Giảm thiểu thiệt thòi cho lao động nữ di cư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại nhiều địa phương, các mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất hình thành đã đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tuy nhiên vấn đề nảy sinh cần quan tâm giải quyết là chính sách hỗ trợ đối với lao động nữ di cư và con cái của họ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Năm 2018, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ kết hợp với Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người tiến hành nghiên cứu “Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư” nhận thấy, 62% người được hỏi cho rằng trẻ em di cư không tham gia các hoạt động địa phương tổ chức và 25% cho rằng ít tham gia do không có thông tin hay bố, mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa đón con tham gia. 9% nam giới và 18% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng không bao giờ cho con đi chơi ở nơi công cộng.

Năm 2017 thống kê cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động, nhưng mới chỉ có 112 trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất…

Mới đây vấn đề này một lần nữa được đề cập tới tại tọa đàm trực tuyến “Giải pháp bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ di cư trên địa bàn thành phố Hà Nội” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam tổ chức với sự tham gia của lãnh đạo các Sở, ban ngành của TP Hà Nội, đại diện các cấp Hội địa phương.

Ông Nguyễn Hồng Dân - Phó Giám đốc Sở LĐ, TB&XH Hà Nội, cho biết Hà Nội có thị trường lao động sôi động gồm lao động chính thức, lao động phi chính thức. Hàng năm số lượng nữ di cư về Hà Nội rất lớn.

Năm 2019 có 206 nghìn lao động nữ di cư về Hà Nội; năm 2020 là hơn 136 nghìn người; 6 tháng đầu năm 2021 hơn 189 nghìn người. Lao động nữ di cư về Hà Nội khá đa dạng, làm việc trong nhiều ngành nghề khác nhau nhưng đa phần là làm việc phi chính thức như giúp việc gia đình, làm việc tự do…

Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, người lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu do nhận thức, trình độ hạn chế, phần lớn làm công việc phi chính thức, không được đào tạo nghề. Kỹ năng nghề tích lũy làm việc, kỹ năng mềm hạn chế, không có ngoại ngữ, thiếu kỹ năng tin học…

Lao động nữ nhận được rất ít hỗ trợ từ chủ sở hữu lao động. Quyền lợi đối với họ chưa được đảm bảo vì không có hợp đồng lao động nên không được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, không có chế độ thai sản, nghỉ sinh. Lao động nữ di cư gặp rất nhiều khó khăn so với lao động khác, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến nhiều lao động nữ mất việc.

Chia sẻ về vấn đề tiếp cận giáo dục của con em nữ lao động di cư, bà Nguyễn Thị Hào - Phó trưởng Phòng Giáo dục Mầm non, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay thành phố có khoảng 2 triệu học sinh, trong đó con em gia đình di cư chiếm số lượng không nhỏ.

Những năm qua, lượng lao động nhập cư về Hà Nội khá đông nên mỗi năm tăng thêm khoảng 60 nghìn học sinh. Dù là thường trú hay tạm trú thì các con đến tuổi đều được tới trường học. Tuy nhiên với nhóm học sinh mầm non thì trẻ em di cư khó tiếp cận với trường mầm non công lập. Điều này khiến các lao động di cư đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.

Trong thời gian qua các cơ quan ban ngành của Hà Nội đã có nhiều giải pháp hỗ trợ lao động di cư như Sở LĐ-TB&XH phối hợp để cung cấp các dịch vụ tư vấn đề pháp lý, nâng cao năng lực… cho các đối tượng, trong đó có phụ nữ di cư. Tuy nhiên, ông Nguyễn Hồng Dân cho biết, nhóm lao động nữ di cư tiếp cận với sự hỗ trợ này còn rất hạn chế, mỗi năm chỉ có khoảng 5 - 8 phụ nữ tiếp cận để yêu cầu hỗ trợ.

Có thể thấy, phụ nữ di cư và con cái họ đang gặp khó khăn cũng như thiệt thòi đủ bề. Hỗ trợ để chị em được tiếp cận với bảo hiểm y tế tự nguyện, mở rộng bảo hiểm thai sản cho phụ nữ; tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ trợ giúp, tư vấn pháp lý, hỗ trợ học phí cho con em lao động nhập cư; nâng cao kiến thức, kỹ năng để chị em ứng phó, thích nghi với công việc ở thành phố nhằm nâng cao đời sống… là những giải pháp cần thiết.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Minh Hương, Trưởng ban Tuyên giáo, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng, hiện nay các hoạt động hỗ trợ chru yếu mang tính trước mắt, ngắn hạn. Điều cần nhất vẫn là một chính sách dài hơi để ổn định.

Đọc thêm