Giám định pháp y: Đỏ mắt tìm người

(PLO) - Thiếu hụt nhân lực trầm trọng đã và đang là “căn bệnh” trầm kha mà Giám định pháp y đang phải đối mặt.
Giám định pháp y: Đỏ mắt tìm người
Khi bài báo này lên khuôn thì các giám định viên (GĐV), cán bộ ở Viện Pháp y quốc gia vẫn chưa hết ngỡ ngàng vì quyết tâm “dứt áo ra đi” của hai đồng nghiệp. Được đặc cách tuyển dụng thay vì phải tuân theo quy trình, được đào tạo chuyên môn, được tạo điều kiện làm việc và quan trọng hơn cả là được sự chào đón hoan hỉ của các đồng nghiệp, nhưng họ đã không vượt qua được định kiến xã hội, sức ép gia đình. 
Khô mồ hôi là chào từ giã
Nói về vấn đề thiếu hụt nhân lực thì bất kể GĐV pháp y nào cũng có câu chuyện để kể, bất kể “đời” lãnh đạo Trung tâm, Viện trưởng nào cũng có nỗi niềm để tâm sự. TS Vũ Dương, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia đã từng kể với phóng viên một câu chuyện cười ra nước mắt, được ông tự trào đặt tên: “Khô mồ hôi là chào từ giã”.
Chuyện là, trong thời gian còn làm việc, ông Dương rất mệt mỏi với chuyện thiếu nhân lực GĐV nên cứ tuyển được người nào và họ chịu ở lại làm việc là “mừng hết lớn”. Lần đó, có một bác sĩ trẻ về làm và hứa hẹn sẽ cống hiến cho nghề bác sĩ phụng sự công lý này. Ít lâu sau xảy ra một vụ hiếp dâm, nạn nhân là người phụ nữ tâm thần sống lang thang. Là chuyên gia về pháp y tình dục nên ông Dương trực tiếp giám định (GĐ) và có ý hướng dẫn dần cho cậu bác sĩ trẻ. Chuẩn bị GĐ thì điện mất nên thay vì đứng sau học tập thì cậu bác sĩ trẻ phải cầm đèn đứng sát gần để giúp ông Dương. 
“Người tâm thần lang thang ngoài đường không tắm rửa, mà lại là phụ nữ nữa nên không mô tả cũng hiểu. Khi tôi GĐ xong, quay lại thấy trợ tá của mình mặt tái xanh, mồ hôi vã ra đầm đìa. Hỏi sao thì cậu ta lẩm bẩm: “Khiếp quá, chắc em không dám lấy vợ nữa đâu”. Một thời gian ngắn sau cậu ấy xin nghỉ việc, không cách nào giữ được. Đúng là khô mồ hôi là chào từ giã luôn”  - ông Dương cười buồn kể lại.
Không sợ tử thi bằng sợ sức ép gia đình
Đó là nỗi niềm của rất nhiều người đã và đang theo nghề GĐ pháp y. Với những người “đã”, họ không thể vượt qua được sự lựa chọn giữa gia đình và nghề nghiệp. Còn với những người “đang”, không ít người đã phải chấp nhận sự tan vỡ gia đình để giữ nghề.
Quay lại với câu chuyện của hai cán bộ mới tuyển vừa “dứt áo ra đi” của Viện Pháp y quốc gia. Ông Ngô Hường Dũng – Phó Viện trưởng cho biết, thấu hiểu được khó khăn trong việc tuyển người của pháp y, Bộ Y tế đã cho Viện một cơ chế đặc cách tuyển dụng để Viện có thể toàn quyền xét tuyển và sau đó báo cáo Bộ, chứ không nặng nề về quy trình tuyển dụng công chức như các đơn vị khác. Thế nhưng tình hình nhân lực cũng không sáng sủa lên là mấy. 
“Hai cán bộ mới đây tuy đều tốt nghiệp Đại học Y nhưng chuyên ngành học không dính dáng gì đến giám định. Biết vậy, nhưng chúng tôi vẫn chấp nhận tuyển dụng để đào tạo. Trong khóa đào tạo 3 tháng vừa qua, bài kiểm tra của hai cán bộ này đều rất cao điểm, chúng tôi đã mừng thầm. Vậy mà vừa mới đây thôi, một cậu thông báo xin nghỉ việc vì người yêu ra “tối hậu thư” hoặc chọn nghề, hoặc chọn vợ; còn cậu kia thì nại lý do pháp y chế độ đãi ngộ thấp, không nuôi nổi gia đình nên xin nghỉ” – ông Dũng cho biết.
