chai trở thành “ông vua nhà đất”
Thiên hạ làm nghề lượm ve chai đã nhiều, nào thấy ai đâu có cơ may làm giàu? Có đấy, đó là Chú Hỏa, vì thần may mắn đã mỉm cười với người này. Tương truyền, Chú Hỏa khi mới đến Sài Gòn lập nghiệp vào năm 1863 cũng chỉ từ hai bàn tay trắng với một gánh ve chai trên vai nhưng đã tạo dựng nên sự nghiệp lừng lẫy.
Người ta còn truyền miệng nhau rằng cuộc đời Chú Hỏa thay đổi khi chính quyền Pháp mở cuộc đấu giá thanh lý 20.000 máy truyền tin cũ, không còn giá trị sử dụng. Chú Hỏa vốn có nghề phân kim đã mua lại số hàng này và đã tách thành công được vàng từ những máy truyền tin tưởng chừng vô giá trị.
Còn theo một số người khác, khi lê la hầu như khắp Sài Gòn - Chợ Lớn để thu mua những thứ bỏ đi của thiên hạ, Chú Hỏa đã mua trúng đồ cổ, nhờ thạo chữ Hán nên biết trong đám đồ người ta vứt ra có đồ cổ từ thời Nguyên, đời Thanh, thậm chí từ đời Hán. Do đó, từ nghề mua ve chai này, ông tạo lập được gia sản đầu tiên khi mua rẻ, bán đắt những món đồ cổ từ thời xa xưa.
Tình cờ, một ghi chép của Bảo tàng Hoa kiều TP Tuyền Châu (tỉnh Phước Kiến - Trung Quốc) cho thấy sự tích sớm nhất về quá trình làm giàu của Chú Hỏa. Bia mộ chí của vợ ông - Nhất phẩm Trịnh thái phu nhân - ghi: “Ở Việt Nam có khoảnh đất Hậu Phương Lan, ngang dọc mỗi bề cả chục ngàn thước, bỏ hoang đã lâu, ông đã quyết mua bằng được. Nay tình hình đổi khác, ngựa xe tấp nập, giao thông tỏa khắp mọi nẻo, trở thành nơi sầm uất, giá đất tăng cả trăm lần... Mở ra đại kế trăm năm, ắt phải có tầm nhìn hơn người”.
“Hậu Lan Phương” chính là “cầu Ông Lãnh” phát âm theo tiếng Phước Kiến, vùng đất được giới hạn bởi các con đường Trần Hưng Đạo, Yersin, Đề Thám và đại lộ Võ Văn Kiệt, mở đầu cho sự nghiệp bất động sản của Chú Hỏa. Trụ sở Tổng Công ty Hui Bon Hua và các con cũng nằm trên khu vực đó. Bằng cách mua trước những khu đất sắp quy hoạch, xem ra mẹo làm giàu Chú Hỏa cũng chẳng khác gì thời nay.
Vậy thì khi nói về Sài Gòn xưa, những người như ông, dù từ phương nào đến, cũng chung lưng đấu cật, sẻ chia, thậm chí là tiên phong góp phần tạo ra bộ mặt Sài Gòn - Chợ Lớn. Bây giờ không còn nhiều nhưng đi đâu cũng thấy dấu ấn của ông còn lại, mà dãy nhà góc đường Võ Văn Kiệt - Phó Đức Chính chẳng hạn thì nay vẫn còn khá nguyên vẹn.
Bằng cách “đón gió” như trên, Chú Hỏa đã mua cả vùng đất sình lầy đối diện Quảng trường Quách Thị Trang ngày nay. Ít năm sau, người Pháp xây chợ Bến Thành, khu này trở nên tấc đất tấc vàng. Nhiều người vẫn giữ được hình ảnh dãy phố 1 trệt 1 lầu đối diện Quảng trường Quách Thị Trang thời Pháp thuộc, phía sau bến xe buýt, nay đã bị giải tỏa.
“Tuy làm giàu cho họ đã đành nhưng cũng giúp ích rất nhiều cho sự mở mang thịnh vượng kinh tế miền Nam và bộ mặt Sài Gòn” - học giả Vương Hồng Sển đã đúc kết như vậy trong cuốn “Sài Gòn năm xưa” (NXB Khai Trí, Sài Gòn - 1969). Một số tư liệu cho thấy trong suốt quá trình kinh doanh, Chú Hỏa còn luôn biết chia sẻ với cộng đồng cũng như giới cầm quyền đương thời qua việc hiến tặng hàng loạt công trình phúc lợi xã hội mà lưu danh đến tận ngày nay như: Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Trường THCS Minh Đức (quận 1), Bệnh viện Nguyễn Trãi (quận 5)… Phần lớn các công trình đều có góp sức của các con Chú Hỏa nhưng người ta đã quen gộp chung dưới tên Chú Hỏa.
Nhiều cuộc khảo cứu cho rằng dù một phần lớn phố xá Sài Gòn thời ấy là của Công ty Hui Bon Hoa làm chủ nhưng công ty này được tiếng là “rất biết điều” và không bao giờ làm khó người làm mướn. Theo tìm hiểu, Chú Hỏa rành rẽ về kinh doanh và từ thiện. Với hơn 30.000 căn nhà cho thuê, có hệ thống quản lý hoàn chỉnh theo nhiều tầng nấc. Ngoài tiền thuê nhà hằng tháng, người thuê còn phái đóng tiền cọc không hoàn lại và tiền sang nhượng (thù tục phí) khá cao, không “dễ chịu” chút nào và người thuê cũng không cách nào “xù”.
Năm 1901, trong lúc cùng vợ về thăm Trung Quốc, Chú Hỏa đột ngột qua đời và được chôn cất ngay tại Tuyền Châu, hưởng dương 56 tuổi. Lúc đó, sử sách ghi chép là vào cuối đời Mãn Thanh, ông được truy phong hàm Nhất phẩm, có quyền “nộp thóc ghi tên Thái học”, vợ ông được tôn xưng Nhất phẩm phu nhân.
Nhiều giai thoại được đặt ra
Số người khác cho rằng Chú Hỏa vốn dòng dõi nhà Minh, do ly loạn nên tạm chôn giấu của cải để lánh thân, về sau trở lại quê nhà đào số của cải gia bảo ấy lên, mang sang Việt Nam làm vốn hùn hạp với người Pháp rồi dần dà phát đạt. Chú Hỏa di dân vào cuối thế kỷ XIX, không phải người Minh Hương, nên xét về thời gian, thuyết này hoàn toàn vô căn cứ. Hơn nữa, nếu Chú Hỏa có tài sản thì chắc gì phiêu bạt tới Việt Nam làm ăn.
Một giai thoại nữa cho rằng Chú Hỏa rất rành phong thủy nên đã an táng mộ cha đúng long mạch nên nhờ vậy mà làm ăn trở nên phát đạt nhanh chóng. Chuyện này càng vu vơ, không kiểm chứng được. Giai thoại liên quan đến nghề ve chai của Chú Hỏa và của "vua tàu biển" dường như diễn theo cùng một tuồng tích, sao lại có sự trùng hợp khéo thế?
Các giai thoại trên tuy đều mang tính chất mơ hồ như những “hố đen” trong vũ trụ, tuy năng lượng vô cùng nhưng không “rờ tận tay, day tận mặt” được. Tuy vậy, giai thoại nào cũng đề cập sự cần mẫn làm ăn, chịu khó, biết sử dụng lợi thế của bản thân trong quá trình kinh doanh, biết tích lũy vốn và khuếch trương công việc làm ăn ngày càng to lớn ắt sẽ thành công.