Giảm thiểu thiệt hại thiên tai nhờ mô hình nhà chống lũ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mô hình nhà chống lũ được đánh giá là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra ở miền Trung. Bên cạnh đó, mô hình này còn phù hợp với vùng ngập lũ miền Tây, đặc biệt khi khí hậu đang thay đổi thất thường.
 Mô hình nhà chống lũ giúp giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Mô hình nhà chống lũ giúp giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Các mô hình nhà chống lũ ở Việt Nam

Xuất hiện từ năm 2013, nhà chống lũ là dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu (do Quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững hỗ trợ).

Đúng như tên gọi, nhà chống lũ hay nhà chống ngập là những mô hình được thiết kế và xây dựng để thích ứng với mưa lũ, làm giảm bớt những tác động tiêu cực từ thiên tai đến đời sống người dân. Nhà chống lũ hiện nay đã được thiết kế, sáng tạo với 3 loại chính. Đó là nhà kê nền, nhà phao, nhà có gác.

Đối với mô hình nhà phao: Đây là dạng nhà nổi, kết cấu nhẹ bên trên (khung gỗ/sắt, mái tôn, vách), bên dưới là thùng phuy nhựa/sắt để làm nổi. Do đó, khi nước dâng đến đâu nhà sẽ nổi tới đó. Bên cạnh đó còn có nhà phao gắn liền với nhà xây: nhà phao nằm trên gác nhà xây. Gian nhà này cơ cấu nổi vượt lên trên nước ngập, tối đa 10m so với tầng trệt. Mô hình có khung nhà phao trượt đều trên 4 cọc thép ở 4 góc, đồng thời là điểm neo chân cho khung nhà.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Hứa (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), loại nhà phao gồm hai mô hình là nhà phao biệt lập và nhà phao gắn liền nhà xây. Phao được sử dụng là các thùng phuy, bê tông nhẹ hay kết cấu phao nhẹ bằng bê tông nhẹ bọt khí. Nhà phao biệt lập là nhà phao làm tách rời nhà đang ở. Mô hình áp dụng cho khu vực có mức lũ cao với biên độ dao động lớn từ 4 - 14m và ngâm lâu từ 3 - 10 ngày và không có dòng chảy xiết.

Thứ hai là mô hình nhà kê nền có hai loại gồm kê thấp và kê cao. Nhà kê nền thấp có sàn nhà được kê lên hệ cột cách mặt đất với khoảng cách tối thiểu là 500mm. Độ cao này đủ để đảm bảo bùn hoặc nước lũ và các vật cuốn theo có thể chảy qua khoảng trống dưới sàn, không gây tác hại đáng kể đến hệ kết cấu khung nhà. Nhà kê nền cao, nền nhà được nâng lên trên mực nước lụt, cao khoảng 3m. Khi không có lũ, người dân có thể dựng vách, liếp che tầng 1 để sinh hoạt hoặc sử dụng cho gia súc. Khi có lũ, tầng 2 được sử dụng là nơi sinh hoạt và tránh lũ của người dân.

Thứ ba là mô hình nhà có gác gồm 4 loại chính: Nhà hai gác dành cho người ở, nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc, nhà ba gian có gác xép, nhà ống có gác xép. Tuỳ từng khu vực, người dân có thể lựa chọn mô hình nhà phù hợp. Ví dụ, nhà hai gác chỉ dành cho người ở áp dụng cho các vùng trũng thấp, có lũ từ 1,3-3,0m. Nhà xây dựng trên cơ sở thiết kế với cấu trúc móng trụ, khung dầm, sàn bê tông và tường xây gạch nung. Độ cao gác/sàn tầng thường cao hơn mức ngập tối thiểu 2,85m. Hay nhà hai gác có chỗ trú cho gia súc áp dụng tại vùng, có lũ 1,5-3m. Mô hình nhà này có cầu thang phía ngoài cho người và gia súc di chuyển lên tầng khi có lũ. Độ cao tầng hai sẽ vượt mức lũ lịch sử khu vực đó. Gian phía sau chứa cỏ rơm, nông sản; gian trước cho người.

Hiệu quả thiết thực

Nhờ mô hình nhà chống lũ, người dân miền Trung đã chủ động chung sống với mưa lũ. Chẳng hạn ở Quảng Bình, mức lũ năm nay vượt mức lũ lịch sử năm 1999 gần 1m. Gần 2.500 ngôi nhà vượt lũ được hỗ trợ để bà con chủ động ứng phó với thiên tai, trong đó có mô hình nhà phao biệt lập với 99 căn do nhà chống lũ trực tiếp hỗ trợ xây dựng. Người dân vẫn sống trong những căn nhà, mùa lũ thì có thể chất đồ đạc, nhu yếu phẩm và trú ẩn trong căn nhà phao. Tại các địa bàn mà nhà chống lũ có hỗ trợ người dân xây dựng công trình nhà chống lũ như Liên Trạch, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn, Tân Hóa, Minh Hóa, các mô hình nhà chống lũ đã giúp người dân chủ động ứng phó. Tài sản và con người vẫn an toàn.

Được khởi xướng từ năm 2013, đến nay nhà chống lũ đã hỗ trợ xây 795 công trình nhà chống lũ. 795 công trình là 795 mô hình thiết kế khác nhau. Nhà chống lũ đưa ra một cái lõi và người dân có thể tùy chỉnh thêm dựa theo nhu cầu, sở thích của họ.

Tính đến nay, nhà chống lũ đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu hình thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ sông và một số loại lũ đặc biệt.

Kinh phí xây dựng những căn nhà an toàn nằm trong khoảng 80-180 triệu đồng. Nhà chống lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ cho phần vật liệu xây dựng và thiết kế mô hình nhà. Để có nguồn kinh phí hoạt động, dự án hàng năm tổ chức 2 buổi gây quỹ (1 tại Hà Nội và 1 tại TP Hồ Chí Minh).

Dự án cũng gây quỹ từ sự đóng góp của các doanh nghiệp hoặc các cá nhân bằng vật chất hoặc công sức như vật liệu xây dựng, thiết bị điện, các thiết kế, bản vẽ, tính toán, ngày công theo dõi, giám sát, thi công…

Sau những đau thương, mất mát do bão lũ gây ra, giờ đây, người dân vùng lũ đã có thể đứng vững trước thiên tai. Chính sự chủ động sống chung với lũ, thích ứng với thiên tai đã giúp người dân có thể giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, ổn định lại cuộc sống sau lũ, qua đó góp phần đảm bảo phát triển bền vững kinh tế của gia đình và địa phương. Hiện nay, mô hình nhà chống lũ đã được nhân rộng tại nhiều địa phương vùng rốn lũ miền Trung. Qua đó góp phần giảm thiệt hại về người và tài sản mỗi khi mùa mưa bão về.

Đọc thêm