Người ta trao nhau những nụ hôn nồng cháy, mong ước một năm thuận buồm xuôi gió, nhưng có ai ngờ nó là khởi đầu cho một năm đại dịch hoành hành, suy thoái kinh tế và một cuộc chạy đua tìm vắc xin để khôi phục cuộc sống bình thường…
Cho đến lúc những tin tức đầy hy vọng về vaccine đã xuất hiện. Thế nhưng, trên khắp thế giới, khi không khí Noel 2020 đang cận kề, vẫn là những ám ảnh, những khoảng lặng khôn nguôi…
Nhiều nước châu Âu vẫn giãn cách xã hội dịp Giáng sinh
Năm 2020 đang dần khép lại, chỉ còn 10 ngày nữa, tiếng pháo hoa lại nổ rợp trời, thế giới lại bước sang một năm mới với nhiều hy vọng mới về những bước tiến mới, thay đổi mới và hy vọng đại dịch Covid-19 sớm bị đẩy lùi. Thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, xung đột, bạo động bao trùm nhiều nơi và biến 2020 trở thành một năm không thể nào quên trong những trang sử thế giới sau này.
Còn nhớ ngày 17/11/2019, một ngày bình thường như bao ngày khác, người dân trên khắp thế giới tất bật, nhộn nhịp với công việc hàng ngày và cũng bắt đầu có chút háo hức về kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và đón năm mới sắp đến. Các chuyên gia có tầm nhìn rộng hơn thì đưa ra dự báo về những gam màu lạc quan trong bức tranh triển vọng thế giới năm 2020, ấy là kinh tế phát triển, giảm đói nghèo, giảm thất nghiệp, đời sống nâng cao, xung đột bạo lực giảm bớt…
Không khí hân hoan là thế, chẳng ai bận tâm điều nhỏ nhặt ở một khu chợ hải sản thuộc một góc nhỏ xíu của tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) rộng lớn có một con virus lạ kỳ xuất hiện trên cơ thể của người đàn ông 55 tuổi. Có lẽ nó cũng chỉ là một loại virus gây cảm cúm thông thường như hàng trăm hàng nghìn loại virus khác, người ta nghĩ thế!
Nên chẳng có ai thèm đoái hoài hay bận tâm gì đến nó cũng như người đàn ông kia. Ở khu chợ buôn bán hải sản ấy, người buôn, kẻ bán vẫn cứ tấp nập như thường. Vào lúc 1h38 chiều ngày 31 tháng 12 năm 2019, một trang web của chính phủ Trung Quốc đã công bố phát hiện bệnh viêm phổi “không rõ nguyên nhân” tại khu vực xung quanh chợ bán buôn hải sản ở Vũ Hán.
Và rồi đêm hôm đó, 1/1/2020, pháo hoa vẫn nổ sáng bừng ở nhiều nơi trên khắp thế giới, mọi người vẫn mở champagne, vẫn trao nhau những cái ôm ấm áp chào mừng một năm mới lại đến. Không ai ngờ rằng, những tháng ngày sau đó bức tranh thế giới lại ảm đạm không ngờ.
Con virus quái ác được ví như “kẻ thù vô hình” khiến các hoạt động kinh tế, du lịch trên khắp thế giới “đóng băng”, buộc một nửa nhân loại phải ở yên trong nhà, hơn 58 triệu người nhiễm bệnh, trong đó có cả Tổng thống Mỹ, Thủ tướng Anh, Thái tử Anh, Phó tổng thống Iran, nhiều nhà chức trách cùng hàng loạt người nổi tiếng khác. Hơn 1,36 triệu người đã ra đi mãi mãi...
Và thế giới chưa có một ngày nào bình yên kể từ đó. Cuộc sống của tất cả mọi người đều đã bị đảo lộn bởi đại dịch Covid-19. Đơn cử, ngày 12/12, trong vòng 24 giờ, thế giới ghi nhận trên 609.000 ca bệnh Covid-19 và trên 11.700 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch đã vượt 65 triệu ca, trong đó trên 1,5 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ cao nhất thế giới là Mỹ, Brazilvà Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong vòng 24h ngày 12/12, Mỹ ghi nhận trên 170.000 ca mắc mới và 2.272 ca tử vong. Tính tới thời điểm đó, quốc gia này ghi nhận trên 282.000 ca tử vong. CDC đã khuyến cáo người dân không nên đi du lịch trong các kỳ nghỉ lễ dài sắp tới.
