Giáo sư Ngô Bảo Châu "gánh" phiền toái vì bị mạo facebook

(PLO) - Lại một lần nữa, câu chuyện mạo danh facebook người nổi tiếng "nóng" lên trước sự bức xúc của Giáo sư Ngô Bảo Châu.
Hàng chục trang facebook lấy tên và ảnh đại diện của Giáo sư Ngô Bảo Châu khiến cư dân mạng hoang mang không biết đâu là thật, giả
Hàng chục trang facebook lấy tên và ảnh đại diện của Giáo sư Ngô Bảo Châu khiến cư dân mạng hoang mang không biết đâu là thật, giả 
Thời gian gần đây, vị giáo sư đã phải gánh chịu nhiều phiền toái từ những kẻ mạo danh mình trên facebook mang đến. Ông đã bị hiểu lầm, bị một số người “trách oan” bởi những gì kẻ giả mạo đăng tải. 
Theo GS. Ngô Bảo Châu, mạo danh ông, các facebook này đã có những phát ngôn gây hoang mang, công kích cá nhân người này, người khác, phát biểu vô tội vạ, thậm chí cả… sáng tác thơ và sử dụng tiếng Anh – Việt lẫn lộn. 
Giáo sư khẳng định những trang này hoàn toàn không phải của ông, cũng như chuyện ông xưng danh “Giáo sư Ngô Bảo Châu” trên facebook là điều không bao giờ xảy ra, vì ông chỉ sử dụng chức danh của mình trong các email công việc. 
Không chỉ GS. Ngô Bảo Châu mà hầu hết những người nổi tiếng đều từng rơi vào tình trạng bị mạo danh facebook như trên, mà nhiều nhất là giới nghệ sĩ. Có nghệ sĩ cho biết, anh không thích tham gia facebook và cũng chưa từng lập facebook cá nhân, thế nhưng có lần fan báo cho anh biết có một facebook giả lấy tên anh, dạo này thường xuyên than thở về chuyện… thất tình và ế show, làm mất danh dự của anh. 
Những cái tên hot như Hồ Ngọc Hà, Mỹ Tâm, Hoài Linh… có thể tìm ra hàng chục đến vài chục trang giả mạo. Đến mức, khi người hâm mộ muốn tìm kiếm trang facebook chính thức của thần tượng mình để giao lưu cũng đâm hoang mang không biết đâu là thật, đâu là giả.
Facebook lập ra để “ăn theo” sự việc đình đám là những trường hợp đang tồn tại nhan nhản. Còn nhớ, khi “Bà Tưng” Lê Thị Huyền Anh gây sốt, lập tức rất nhiều trang mang tên cô gái này được lập ra. Hiện nay, khoảng 3 trang facebook mang tên Lê Thị Huyền Anh đồng thời hoạt động, trong đó có một trang giả mạo đã rất thành công trong hoạt động kinh doanh mỹ phẩm. Gần đây nhất, khi vụ thảm sát ở Bình Phước tìm ra nghi phạm, ngay lập tức cả chục trang cá nhân mang tên Nguyễn Hải Dương được lập để tung ra những tin đồn nhảm gây hoang mang dư luận.
Điều 12 Luật Công nghệ thông tin có quy định nghiêm cấm dùng công nghệ để xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức; danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; đồng thời các hành vi này còn được quy định trong Bộ luật Hình sự. 
Theo đó, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về công nghệ thông tin thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Như vậy, đối tượng có hành vi lập facebook giả tùy theo mức độ mà có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường nếu gây thiệt hại.
Luật đã quy định là vậy nhưng trên thực tế, khó phát huy hiệu quả ngăn chặn hoặc chế tài các hành vi nói trên. Lý do là, hiện cơ chế hoạt động của mạng facebook và các trang mạng xã hội nói chung chưa có sự kiểm soát chặt chẽ trong việc khai báo thông tin cá nhân đăng kí tên tuổi, thế nên việc một người lập nhiều trang cá nhận, lập trùng tên với người khác không có gì khó, chỉ cần vài thao tác đơn giản. 
Ngược lại với việc lập trang quá dễ thì xử lý những kẻ “gây rối” trên mạng ảo lại quá khó khăn. Với những kẻ ẩn danh, muốn tìm ra không phải đơn giản. Thêm vào đó, việc phát ngôn lung tung, gây rối đôi khi chưa nặng đến mức khiến nạn nhân phải bỏ công sức để tố cáo và theo sự việc đến cùng. 
Thế nên cho đến nay, việc xử lý vấn đề mạo danh trang facebook cá nhân, xuyên tạc, xúc phạm hay trục lợi kinh doanh vẫn là một câu chuyện nan giải chưa có cách giải quyết rốt ráo. Tham gia vào thế giới ảo này, người ta đành phải tự tìm cách bảo vệ mình, chứ chờ đến cơ quan quản lý hay các chế tài pháp luật thì “được vạ, má đã sưng”.

Đọc thêm