[links()] Mùa thi đại học đã bắt đầu, nhìn vào Quy chế tuyển sinh năm nay, các thí sinh thi khối T (khối năng khiếu thể dục thể thao) không tránh khỏi suy tư về những kẽ hở cho tiêu cực phát sinh đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục.
|
Một trong những phần thi năng khiếu vào Trường TDTT Bắc Ninh mùa tuyển sinh 2011-2012. Hình ảnh do phóng viên Báo PLVN ghi trong trường thi. |
Có lỗ hổng này là do quy trình tổ chức thi. Tháng 8/2011, Báo PLVN đã đăng loạt bài “Thâm nhập hang ổ chạy đại học” phản ánh tình trạng tiêu cực trong tuyển sinh đầu vào tại Trường Đại học Thể dục Thể thao (ĐHTDTT) Bắc Ninh (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Nhờ các “cò” chạy trường, phóng viên đã dễ dàng làm quen với không ít cựu sinh viên hoặc cán bộ, giảng viên của trường này.
Trong vai thí sinh dự thi khối T vào ngành Quần vợt, phóng viên đã khái quát được cách bố trí nhân sự trong kỳ thi tuyển sinh vào Trường ĐHTDTT Bắc Ninh như sau: Công tác coi thi môn văn hóa, coi và chấm thi môn năng khiếu đều do cán bộ, giảng biên của nhà trường đảm nhận.
Tìm hiểu ở các trường có tổ chức thi tuyển sinh khối T khác, chúng tôi cũng ghi nhận “mô hình” tương tự trong cách bố trí nhân sự để tổ chức kỳ thi. Việc “trâu ta trông cỏ đồng ta” khiến kỳ thi chưa diễn ra nhưng tên tuổi của những người có thể tác động trực tiếp đến kết quả thi (coi thi, chấm thi, ra đề thi) đã được “định vị” và bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu được. Từ kẽ hở này, “cò” chạy trường có thể chọn ra những “mắt xích” dễ thao túng nhất để tác động vào kết quả thi của thí sinh.
Nhận diện kẽ hở này để thấy rằng, trước mắt cần có giải pháp tráo đổi cán bộ coi, chấm thi giữa các trường trong khối T để đảm bảo tính khách quan, sự trung thực trong thi cử.
Thi năng khiếu: “Om” điểm và loại trừ quyền phúc khảo
Kẽ hở thứ hai là việc Hội đồng tuyển sinh không thể chấm phúc khảo bài thi môn năng khiếu của thí sinh. Thí sinh thực hiện phần thi năng khiếu xong, không thể biết ngay điểm số của mình mà phải chờ đến ngày công bố điểm thi.
Nhưng khi biết điểm thi, thí sinh muốn khiếu nại, muốn được phúc khảo điểm thì cũng không có căn cứ vì thi văn hóa còn có bài thi lưu lại, còn thi năng khiếu thì trường thi không hề bố trí camera ghi lại kết quả thi của thí sinh. Việc “om” điểm thi năng khiếu và loại trừ quyền phúc khảo của thí sinh khiến điểm thi trở thành một thứ có thể “đổi trắng thay đen”.
Kẽ hở này không chỉ có ở Trường ĐHTDTT Bắc Ninh mà tồn tại phổ biến ở hầu hết các trường tổ chức tuyển sinh có môn thi năng khiếu. Trao đổi với PLVN, ông Phạm Ngọc Trúc - Phó Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo - thừa nhận: “Về các môn thi năng khiếu, rất tiếc là trong Quy chế tuyển sinh hiện hành không cho phép thí sinh có quyền phúc khảo.
Đây là một bất cập nên khi đi thanh tra tại các trường tổ chức thi năng khiếu, chúng tôi luôn nhắc nhở các trường cần có các biện pháp để tổ chức thi cho tốt, tránh khiếu nại, tố cáo về sau. Ví dụ như chúng tôi tư vấn, khuyến khích các trường bố trí các lực lượng thanh tra thi, coi thi, chấm thi độc lập với nhau, giám sát lẫn nhau. Sau đó, đối chiếu lại kết quả thi của các thí sinh mà các bộ phận trên ghi được thì sẽ biết được kết quả chấm thi có trung thực hay không”.
Cùng suy tư về vấn đề này, phóng viên đặt vấn đề: Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không áp dụng một số giải pháp khoa học kỹ thuật mang tính khách quan cao như sử dụng camera ghi lại phần thi năng khiếu của thí sinh, hoặc biện pháp “thủ công” hơn như công bố thành tích ngay sau mỗi phần thi năng khiếu của từng thí sinh (thay vì “ngâm” kết quả rồi công bố điểm sau đó nhiều ngày)...
Đáp lại, ông Phạm Ngọc Trúc cho hay: Hiện đã có những văn bản “mềm” hướng dẫn các trường áp dụng các biện pháp giám sát kiểu như thế này. Tuy nhiên, đó không phải là những quy định bắt buộc các trường phải thực hiện?!
“Trắng” thanh tra cấp trên
Công tác thanh tra các kỳ thi khối T cũng là một vấn đề nổi cộm. Một cán bộ thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch xác nhận với phóng viên: “Đã 4 năm nay, Thanh tra Bộ (tức Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) không về thanh tra trong các kỳ thi tuyển sinh tại Trường ĐHTDTT Bắc Ninh. Chúng tôi nghĩ đã có Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo về”.
Tuy nhiên, đại diện cho Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo là ông Phạm Ngọc Trúc cũng chia sẻ... điều tương tự, khi nói: “Về nguyên tắc, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo được quyền về thanh tra tại Trường ĐHTDTT Bắc Ninh. Nhưng chúng tôi cứ nghĩ là bên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng cử đoàn thanh tra về trong các kỳ thi tại đây, nên...”.
Thông tin thêm về vụ “chạy trường” tại Đại học TDTT Bắc Ninh
Tiến trình điều tra vụ án “chạy trường” tại ĐHTDTT Bắc Ninh do phóng viên Báo PLVN phối hợp cùng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thái Bình đã kết thúc khi mới đây Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ban hành Kết luận điều tra về vụ án này. Theo đó, có hai nguyên cán bộ, giảng viên bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Làm môi giới hối lộ” và “Lợi dụng ảnh hưởng để trục lợi”, bao gồm Mai Văn Thuyên - nguyên cán bộ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình - và Lưu Quốc Hưng - nguyên giảng viên Trường ĐH TDTT Bắc Ninh.
Trong một diễn biến khác, sau khi tiếp nhận thông tin của phóng viên về dấu hiệu “chạy trường” của 5 thí sinh thi vào Trường ĐHTDTT Bắc Ninh, cơ quan điều tra đã yêu cầu Hội đồng thi tổ chức phúc khảo điểm thi văn hóa của những người này. Kết quả phúc khảo thể hiện, điểm thi môn Toán của 5 thí sinh này đều có dấu hiệu nâng điểm khi điểm chấm lại thấp hơn điểm chấm lần đầu từ 0,25 đến 1,25 điểm. Đáng chú ý là các thí sinh này đều có tên trong danh sách trúng tuyển vào Trường ĐH TDTT Bắc Ninh với điểm số rất cao.
|
Bùi Thọ Phước