Trong khi đó, tại châu Âu, Anh là nước có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất châu Âu với trên 60.000 ca, dù số ca nhiễm tại nước này đứng thứ 4 khu vực. Trong ngày 3/12, Nga ghi nhận có thêm hơn 28.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, cao nhất từ trước tới nay, số ca tử vong trong 24 giờ là 554 ca.
Trước làn sóng dịch Covid-19 gia tăng, nhiều nước Châu Âu vẫn quyết định duy trì giãn cách xã hội đồng thời siết chặt thêm hạn chế trong dịp Giáng sinh và Năm mới.
Tại Châu Á, ngày 3/12 là ngày thứ tư liên tiếp Ấn Độ có số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại nước này dưới 40.000 ca. Hiện Ấn Độ vẫn là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao thứ 2 thế giới. Các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới Covid-19, song đã có dấu hiệu giảm. Các nước đang chủ động tăng cường các biện pháp chống dịch…
10.000 ngàn người lặng lẽ dõi theo chuyến bay không khứ hồi
Năm 2020, cũng là năm nhiều mất mát, đau thương và những ký ức mãi mãi ở lại về những người đã theo mây trắng về trời. Trong hơn một tháng tang thương của trận đại hồng thủy tại miền Trung, cùng một lúc là con số 13 rồi lớn hơn nữa là 22, những cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại ở miền Trung. Đó là tháng 10 có quá nhiều tin dữ, nhiều đau thương ập đến.
Người ta cầu nguyện, hy vọng phép màu nhưng không có phép màu nào xảy ra với những người cha, người anh, người con đã ra đi. Những chiếc mũ lẫn trong bùn lầy và tiếng gọi của đồng đội không lời hồi đáp. Một cuộc chia ly không được báo trước! Nhưng dẫu các anh không về nhưng mãi là những ngọn lửa không bao giờ lụi tàn…
Và đó cũng là một năm mất mát của nhiều nghệ sỹ, họ đều là những người không ai có thể thay thế, người đã viết nên cái tên của riêng mình theo những cách đặc biệt khác nhau. Họ là tuổi thơ, là ký ức, là hiện tại tươi xanh. Tài tử điện ảnh Chánh Tín, cô diễn viên nhỏ bé xinh đẹp đầy nghị lực Mai Phương, nghệ sĩ Chí Tài người từng mang đến nụ cười cho bao người, nhạc sĩ gạo cội Phó Đức Phương...
Chiều 30/11, Vlogger người Đức gốc Việt Karrma, cô gái khiến MXH khuấy đảo vì nguồn năng lượng tích cực, vì nụ cười cô mang tới cũng bị Covid-19 cướp đi sinh mạng.
Những năm gần đây, Brittanya Karma nổi tiếng trên mạng xã hội bởi sự hài hước và các video chia sẻ quan điểm rất thẳng thắn về cuộc sống. Cô truyền đi năng lượng tích cực cần phải yêu chính bản thân mình, sự tự tin là hành trang cần phải mang theo của mỗi người.
Cô từng nói: “Có một thứ mà người khác không thể lấy đi đó là sự tự tin”. Cô gái 9x sở hữu kênh YouTube riêng có hơn 200.000 lượt theo dõi và trang Facebook cá nhân lên đến 756.000 người follow.
Và gần đây nhất chuyến bay của sự vĩnh biệt, chuyến bay không vé khứ hồi, hành trình cuối cùng của Chí Tài, người nghệ sĩ mang đến nụ cười cho bao người, ở những ngày cuối năm, càng làm cho thương đau như trùng lại... Trên ứng dụng theo dõi chuyến bay quốc tế, máy bay chở linh cữu nghệ sĩ Chí Tài từ Seoul (Hàn Quốc) đến Los Angeles, có 10.000 người theo dõi. Đây là con số rất cao so với những chuyến bay bình thường.
Trên nhóm thảo luận của người dùng Flightradar24, tài khoản Facebook tên Mariano Sperzagni sống tại Mỹ đã đặt câu hỏi về lượt tìm kiếm cao bất thường của chuyến bay KE17. “Chuyến bay này có gì đặc biệt? Tại sao gần 10.000 người đang theo dõi chuyến này?”, Sperzagni thắc mắc.
