Con phản ứng vì cha mẹ không tôn trọng sự riêng tư
Những ngày cuối năm với gia đình bé B, 13 tuổi ở Hà Nội trở nên bất hạnh bởi tấn thảm kịch vừa xảy ra với gia đình cậu bé. Do thời điểm dịch, ở nhà, cậu bé thường xuyên lên mạng, chơi game và bị bố mẹ la mắng do xao nhãng việc học. Sau đó, bố mẹ cậu bé quyết định lắp camera trong phòng con trai để giám sát mọi hành vi của con mình, mặc sự phản đối của B.
Hôm ấy, sau khi camera được lắp, B đã vào phòng vệ sinh nhưng mãi không thấy ra. Sau đó, gia đình phá cửa xông vào thì thấy con trai đã thắt cổ bằng khăn quàng trong nhà tắm. Cậu bé đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu. Bạn bè B kể, trước đó vài ngày, khi nghe thông tin về việc lắp camera trong phòng ngủ của mình, B đã nói thấp thoáng về việc “kết thúc cuộc sống”.
Đã có nhiều luồng dư luận, đặc biệt là tranh cãi của các bậc phụ huynh xoay quanh sự việc này. Có nhiều cha mẹ cho rằng, việc lắp camera giám sát phòng con cái là hợp lý, giúp kiểm soát được các hành vi của con, kịp thời phát hiện ra những hành xử lệch lạc, không hay nhằm uốn nắn con.
Nhiều cha mẹ vẫn cho rằng con cần được giám sát, theo dõi, không vuột khỏi tầm mắt cha mẹ, trẻ không có quyền có bất cứ bí mật cá nhân nào. Thế nên, cha mẹ thoải mái lắp camera trong phòng con, đọc nhật kí của con một cách công khai, đòi xem tin nhắn của con chat với bạn bè...
Không chỉ thế, những gì phụ huynh chứng kiến thông qua việc giám sát cũng trở thành “vũ khí” để đem ra “sát thương” con trẻ bằng lời nói. Với trẻ con, khi cha mẹ đem phơi bày riêng tư của con ngay trước mặt chúng, nghĩa là cha mẹ đã đẩy mình đứng về phía đối lập của con, đẩy con đi xa mình bằng một hố sâu của sự thiếu tôn trọng và tin tưởng.
Đó là chưa kể đến, cha mẹ có thể kiểm soát con chỉ ở trước và trong tầm mắt, còn lại, đứa trẻ sẽ nảy sinh ra phản ứng chống đối và làm ngược lại, khi vắng mặt hoặc ra khỏi tầm mắt cha mẹ sẽ càng làm những chuyện nổi loạn, giấu giếm càng nguy hiểm hơn.
Cách giám sát thông minh nhất
Bằng kinh nghiệm cá nhân, nhiều phụ huynh đã phân tích, việc kiểm soát con bằng cách lắp camera trong phòng riêng giám sát nhất cử nhất động của con là không nên, bởi trẻ con cũng có quyền riêng tư của chúng. Đặc biệt là với trẻ đang tuổi lớn thì việc bị xâm phạm quyền riêng tư một cách thô bạo, kèm với thái độ cực đoan sẽ khiến trẻ nổi dậy, phản kháng, đẩy con trẻ đi đến những hành động tai hại, như khép kín hơn, chống đối gia đình, bỏ nhà đi, thậm chí hủy hoại bản thân, tự sát như câu chuyện cậu bé B 13 tuổi ở Hà Nội kể trên.
Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga, chuyện cha mẹ theo sát con cái, nắm được tâm tư, tình cảm, chuyển biến tâm lý cũng như suy nghĩ của con là chuyện nên làm. Nhưng, cha mẹ nên thực hiện điều ấy một cách khéo léo và tôn trọng con, thay vì theo dõi con bằng thái độ mạnh bạo, quyết liệt.
Theo chuyên gia Lê Thị Minh Nga, trẻ con ngày nay được tiếp xúc với mạng xã hội, được kết nối thế giới nhiều, ý thức cao hơn về quyền cá nhân, quyền riêng tư. Nhất là đối với trẻ từ 8-9 tuổi trở lên. Trẻ đang tuổi lớn cũng có xu hướng sẽ làm ngược lại nếu người lớn ép buộc chúng. Hoặc nếu cảm giác không được tôn trọng, bị cha mẹ người thân “mổ xẻ” những điều riêng tư, trẻ sẽ chống đối đến cùng, mất đi niềm tin với cha mẹ.
Đã từng có trường hợp ở TP HCM, cha mẹ đọc trộm nhật kí của con gái 10 tuổi rồi đem ra làm chuyện cười cho người thân trong buổi tụ tập gia đình. Phẫn uất, bé gái nói trên đã trộm các loại thuốc trong phòng cha mẹ uống nhằm tự sát, may mà gia đình phát hiện kịp thời.
Chính vì thế, chuyên gia tâm lý Lê Thị Minh Nga đưa ra lời khuyên, cách giám sát con tốt nhất là giám sát một cách âm thầm, lặng lẽ, quan sát và nhìn nhận các diễn biến tâm lý, đổi thay trong hành xử, tính cách của con để rồi tìm ra nguyên nhân và giải pháp uốn nắn. Thường xuyên trò chuyện, tâm sự, khiến con tin cậy và kể cho cha mẹ nghe những bí mật của mình. Cùng con chia sẻ bí mật, đưa cho con lời khuyên cho những tâm tư tuổi mới lớn, đó cũng là cách giám sát đầy tình cảm và cũng đầy thông minh của cha mẹ.