Hơn ai hết, ông Ngô Hường Dũng thấu hiểu lý do mà hai cán bộ trẻ đưa ra, vì trong cuộc đời  mình, bản thân ông cũng đã phải đối mặt với sự tan đàn xẻ nghé gia đình khi người bạn đời của ông không thể vượt qua định kiến xã hội để thông cảm với nghề nghiệp của chồng và cũng không chịu được cảnh khổ của cái nghề “mang tiếng là bác sĩ mà lại không thể kiếm tiền” này. 
“Cả đời này phải biết ơn các bà vợ, các ông chồng” - đó là câu đùa mà các nam, nữ GĐV thường nói với nhau. Hay như lời của GĐV Phạm Xuân Thông – Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa: “Nhiều hôm khám nghiệm về vừa bước chân vào nhà, mọi người bịt mũi chạy tán loạn vì tử khí vẫn bám sâu trong quần áo, da thịt. Với một ông chồng như vậy, nếu người vợ không hiểu, không thông cảm thì khó có thể hình dung chuyện gì sẽ xảy ra”.
Hấp dẫn, vẫn khó tuyển
Nhằm khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng bác sĩ pháp y, Viện Pháp y Quốc gia đã xây dựng “Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu của đề án là đào tạo được 7 tiến sĩ, 10 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 80 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I cùng hơn 300 người được đào tạo đại học hệ liên thông... Thế nên, sinh viên tốt nghiệp đại học hệ chính quy loại giỏi sẽ được hỗ trợ ngay 20 tháng lương tối thiểu nếu đăng ký làm việc và cam kết làm việc lâu dài. Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa cấp II đăng ký hoặc về làm việc lâu dài trong chuyên ngành pháp y sẽ được trợ cấp ưu đãi ban đầu với số tiền bằng 50 lần mức lương tối thiểu; với thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa cấp I là 40 lần…
Hấp dẫn là vậy nhưng chỉ xem con số tuyển dụng trong 3 năm gần đây thì năm 2013 tuyển được một cán bộ, năm 2014 không tuyển được ai, năm 2015 tuyển được 2 cán bộ, chưa vội mừng thì đã chia tay từ giã pháp y. Theo ông Ngô Hường Dũng, nguyên nhân chính bởi quan niệm xã hội quá nặng nề với nghề này. “Xã hội nhìn nhận nghề GĐ chỉ có duy nhất việc khai quật mồ mả và mổ xác chết mà không hiểu hết đóng góp sâu rộng của nó với cuộc sống, công lý. Nhiều bậc phụ huynh không muốn con sau nhiều năm học ở trường y danh giá lại ra làm công việc này” – ông Dũng cho biết. 
Cần công nhận pháp y là một nghề
Câu chuyện thiếu hụt nhân lực không chỉ riêng hệ thống GĐ pháp y thuộc ngành Y tế phải đối mặt. PGS Nguyễn Trọng Toàn, nguyên Viện trưởng Viện Pháp y Quân đội chia sẻ: “Cái thời tôi làm vừa dụ dỗ, vừa dọa dẫm đủ kiểu mới được mấy GĐV về làm việc”. Một GĐV công tác ở PC 54 Công an tỉnh Bắc Kạn cũng cho biết, rất nhiều người không muốn theo nghề vì xã hội đánh giá chỉ có bác sĩ dốt mới đi làm pháp y, rồi thu nhập thấp do nghề nghiệp không thể mở phòng khám như các bác sĩ bệnh viện. Theo ông Ngô Hường Dũng, bên cạnh việc cần phải đưa bộ môn pháp y vào giảng dạy, học tập bắt buộc trong hệ thống các trường y thì Nhà nước cần coi pháp y là một nghề thì mới thu hút được nhân lực. Hiện nay pháp y không được coi là một nghề nên không có mã ngạch nghề nghiệp, không có chế độ thâm niên và không áp dụng được một số chính sách hỗ trợ. 

Đọc thêm