Trong phần bình luận, nhiều tài khoản giải thích chuyến bay chở một nghệ sĩ đã qua đời tại Việt Nam. “Chuyến bay đang chở một danh hài huyền thoại của Việt Nam”, tài khoản Anh Kiet bình luận. Người dùng tên Ly cũng giải thích chuyến bay mang theo “tiếng cười và tuổi thơ” của biết bao người Việt.
Chiều 9/12, danh hài Chí Tài qua đời ở tuổi 62 sau cơn đột quỵ. Được sự ủy quyền từ gia đình, nghệ sĩ Hoài Linh và Việt Hương chủ trì lễ tang tại Việt Nam. Lễ viếng nghệ sĩ Chí Tài diễn ra từ 10h đến 17h ngày 12/12. Lễ di quan diễn ra vào khoảng 17h30 cùng ngày. Sau đó, linh cữu nghệ sĩ được di chuyển ra sân bay Tân Sơn Nhất để đưa sang Mỹ, quá cảnh tại Seoul.
Sau khi tiếp nhận linh cữu từ sân bay Los Angeles, nhà quàn đã đưa thi hài nghệ sĩ Chí Tài vào khu nội bộ để kiểm tra dịch tễ. Đến 15/12, ca sĩ Phương Loan (vợ danh hài) và ông Chí Thiện (anh trai) sẽ đại diện gia đình đến nhà quàn để nhận dạng thi thể. Lễ viếng nghệ sĩ Chí Tài diễn ra tại Công đoàn giáo xứ Thánh Linh, lễ an táng dự kiến diễn ra vào chiều ngày 19/12 (giờ địa phương).
Nghệ sĩ Chí Tài từng là một nhạc công, ca sĩ, danh hài. Tên tuổi ông gắn liền với bạn diễn Hoài Linh. Cặp đôi tạo nên thành công cho hàng loạt vở diễn: Ru lại câu hò, Con sáo sang sông… Sự ra đi đột ngột của Chí Tài đã khiến bao người bàng hoàng và thương xót. Nhìn hàng dài người hâm mộ đi theo đưa thi thể cố nghệ sĩ ra sân bay sang Mỹ, tiếng vỗ tay đưa tiễn, cái vẫy tay tạm biệt, những dòng cảm xúc chưa bao giờ có.
Sau lễ viếng kéo dài từ sáng sớm tới hơn 15h, nghệ sĩ tề tựu bên linh cữu Chí Tài, chuẩn bị những nghi thức cuối để tiễn biệt anh. Ca sĩ Tuấn Ngọc hát bài “Về đây nghe em” (cố nhạc sĩ Trần Quang Lộc sáng tác). Sau ca khúc “Về đây nghe em”, Tuấn Ngọc hát một bản thánh ca, với mong muốn đưa tiễn cố danh hài đến miền an lành…
Người ta bảo Chí Tài gần như là nghệ sĩ hiền lành bậc nhất showbiz, là người duy nhất không có anti-fan. Và nữa là câu chuyện tình của ông cùng ca sỹ Phương Loan luôn ngọt ngào suốt 40 năm qua, dù hai người mỗi người một công việc ở hai nửa bán cầu. Bởi Covid-19, nên đã gần nửa năm qua, Chí Tài đã không thể về nhà ở Mỹ. Bé Heo, người vợ tri kỷ của ông chia sẻ: Bởi ông yêu đời sống văn nghệ, và bởi Covid-19, nên ông đã về Việt Nam và thấm đẫm trong bầu không khí ấy…
Thế rồi, ông ra đi đột ngột, không báo trước, khi những vở diễn vẫn còn dang dở, khi tâm nguyện đón bé Heo (tên thân mật của ca sỹ Phương Loan) về Việt Nam sinh sống chưa kịp thực hiện…
Và như thế, những đau lòng, tiếc thương vô hạn, như mỗi chúng ta lặng lẽ nhìn theo chuyến bay mang theo hình ảnh một nghệ sỹ trở về nhà sau chuyến bay cuối cùng… Như chúng ta vẫn lặng lẽ thấy ông, thấy cô gái 9x Brittanya Karma trên các kênh Youtube, đầy hài hước và năng lượng… Như họ vẫn ở đó, trong cuộc sống này, giữa muôn trùng tiếc nhớ…
Giáng sinh năm 2020, sẽ là một Giáng sinh như thế, với những vẻ đẹp, những khoảng lặng sẽ theo mỗi con người mãi về sau này. Để mỗi chúng ta biết trân quý hơn, từng phút giây của cuộc sống…