Giáo dục về gia đình từ những điều nhỏ nhất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Một đứa con ngoan, trở thành công dân tốt trong xã hội là mơ ước của nhiều bậc cha mẹ và mục tiêu hướng tới của các gia đình. Để đạt được mục tiêu này cần phải có một hành trình nhận thức và hành động phối hợp từ gia đình đến nhà trường...
Quỳnh Thư chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình và cô giáo chủ nhiệm.
Quỳnh Thư chụp ảnh kỷ niệm cùng gia đình và cô giáo chủ nhiệm.

Hai câu chuyện, hai thái cực

Ngày 27/2 vừa qua, tại Liên hoan phim toàn quốc về an toàn giao thông năm 2021, bé gái học sinh lớp ba Mai Quỳnh Thư đã được trao giải ba thể loại clip ngắn và trở thành người nhỏ tuổi nhất được trao giải.

Quỳnh Thư cho biết khi làm sản phẩm dự thi clip “Chúng em với an toàn giao thông”, em đã được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của bố mẹ, chị gái và nhận được sự động viên khích lệ của cô giáo chủ nhiệm. Thế nên, giải thưởng lần này không chỉ là niềm vui của gia đình bé Mai Quỳnh Thư mà còn là niềm tự hào lớn của ngôi trường nơi em theo học.

Thời gian vừa qua, cả nước xảy ra dồn dập những vụ án chấn động xảy ra trong gia đình như vụ bé gái 8 tuổi bị bạn gái của bố đẻ đánh đập dẫn đến tử vong; bé gái 3 tuổi bị bạn trai của mẹ đẻ bạo hành dã man từ ép uống thuốc trừ sâu, nuốt ốc vít, đến đóng đinh vào đầu; cô con gái 21 tuổi mua chất độc xyanua về đầu độc bố rồi phi tang xác, tạo hiện trường giả… Câu hỏi đặt ra từ những vụ án này là phải chăng nhân tính của con những người đang có vấn đề? trong môi trường gia đình và nhà trường họ đã từng được dạy những gì về đạo đức, về tình yêu thương để đến nỗi phải thiếu hụt nhân tính đến vậy?

Trong một lần trao đổi với truyền thông, cô giáo Ngô Thị Tâm, Tổ trưởng tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân (GDCD) một trường THPT ở Thái Bình bày tỏ, nhiều phụ huynh quan niệm đạo đức của con người là cái có sẵn, nên không cần học. Nhưng thực tế, con người ai cũng phải học, phải rèn giũa mới hình thành được một nhân cách đẹp. Khi xảy ra liên tục các vụ án bạo hành như vừa qua, mọi người đều nói là đạo đức xuống cấp. Tuy nhiên, khi cho con cái đi học, bản thân các phụ huynh lại không xem trọng môn GDCD. Đây là môn học có vai trò quan trọng giúp hình thành đạo đức, nhân cách các công dân tương lai nhưng đa số phụ huynh xem nhẹ môn học này.

Qua hai câu chuyện nêu trên có thể thấy, vai trò của gia đình và nhà trường rất quan trọng trong việc giáo dục nhân cách con người, để từ đó có được những công dân tốt cho xã hội. Bé Mai Quỳnh Thư nhận được sự hỗ trợ của gia đình và cô giáo chủ nhiệm khi làm clip dự thi về an toàn giao thông. Bên cạnh giải thưởng, điều lớn lao hơn cả mà cô bé nhận được chính là thông điệp sống vì mọi người, tuân thủ pháp luật mà gia đình và cô giáo đã chuyển tải đến em.

Giáo dục về nhân cách không cần những vấn đề quá to tát

Cấp THCS và THPT, môn GDCD dạy học sinh về đạo đức, kỹ năng sống, một số vấn đề về kinh tế tiêu dùng, quyền và nghĩa vụ của công dân trong gia đình, lao động… nhằm hình thành thế giới quan nhân sinh quan, tình cảm, củng cố niềm tin về đạo đức và phẩm giá con người giữa cá nhân với cá nhân, cá nhân với cộng đồng xã hội và tình yêu đôi lứa, trang bị những kiến thức pháp luật cơ bản để các em trở thành một công dân có ích, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật…

Như vậy, môn GDCD không có lỗi, mà lỗi chính ở người thực hiện khi học sinh không muốn học, không xem trọng dẫn đến giáo viên không muốn dạy cho tử tế; hoặc nhiều giáo viên đang nặng về kiến thức, muốn học sinh phải có đủ điểm số, nộp bài cho đủ nhưng không quan tâm xem học sinh đó sống ra sao, học hành thế nào. Trong khi đó, để môn GDCD ngấm vào tư tưởng của học sinh thì giáo viên phải tạo điều kiện để học sinh nói lên suy nghĩ của mình…

Trước ý kiến cho rằng, hiện nay chương trình GDCD trong nhà trường còn thiếu những câu chuyện về tình cảm gia đình, tình yêu thương con người… dẫn đến xảy ra những vụ án đau lòng kể trên, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng, nguyên nhân này chỉ là một phần nhỏ. Giáo dục về gia đình không cần những vấn đề quá to tát mà hãy dạy cho các em từ những vấn đề nhỏ nhất. Ví dụ như Tết Nguyên đán dạy cho các em kỹ năng chuẩn bị một bữa ăn để tạo ra không khí, kết nối tình cảm giữa các thành viên trong nhà.

Ngoài ra, TS. Lâm nhấn mạnh, muốn giáo dục về tình cảm gia đình thì không chỉ đòi hỏi ở nhà trường mà phải xuất phát gốc rễ từ phía các gia đình, từng tổ chức dân cư, từng cơ quan tập thể.

Từ góc độ của gia đình, cha mẹ có vai trò rất quan trọng để hình thành nhân cách cho con trẻ. Cha mẹ giáo dục con cái không thể chỉ bằng lời nói mà phải bằng những công việc cụ thể, mọi hành vi, thái độ, lối sống. Trẻ em sẽ không tôn trọng người lớn nếu chúng thấy cha mẹ mình thể hiện sự thiếu tôn trọng, sống gian dối, thiếu thật thà, đối xử với nhau bằng lời nói, cử chỉ, hành động thiếu văn hóa… Đây cũng chính là mục đích hướng tới của Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH,TT&DL ban hành đầu năm nay.

Nhìn lại hai năm thí điểm Bộ tiêu chí có thể thấy, những nội dung trong Bộ tiêu chí không có gì là xa lạ, mà đó là sự kế thừa những truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã để lại từ ngàn đời, đó là kính trên, nhường dưới, con cháu hiếu thảo với ông bà, cha mẹ... Việc tuyên truyền, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình đã tác động tới hành vi và nhận thức của nhiều gia đình, mang lại hiệu quả rõ rệt, điều tiết các mối quan hệ trong mỗi gia đình.

Đọc thêm