“Bất quá thì vô ăn cơm tù”
Những gương mặt vô hồn còn trẻ măng ngồi rít thuốc, nhả khói phì phèo nhưng nhất nhất nghe lời Trung “xì”. Thành giới thiệu tôi là “ghệ” của hắn với các thành viên trong nhóm, xin ra mắt “các anh” chai rượu chuối hột, gói thuốc để các anh nhậu chơi. Thành xầm xì với tôi: “Trung “xì” là cộm cán ở đây, nó không bao giờ nói chuyện với người lạ, trừ khi người đó có quan hệ thân thiết”.
Kéo tấm ván sần sùi dựng sẵn gần đó đặt xuống lề đường, Trung “xì” lầm lì nhìn tôi lướt qua, nó tỏ vẻ không quan tâm. Vừa loay hoay xê dịch tấm ván, nó hồ hởi nói với Thành: “Ông biết hồi chiều tới giờ tui nuốt trong bụng bao nhiêu thứ rồi không, sang sang thì “rờ mi”, rum, hết rum thì rượu đế, chuối hột làm tới, bây giờ thì lại chuối hột, nôn thốc nôn tháo rồi lại nốc vào”.
Nhìn thằng nhóc nằm co ro ngủ vất vưởng trên bậc thềm cạnh đó, hơi thở nó phả ra toàn mùi rượu ợ lên chua nồng, tôi hỏi: “Sao nó không về”? “Mẫu hậu” nó ra “gù” nó về mấy lần mà nó không chịu”. Một phụ nữ dáng phốp pháp, mặt đầy thịt ngồi tán gẫu với chúng tôi nói chêm vào: “Tụi nó đi bụi, đâu đứa nào thèm về”.
Trung “xì” có hoàn cảnh gia đình nghe mà lắc đầu: Mẹ buôn ma tuý, án tù 25 năm, cha thì đang sống chung với Trung, nhưng có cũng như không vì ông đi tối ngày, hai cha con hầu như chẳng bao giờ giáp mặt nhau. Hỏi, không định đi học một cái nghề kiếm tiền sao, Trung nói chả muốn học nghề gì, chắc đi học nghề “hai ngón”, còn không, kẹt tiền thì ra đường cướp giật. “Đủ tuổi vào trại Bố Lá rồi, bất quá vô ăn cơm tù chung với bà già, có sao đâu” - Trung nói đầy bất cần đời.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Cô đơn trong chính ngôi nhà của mình
Một trong những điều đưa đẩy nhiều đứa trẻ đi vào con đường lầm lạc, hư hỏng, trở thành tội phạm và mối hiểm nguy cho xã hội chính là chúng cô đơn trong chính ngôi nhà của mình, thiếu tình thương và sự giáo dục tử tế của cha mẹ. Nhóm của Trung có những đứa trẻ mới 12, 13 tuổi nhưng gương mặt đã già sạm sương gió, trái ngược với thân hình còi cọc thiếu đói. Những đứa trẻ đó đều vào đời từ rất sớm, từ những hoàn cảnh sống éo le như cha mẹ tù tội, cha mẹ bỏ nhau…
Nhà của chúng không phải là mái ấm có cha, có mẹ, có bữa cơm mà tiệm nét, quán nhậu hè đường mới là ngôi nhà thật sự. Lang thang kiếm ăn bằng đủ cách từ lao động đến phạm pháp, có chút tiền, chúng “ngồi đồng” ở tiệm nét, hết chơi game online rồi đến lướt các trang web bậy bạ, xem phim đen. Giờ chúng ngồi đây, còn non choẹt nhưng bắt chước các đàn anh, nâng ly rượu uống cạn một hơi rất sành sỏi, cố giấu cái nấc nhẹ vì hơi rượu nặng, gương mặt đỏ bừng lên sau ly rượu đầu tiên.
Trong cuộc trò chuyện, chúng nhắc tới một thành viên trong nhóm đang vắng mặt. Hình như là đứa có gia cảnh khá giả nhất trong nhóm, gia đình kinh doanh, nhưng cha mẹ ít quan tâm để ý nên bỏ nhà theo nhóm giang hồ này. Cậu nhóc mê một cô gái, trộm tiền của mẹ nuôi cô bồ này sống sung sướng, ai ngờ phát hiện ra cô bạn gái lấy số tiền đó nuôi một “cậu bồ” khác. Tức khí, cậu nhóc vác dao doạ chém cặp tình nhân kia. Chuyện đến tai bà mẹ, thế là cậu chàng bị nhốt luôn trong nhà, không được phép ra đường nữa.
Ở khu vực này có khá nhiều băng nhóm giang hồ nhí tồn tại chứ không chỉ có nhóm của Trung “xì”. Gần về sáng, ngoài đường, vài thanh niên trạc tuổi Trung “xì” đang vật vờ lượn trước cổng Nhà thờ Thủ Đức như mưu toan điều gì. Trung “xì” nói thẳng: “Thằng nào có bản lĩnh, thằng đó sống được”.
Cái “bản lĩnh”mà Trung “xì” định nghĩa là đủ gan làm liều, cướp bóc, chôm chỉa, biết chơi và hưởng thụ, sống không mục đích, không biết đến ngày mai ra sao. Trung “xì” kể, chuyện các băng nhóm giang hồ nhí chém nhau, dằn mặt vì giành miếng ăn, giành người yêu là chuyện rất bình thường, thậm chí đó là cách để các giang hồ nhí này chứng tỏ bản lĩnh của mình. Bản thân Trung cũng từng chém mấy tay giang hồ đàn anh sứt đầu mẻ trán.
Rất có thể sáng mai, một vài ngôi nhà quanh khu vực này, khi tỉnh dậy sẽ phát hiện ra mất mát những tài sản có giá trị trong nhà. Một người dân nào đó sẽ trở thành nạn nhân của bọn cướp giật “nhí”, và số tiền ít ỏi có được từ tài sản phạm tội, chúng nướng vào đỏ đen, tiệm net và ma tuý.
Gần sáng, tàn bữa rượu, lũ trẻ lục đục rút vào những góc đường, ghế đá công viên để đánh một giấc đến trưa mai rồi đi “kiếm ăn”. Những giấc ngủ mệt nhọc, khổ sở, nhiều khi đem đến cả bệnh tật vì cái lạnh của sương gió, của những cơn mưa Sài Gòn bất ngờ đổ xuống. Thế nhưng, khi hỏi sao không về nhà, đứa thì trả lời “có nhà đâu mà về”, đứa thì lắc đầu mím môi. Với chúng, chẳng thà lay lắt ngoài đường nhưng có bè có bạn còn hơn về đối diện với căn nhà đầy rẫy những bi kịch gia đình...