Và, đó chính là một trong những yếu tố góp phần giúp tác phẩm báo chí “ăn điểm” trong các Giải báo chí quốc gia. Nhưng giải thưởng nào rồi cũng sẽ qua đi, mọi người có thể nhớ hoặc quên, chỉ có giá trị mà tác phẩm báo chí đem lại thì tôi tin luôn trường tồn cùng thời gian, hòa vào từng “nhịp thở” của cuộc sống.
Biết ơn đối với những “đứa con tinh thần” của mình
Là người có thâm niên gần 20 năm cầm bút, ấn tượng để lại trong tôi không chỉ là những chuyến công tác dài ngày nơi địa đầu Tổ quốc vào những ngày cuối năm lạnh cóng; là lần “phi” xe đạp giữa trưa dưới cái nắng hơn 40 độ để kịp đến nơi cần phỏng vấn… mà trong tôi còn có sự trân trọng, biết ơn đối với những “đứa con tinh thần” của mình. Nhờ những tác phẩm báo chí ấy, tôi mới được sống trong những giây phút vô cùng hạnh phúc và xúc động tại các Lễ trao Giải báo chí quốc gia. Niềm vui ấy theo tôi đến tận bây giờ và có lẽ sẽ còn mãi trong suốt cuộc đời cầm bút của mình.
Trong hành trang nghề báo, tôi đã vinh dự được nhận bốn Giải báo chí Quốc gia (1 giải B, 1 giải C và 2 giải Khuyến khích). Các đồng nghiệp vẫn đùa vui với tôi rằng, tôi đang thừa một giải và cũng thiếu một giải, nếu hoán đổi vị trí các giải thưởng ấy thì tôi đã đủ bộ “huy chương”. Tôi hiểu đó là những lời động viên, khích lệ để tôi có thêm động lực, thêm nhiệt huyết và đam mê để tiếp tục dấn thân và gắn bó với nghề. Còn gì hạnh phúc hơn khi tác phẩm báo chí của mình được tôn vinh trong “làng báo” và được xã hội ghi nhận.
Còn nhớ, hồi viết loạt bài: “Hàng loạt vụ hy sinh trong thi hành công vụ: Bị khước từ danh hiệu vì chưa dũng cảm.” (loạt bài đạt giải B), tôi đã phải chịu nhiều “sức ép” từ mệnh lệnh của ngòi bút. Đề tài này vừa khó, vừa dễ. Dễ vì có khá nhiều vụ việc đã xảy ra trong thực tế, các báo bạn cũng đã khai thác tương đối kỹ. Nhưng cái khó cũng bắt nguồn từ đây. Phải tiếp cận đề tài này từ đâu, theo hướng nào? Làm sao để bài viết nêu bật được những bất cập trong việc xem xét, xác nhận danh hiệu liệt sĩ?. Khi triển khai đề tài này tôi hiểu rất rõ, tác phẩm báo chí của mình chỉ thực sự có giá trị khi nó đem lại nhiều thông tin mới, đặt ra nhiều vấn đề từ cuộc sống và buộc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để giải quyết bằng được. Từ suy nghĩ này, tôi quyết định “lao vào cuộc chiến” theo một hướng đi riêng. Một trách nhiệm đè nặng lên vai.
Các bài viết của tôi đã đi sâu phân tích khái niệm dũng cảm và khẳng định sự hy sinh của các kiểm lâm viên và công an xã trong quá trình thi hành công vụ đã đủ yếu tố cấu thành hành động dũng cảm; họ xứng đáng được Đảng và Nhà nước tôn vinh. Cũng trong quá trình tìm hiểu, tôi phát hiện ra một “lỗ hổng” của pháp luật, đó là không có một văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa như thế nào là “hành động dũng cảm”?. Chính “lỗ hổng” này đã khiến các cơ quan chức năng lúng túng và kéo dài thời gian trong việc làm thủ tục xác nhận liệt sĩ . Tôi cho rằng, chính sự phát hiện này đã giúp Báo Pháp luật Việt Nam “ăn điểm” hơn so với các báo bạn. Sau khi phát hiện ra điểm bất hợp lý trên, tôi đã nhiều lần trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) để “chất vấn”. Ngạc nhiên là chính vị lãnh đạo này cũng thừa nhận có sự thiếu sót trong các văn bản hướng dẫn luật và hứa sẽ sửa sai trong thời gian tới.
Sau loạt bài trên, ngày 9/4/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó lần đầu tiên khái niệm “hành động dũng cảm” đã được các nhà làm luật ghi nhận và làm rõ khi xét công nhận danh hiệu liệt sĩ. Và cũng không cần đợi chờ lâu, những gương hy sinh của các kiểm lâm viên và công an xã mà chúng tôi đề cập trong các bài viết cũng được Nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu Liệt sỹ.
