Trong một cuộc họp gần đây, lãnh đạo ngành y tế Hà Nội đã khẳng định, năm 2012, toàn ngành sẽ tăng cường giải quyết các bức xúc về quá tải bệnh viện (BV), nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB), chăm sóc sức khỏe nhân dân… Tuy nhiên, đây mới chỉ là khẩu hiệu. Muốn điều này thành sự thật, không đơn giản.
Ba người bệnh một giường - cảnh này đã quá quen thuộc với cả bác sĩ, bệnh nhân |
Tuyến trên chịu trách nhiệm về tuyến cơ sở
Theo TS.Nguyễn Khắc Hiền (GĐ Sở Y tế Hà Nội) vấn đề bức xúc nhất hiện nay của ngành chính là việc quá tải trong KCB. Vì vậy, trong năm 2012, ngành y tế Hà Nội tập trung cải cách ở khoa khám bệnh. Theo đó, các các cơ sở y tế sẽ phải cải cách, sắp xếp lại khu vực bố trí đón tiếp, khám, ứng dụng công nghệ thông tin vào KCB, quản lý bệnh nhân… Cụ thể, trong năm 2012, ông Hiền cho biết, toàn bộ kinh phí cho cải tạo, nâng cấp các BV là 20 tỷ đồng sẽ được tập trung cho khoa KCB để cải tạo, sửa chữa và nâng cấp.
Bên cạnh đó, Hà Nội quan tâm đến giải pháp xây dựng các BV vệ tinh để giảm tải cho tuyến trên. Ông Hiền cho biết, theo mô hình của Bộ Y tế hiện nay thì có 2 loại hình BV vệ tinh. Về ngoại khoa thì BV Việt Đức đứng đầu, BV Sơn Tây là vệ tinh; nội khoa là BV Bạch Mai và BVĐK Hà Đông là vệ tinh. Theo mô hình này, TP. Hà Nội đang tham mưu xây dựng mỗi BV hạng I chịu trách nhiệm toàn diện cho 2 hoặc 3 BV tuyến huyện…
Để làm được điều này, theo kế hoạch, Sở Y tế Hà Nội sẽ làm việc với BV Việt Đức trong đào tạo bác sĩ chuyên khoa, chuyên ngành ngoại khoa để các bác sĩ ở BV vệ tinh cũng có thể đảm nhiệm tốt công việc. Ngành y tế cũng sẽ yêu cầu các BV cử cán bộ đến BV Việt Đức để học tập. “BV Việt Đức sẽ giao cho bác sĩ trực tiếp phụ trách đào tạo cán bộ tuyến dưới, khi đưa về tuyến cơ sở thì bác sĩ đó chịu trách nhiệm trực tiếp với chuyên môn của cán bộ đó” – ông Hiền khẳng định.
Hỗ trợ lương cho bác sĩ về ngoại thành
Cùng với việc nâng cấp, sửa chữa khoa KCB, xây dựng BV vệ tinh, TS Khắc Hiền cho hay, ngành y tế Hà Nội cũng sẽ chú trọng khâu đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ y tế về cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng KCB, giảm tải cho các BV tuyến trên.
Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ đào tạo cho đội ngũ bác sĩ ở cơ sở, rồi phối hợp Trường Đại học Y Hà Nội đào tạo liên thông 4 năm. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đang đề nghị thành phố về việc hỗ trợ hàng năm cho những người đã vào trường Đại học Y Hà Nội hoặc các trường Đại học chuyên ngành y có nhu cầu về Hà Nội làm việc.
Bác sĩ làm việc ở nội đô thì yêu cầu tiêu chuẩn học lực; về ngoại thành đề nghị thành phố hỗ trợ về lương hoặc ít nhất 5 năm để họ phục vụ cho Hà Nội trong thời gian đó nhằm thu hút cán bộ. Những người đồng ý làm việc tại Hà Nội sẽ được đào tạo theo chuyên khoa cụ thể mà thành phố đang cần. Các cơ sở sẽ là nơi thực hành, giám sát để các bác sĩ đó đảm bảo yêu cầu công việc.
