Hơn nửa cuộc đời gắn bó với công tác trại giam, bên cạnh việc quản lý, giáo dục hàng ngàn phạm nhân lầm lỡ tìm về nẻo thiện thì nỗi trăn trở lớn của Đại tá Hồ Phi Thắng - Giám thị trại giam Xuân Lộc (Bộ Công an) chính là giảm bớt nỗi đau về thể xác và tinh thần cho những phạm nhân đang mang trong mình “căn bệnh thế kỷ”.
Bắt đầu từ tâm
Hiện tại, trại giam Xuân Lộc có hơn 300 phạm nhân nhiễm HIV/AIDS. Hàng ngày chứng kiến những phạm nhân của mình, những con người bằng xương bằng thịt mong mạnh giữa sự sống và cái chết khiến những người quản lý ở đây không khỏi trăn trở.
Phạm nhân đang được chăm sóc y tế ở trại giam Xuân Lộc |
Thế nhưng, cơ sở khám chữa bệnh của trại còn quá sơ sài, điều kiện vật chất còn khó khăn nên việc chăm sóc cho những bệnh nhân còn hạn chế. Thực tế đó khiến cho Đại tá Hồ Phi Thắng nhiều đêm dài mất ngủ là làm thế nào để tiếp cận được với nguồn thuốc để điều trị cho những bệnh nhân này quả là điều không dễ.
Trung tá bác sĩ Đinh Trọng Lý người đã có nhiều năm gắn bó với những bệnh nhân này cho biết: “Trong bao nhiêu năm công tác ở đây, chứng kiến rất nhiều cái chết đau lòng của những phạm nhân mang trong mình căn bệnh thế kỷ khiến tôi không khỏi trăn trở. Dù phạm nhân là những người từng gây ra tội ác nhưng họ vẫn là những con người bằng xương bằng thịt. Với chúng tôi họ là những bệnh nhân luôn khát khao sự sống”.
Trăn trở là vậy nhưng để tiếp cận với nguồn thuốc ARV (thuốc kháng virut, ức chế sự phát triển của virut trong máu ở mức độ thấp nhất) quả là điều không hề dễ đối với những người làm công tác quản lý của trại giam. Thực tế, ngay ở bên ngoài xã hội thì số thuốc này vẫn chỉ đáp ứng được 30 % so với nhu cầu người bệnh.
Trong suốt 3 tháng liên hệ, làm việc khẩn trương với các cơ quan y tế, trại giam Xuân Lộc đã nhận được sự đồng ý hợp tác củaTrung tâm phóng chống HIV/AIDS tỉnh Đồng Nai.
Ngay sau đó hai bên đã tiến hành tư vấn, xét nghiệm và xây dựng kế hoạch điều trị HIV/AIDS cho phạm nhân bằng thuốc ARV. Tiếp cận với một phương pháp điều trị hiện đại nhưng vấn đề cần thiết là phải có một đội ngũ cán bộ y tế đủ trình độ, năng lực. Vậy là, một đội ngũ y bác sĩ được cử đi tập huấn chuyên sâu và sẵn sàng bắt tay vào nhiệm vụ.
Cuộc tuyên chiến với căn bệnh hiểm nghèo
Tiếp cận được nguồn thuốc, có đội ngũ y bác sỹ được huấn luyện chuyên sâu, ban giám thị đầy nhiệt huyết nhưng cuộc “chiến đấu” không hề dễ dàng với họ. Phó giám thị trại giam Phan Hồng Lam cho biết:
“Khi những người mang trong mình căn bệnh HIV/AIDS đã vào tới trại giam là họ mang tâm lý bất cần. Có những người bệnh suy nghĩ rằng “đằng nào cũng chết” nên việc để phạm nhân hợp tác điều trị không phải dễ dàng. Không chỉ bất hợp tác mà đôi khi phạm nhân còn mang tâm lý thách thức khiến cho công tác điều trị gặp không ít khó khăn. Trước mọi việc như vậy, sợ một số cán bộ của mình nản lòng nên Ban giám thị đã họp khẩn cấp để tiến hành phân tích tâm lý bệnh nhân, động viên tinh thần cán bộ”.
Nói về những tháng ngày công tác, bác sĩ Đinh Trọng Lý không dấu được niềm vui kể: Có lần, người bệnh vốn là một người có “số má” ở ngoài đời nhưng đến khi vào trại chẳng có lấy một “đàn em” thăm hỏi vì ai cũng biết cuộc sống của anh ta chẳng kéo dài được mấy.
Mang tâm lý đó nên khi các bác sĩ tiến hành chữa trị thì anh ta không những không chịu hợp tác mà chỉ tìm mọi sơ hở nhằm trốn trại. Sau này, khi hiểu ra được cái tâm của những người quản lý anh ta mới tâm sự rằng: “Nghĩ rằng đằng nào cũng chết nên phải ra ngoài chết chứ nhất định không thể chết trong tù được”.
Hết thời gian ở trong tù, ngày trở về “bệnh nhân” này đã khóc mà nói rằng: “Chính những người thầy áo xanh, những bác sĩ áo xanh đã “tái sinh” ra anh ấy lần nữa”.
Một trong những phạm nhân “cứng đầu” nhất có lẽ phải nói đến trường hợp của N.V.A. Gặp trong trại giam, A rưng rưng nước mắt chia sẻ: “Ban đầu, phát hiện mình bị bệnh tôi suy sụp lắm. Tôi trơ lì trước những sự đồng cảm, chia sẻ của các “ban” (lãnh đạo trại-PV). Thế nhưng, các “ban” vẫn cứ động viên thăm hỏi tôi. Có lần, đích thân “ban” Thắng (Giám thị trại-PV) ngồi hỏi han từ chuyện gia đình, bố mẹ, những sai lầm ở ngoài đời…
Thú thật, trong cuộc đời tôi chưa từng được ai quan tâm đến mình như vậy. Sau lần đó, tôi quyết tâm tuân thủ theo đúng lịch trình của bác sĩ đề ra. Mặc dù có bệnh nhưng sau 6 tháng điều trị, tôi lên được 2 cân so với ngày trước. Chẳng thể nào tin được, mình lại có thể sống khỏe mạnh như hôm nay”.
Câu chuyện chữa trị cho những phạm nhân mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” cứ kéo dài mãi. Đại tá Hồ Phi Thắng trầm ngâm như một nhà hiền triết, ông nói: “Có hạnh phúc nào hơn là đem đến cho người khác sự sống để mỗi khi mặt trời thức giấc, những phạm nhân bất hạnh có thể cảm nhận được giá trị của những phút giây ý nghĩa của cuộc đời.
Mỗi giây phút con người được sống trên cõi đời đều đáng trân trọng dù họ từng là ai đi nữa. Có những con người, điều làm nên sự sống của họ không chỉ là nhờ thuốc mà chính những tình cảm của con người với con người lại là nguồn sống cho họ”.
Uyên Thu