Miệng cười tươi đón khách đến gian hàng của mình tại Hội chợ xuân được tổ chức tại Sân vận động quân khu 7 (TP. HCM), anh Nguyễn Văn Quang (SN 1984, quê Quảng Trị) giới thiệu về cách bài trí từ cổng chào, phông trang trí chủ đạo, từng bình hoa và từng câu chữ, bài thơ đi kèm.
Anh Quang từng là thợ điện, đi theo các công trình nên không cố định. Đi nhiều nơi, anh nhận ra “làm việc quay cuồng để có tiền nhiều chưa phải là điều hạnh phúc của con người”. Người xưa từng chung sống bền vững với thiên nhiên, tạo ra biết bao nét văn hóa riêng biệt. Vậy mà thời hiện đại, con người cứ bất chấp, lao vào kiếm tiền mặc cho thiên nhiên bị tàn phá, môi trường bị ô nhiễm và sự tha hóa về văn hóa.
Một số chậu hoa lan trong gian hàng |
Hoa lan bắt nguồn từ rừng. Những cánh rừng nguyên sinh tạo ra vô vàn loài hoa lan khác nhau. Bởi thế, người thưởng thức hoa lan tức là quay về với thiên nhiên. Nhưng thưởng thức hoa lan không phải dễ, phải có quá trình tìm tòi, học hỏi và cảm nhận. Anh Quang phải tầm sư học đạo nhiều nơi, trong nhiều tháng liền mới biết cách trồng lan, chăm sóc cho lan ra hoa và am hiểu đặc tính từng loài hoa lan.
Hội Xuân năm nay, anh Quang tự thiết kế cho gian hàng hoa lan của mình một cách đặt biệt, thú vị; để người đến tham quan, mua hàng ấn tượng mà chiêm nghiệm những điều anh quan niệm.
Đầu tiên là cổng chào bằng tre, dù đơn giản nhưng anh cho rằng tượng trưng cho “hồn Việt”. Đất nước, con người Việt Nam gắn liền với cây tre từ ngàn đời qua. “Bạn ơi hãy hòa mình vào thiên nhiên và cảm nhận những điều kỳ diệu thiên nhiên ban tặng”, là dòng chữ viết theo dạng thư pháp tại cổng chào. Bên trên cổng chào là hình một chim Lạc màu vàng để nhắc mọi người về cội nguồn, tổ tiên, nòi giống “rồng tiên” người Việt.
Một hình ảnh khác xuất hiện tại gian hàng, là bức phông chủ đạo ở trung tâm gian hàng với hình ảnh chiếc trống đồng Đông Sơn. “Nhìn thấy trống đồng phải nghĩ ngay đến dân tộc Việt. Bao bọc là bông sen, là quốc hoa, vừa biểu tượng cho đạo Phật. Cả trống đồng và bông sen được nằm trên một lá bồ đề xanh tươi tượng trưng cho triết lý nhà Phật. Đạo Phật gắn liền với văn hóa và đưa dân tộc ta qua bao thăng trầm. Và cuối cùng là hình trái đất bị con người đã làm tổn thương, ô nhiễm quá nhiều. Đã đến lúc chúng ta phải sống hòa mình với thiên nhiên”, anh Quang chia sẻ.
Cổng chào gian hàng được thiết kế khá độc đáo |
Trong gian hàng năm nay, giống hoa lan Hồ Điệp, loài hoa tinh tế và trang nhã, xuất hiện nhiều. Mỗi giò lan được anh cho vào nhiều loại chậu khác nhau và gắn liền với từng bài kệ, bài thơ do chính anh sáng tác. Đó là chậu hình chuông với bài kệ “Chuông thiên nhiên”: “Tĩnh lặng lắng nghe. Tĩnh lặng lắng nghe. Tiếng chuông thiên nhiên ngân. Bạn đã tỉnh thức chưa”? Hoặc như bài thơ khác có tựa đề “Tình thế kỷ”: “Tay nâng cành hoa lan. Cho tình ta thắm tươi. Mãi như thuở ban đầu. Cho đất nước đi lên. Cho trái đất thêm xanh”.
Người đàn ông còn đi khắp từng lò gốm, sưu tầm được nhiều chậu đựng hoa lan hình chó, cá, thiên nga, hổ... Anh Quang nói: “Năm nay là Tết Mậu Tuất – năm con chó. Người Việt có câu "chó đến nhà thì sang". Nên tôi sưu tầm được 20 chậu có hình chó con. Vừa có hoa, vừa có chó, hi vọng mọi người sẽ thích. Trên mỗi chậu hoa đều gắn một câu đối, một bài thơ, một lời giãi bày về thiên nhiên. Mỗi chậu hoa là một tác phẩm. Mỗi chậu hoa đều hướng đến thiên nhiên hoặc cội nguồn văn hóa dân tộc”.
“Những gì tôi làm không nhằm mục đích kinh doanh thu lợi nhuận tối đa. Tôi muốn khách đến mua hoặc đến tham quan gian hàng sẽ cùng hiểu về tầm quan trọng của thiên nhiên, của văn hóa tổ tiên từ ngàn xưa để lại. Tôi mong muốn mọi người yêu thiên nhiên hơn, bớt đi lo toan, tính toán so đo với đời...”, anh Quang chia sẻ.