Di dời cơ sở KCB ra ngoại ô
Đó là ý kiến của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại một cuộc họp mới đây về vấn đề này. Theo ông Thảo, trước mắt TP.Hà Nội cần phải bổ sung giường bệnh ở các tuyến đặc biệt, các BV tuyến thành phố; bố trí đủ giường bệnh điều trị nội trú theo kế hoạch, khuyến khích mở rộng kê thêm giường, thu hút giường bệnh xã hội hóa đảm bảo yêu cầu điều trị. Về lâu dài, cần xây mới các BV ở ngoại thành. Bên cạnh đó cần có lộ trình đầu tư từng bước để mở rộng các BV nhưng phải tính tới yếu tố thuận tiện giao thông.
Đặc biệt, Hà Nội phải chú ý tới việc tăng nguồn xã hội hóa, ưu tiên đầu tư xây mới các BV, cụ thể 1.450 giường bệnh đối với nhóm BVĐK thành phố, Nhi Hà Nội 500 giường; Đa khoa Mê Linh 1.000 giường; Đa khoa miền núi Ba Vì; Đa khoa Gia Lâm... Ngoài ra, theo ông Thảo, việc di dời các cơ sở y tế trong khu vực nội đô cũng phải được tính đến.
Nói thì dễ, làm được mới khó
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, hiện các BV hạng 1 và 2 trên địa bàn Hà Nội nhận KCB bằng thẻ bảo hiểm y tế nhiều quá dẫn đến quá tải. Trong khi đó những BV tuyến huyện đã được đầu tư cho giường bệnh, cán bộ nhưng không hoạt động hết công suất sẽ lãng phí (trong khi Trạm y tế thị trấn Cầu Diễn, Hà Nội đạt chuẩn quốc gia nên rộng và trang bị đầy đủ máy móc thiết bị đảm bảo công tác khám chữa bệnh ban đầu, một số máy móc hiện đại, đội ngũ nhân viên y tế tốt… hơn 11 tháng chỉ có chưa tới 4.000 lượt bệnh nhân tới KCB, thì BVĐK Xanhpôn thường xuyên phải điều trị nội trú cho bệnh nhân với lượng quá tải từ 100-200%; các khoa xét nghiệm luôn trong tình trạng 150%- 200%).
Vì vậy, Bộ trưởng gợi ý “hai bên sẽ hoạt động theo phương thức hợp tác dưới thương hiệu của BV lớn hơn”. Mặt khác, “để giảm tải cần san bớt đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế về tuyến huyện”, vì hiện nay đã có một số BV huyện của Hà Nội làm tốt việc khám chữa bệnh…
Trước ý định rời một số BV ra ngoại ô của lãnh đạo Thủ đô, Bộ trưởng cho rằng nên cân nhắc thật kỹ lưỡng bởi việc làm này không hề đơn giản, liên quan đến nhiều khâu (cơ sở hạ tầng, nhân lực, tài chính, quỹ đất…).
Theo Bộ trưởng, di dời các BV truyền nhiễm thì đã được phê duyệt rồi, tuy nhiên hiện vẫn “mắc” ở khâu giải phóng mặt bằng và một số thủ tục khác. Vì vậy, 5, 7 năm nữa cũng chưa chắc đã chuyển nổi. Tóm lại, có quá nhiều giải pháp đã được đưa ra với mong muốn giảm tải BV trên địa bàn TP Hà Nội cũng như cả nước. Thế nhưng để giải được bài toán này lại quá hóc búa. Và người dân Thủ đô sẽ vẫn phải gồng mình sống chung với quá tải trong một thời gian dài dài nữa…
Hiện, Bộ Y tế đang khảo sát, tổng hợp ý kiến của hai TP tập trung đông các BV quá tải là Hà Nội và TP. HCM để hoàn tất “Đề án giảm tải BV” để trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đề án tập trung vào bốn chuyên khoa (ung bướu, chấn thương chỉnh hình, nhi và tim). Dự kiến, Đề án sẽ hoàn tất vào tháng 3-2012, mục tiêu là từng bước giảm quá tải tại các BV công tại Việt Nam, cũng như tình trạng nằm ghép giường bệnh. |
Hải Long