Giảm thiểu tác hại nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội

(PLO) - Vừa qua tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Đức tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo triển khai Dự án “Giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội thông qua nâng cao năng lực cho Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo”. 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, quá trình đô thị hóa tới đời sống xã hội những năm gần đây. Đồng thời khẳng định lĩnh vực cảnh báo, dự báo là một trong những ưu tiên hàng đầu trong việc khắc phục và giảm thiểu thiệt hại của thiên tai. 

Ông Hùng cũng cho hay, tại Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới, hoạt động nhân đạo trong thiên tai vẫn thường tập trung vào các hoạt động cứu trợ khẩn cấp, khắc phục, tái thiết và sinh kế sau sau thiên tai.

Tuy nhiên, trong vòng 20 năm trở lại đây, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chú trọng vào hoạt động ứng phó thảm họa trước thiên tai như: Trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê điều, tập huấn các lớp phòng ngừa và ứng phó trước thiên tai. Mặc dù vậy, hiệu quả việc giảm thiểu thiệt hại do thiên tai vẫn chưa tối ưu. Chính bởi vậy, việc sử dụng phương pháp FbF tại Việt Nam có thể nói là một bước tiến mới trong hoạt động nhân đạo.

Dự án “Giảm thiểu tác động của các đợt nắng nóng với các nhóm dễ bị tổn thương tại Hà Nội” thông qua phương pháp FbF, được triển khai từ tháng 6/2018 đến tháng 10/2020, nhằm mục tiêu xây dựng hành động sớm giúp giảm tác động tiêu cực của nắng nóng lên sức khoẻ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương (người già, người khuyết tật, người bị bệnh mãn tính và người bán hàng rong).

Với nguồn kinh phí 325.000 Euro, dự án được hỗ trợ bởi Hội Chữ thập đỏ Đức, với sự phối hợp của Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu (IMHEN), việc xây dựng ngưỡng cảnh báo giúp nâng cao năng lực của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong việc áp dụng mô hình ứng phó với các loại hình thiên tai khác như bão, lũ lụt…

Theo đó, dự án sẽ được thực hiện theo quy trình 7 bước cụ thể: Đánh giá rủi ro; Xác định các thông tin dự báo khí tượng thủy văn; Xác định các mức độ ảnh hưởng tới cộng đồng địa phương; Lựa chọn hành động sớm; Xây dựng quy trình hành động chuẩn; Thẩm định quy trình hành động chuẩn; Theo dõi thông tin dự báo.

Đây là dự án đầu tiên trong 22 dự án FbF được triển khai tại khu vực đô thị, cụ thể là ứng phó với nắng nóng. Các thông tin dự báo khí tượng thuỷ văn là cơ sở để kích hoạt các hành động ứng phó sớm nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động ứng phó với thiên tai.

Đọc thêm