Điều tuyệt vời và thiêng liêng
Loạt bài viết đã thu hút một lượng lớn độc giả trên cả nước quan tâm, theo dõi sát sao. Trong quá trình tác nghiệp, tôi được nhiều bạn đọc không hề quen biết gọi điện đến động viên, thậm chí có bạn đọc cao tuổi còn tận tình “chỉ điểm” cho phóng viên nên gặp ai, cơ quan nào để nhanh được việc. Một vài cụ lại cao hứng làm thơ tặng phóng viên. Đó chính là nguồn động viên lớn giúp tôi thêm nhiệt huyết để đi đến cùng vấn đề. Tuy nhiên, trong quá trình tác nghiệp, đôi khi phóng viên lâm vào cảnh khóc dở, mếu dở.
Chuyện là, khi viết loạt bài: “Chưa xét tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho vợ liệt sĩ tái giá: Luật thiếu chặt chẽ hay áp dụng máy móc?”, tôi phải đi phỏng vấn một lãnh đạo của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Sau gần một tiếng đồng hồ chờ đợi (thời gian này Quốc hội đang họp ), tôi được vị lãnh đạo này đồng ý tiếp tại phòng riêng cùng với vài ba đồng nghiệp khác. Nhưng, trước khi trả lời phỏng vấn, một chai rượu vang được gia chủ lấy ra và rót đầy các cốc (ông giới thiệu đây là rượu quý, vừa được bạn gửi từ Pháp về). “Mệnh lệnh” đưa ra là tất cả mọi người đều phải uống cạn ly, ai không uống sẽ không được quyền phỏng vấn.
“Chết tôi rồi! vừa xuất viện được hơn một tuần vì bệnh dạ dày. Giờ không uống thì dở mà uống thì chắc… “chết” - nghĩ vậy, tôi đem khuôn mặt đau khổ ra trình bày lý do mong được “miễn trừ trách nhiệm”. Sau một hồi “thương thảo” và không thể từ chối được nữa, cuối cùng tôi đành phải uống ½ ly. Sau hơn chục phút phỏng vấn, trên đường ra về thì rượu bắt đầu ngấm, cái dạ dày của tôi liên tục “biểu tình”. Về đến Tòa soạn thì tôi không chịu được nữa, đành phải lấy thuốc giảm đau ra uống để có thể hoàn thành bài viết trước giờ báo chuyển nhà in.
Khi nghe tin loạt bài trên đoạt Giải báo chí Quốc gia lần thứ IX, tôi gọi điện chia vui với vị lãnh đạo nọ. Nghe xong, ông cười lớn: “Nếu em không từ chối nửa cốc rượu vang của anh thì chắc em sẽ có thêm cảm hứng viết bài, biết đâu loạt bài của em sẽ đoạt giải cao hơn”. Tôi biết, ông nói vậy là để khích lệ tinh thần một nữ nhà báo như tôi. Có thể mai kia ông sẽ không còn nhớ mình đã dành câu nói đó cho ai, cũng như giải thưởng nào rồi cũng sẽ qua đi, mọi người có thể nhớ hoặc có thể quên. Nhưng hiệu quả mà bài báo đó đem lại thì tôi tin luôn trường tồn cùng thời gian, hòa vào từng “nhịp thở” của đất nước. Bằng chứng là nhiều vợ liệt sĩ tái giá đã được Nhà nước công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng- đó mới là phần thưởng lớn nhất và cao quý nhất của người làm báo.
Tháng 6 lại về, Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam đang đến rất gần. Khi viết những dòng chữ này, trong tôi lại nhớ đến câu nói của một người anh đồng nghiệp: Nghề báo của chúng mình nhiều vinh quang nhưng cũng không ít hiểm nguy và cám dỗ. Bởi vậy, cùng với niềm nhiệt huyết trong tim, phải biết giữ vững bản lĩnh của người cầm bút. Tôi tin rằng, ngoài kia rất nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi cũng đang ngày đêm miệt mài, chắt chiu với từng con chữ để dâng cho đời những tác phẩm hướng tới các giá trị Chân- Thiện - Mỹ. Những tác phẩm báo chí ấy, có thể không được vinh danh tại các Lễ trao Giải báo chí quốc gia, nhưng nếu đó là chỗ dựa cho niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống thì sẽ sống mãi với thời gian. Đó mới là điều tuyệt vời và thiêng liêng nhất.