Giấu nước mắt tất bật mưu sinh cổng viện nuôi người nằm bệnh

Tranh thủ những lúc không phải chăm bệnh nhân các chị lại tất bật với thúng bánh mỳ, quẩy bánh tét hay nồi trứng vịt lộn, mưu sinh ngay tại bệnh viện để kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải viện phí cho thân nhân của mình.

[links()]Tranh thủ những lúc không phải chăm bệnh nhân các chị lại tất bật với thúng bánh mỳ, quẩy bánh tét hay nồi trứng vịt lộn, mưu sinh ngay tại bệnh viện để kiếm thêm đồng ra đồng vào trang trải viện phí cho thân nhân của mình.

Mưu sinh bất đắc dĩ

Bệnh viện ngày càng quá tải do số lượng bệnh nhân tăng vọt, các ca hiểm nghèo theo đó cũng gia tăng. Nhiều bệnh nhân bị K (ung thư) hay chạy thận, hoặc những bệnh nhân phải điều trị dài ngày tại bệnh viện thì vấn đề nơi ăn chốn ở và phí tổn cho việc điều trị là nỗi lo lớn. Nỗi lo đó không những đến với người bệnh mà còn nặng gánh lên cả những người thân ngày đêm túc trực chăm nom.

Trước cổng các bệnh viện lớn tại Hà Nội dễ dàng thấy nhiều phụ nữ tay thúng tay mẹt. Một số là những chị em “thường trú” để mưu sinh, nhưng không ít người là người nhà bệnh nhân, do hoàn cảnh khó khăn, họ bất đắc dĩ tranh thủ kiếm thêm đồng ra đồng vào.

"Một ngày ở đây tiêu như một tuần ở nhà em ạ", tay bê thúng bánh mỳ quá đầu, chị Lưu quê Ý Yên, Nam Định, đang chăm người nhà điều trị tại bệnh viện K, bộc bạch. "Nào tiền viện phí, tiền ăn, tiền thuốc…, mỗi ngày hết vài trăm như chơi. Kinh tế gia đình khó khăn trong khi chi phí điều trị lại cao nên chị và một số chị khác cùng cảnh tranh thủ kiếm thêm".

Một góc mưu sinh trước cổng bệnh viện K
Một góc mưu sinh trước cổng bệnh viện K

Người bán báo, người bán bánh mỳ, người bán trứng vịt lộn, người bán xôi..., mỗi người một việc nhưng các chị đều có một điểm chung: luôn canh cánh bên lòng nỗi niềm lo lắng về người thân đang chống chọi với bệnh tật, với sự sống và cái chết ở phía trong cổng viện, về những khoản phí phải chi trong ngày và những ngày tiếp theo...

Mỗi ngày bán bánh mỳ bình quân chị Lưu lãi khoảng 50.000 đồng. Chị cho biết, nhiều chị chọn bán bánh mỳ để nếu có ế thì còn mang về ăn thay cơm và ăn không ngán như những loại hàng hoá khác.

Chị Thu ở Hà Nam thì lại chọn đi bán báo, vừa nhẹ nhàng, cơ động, lại ít vốn, những lúc không có khách lại ngồi đọc báo để có thêm thông tin thêm kiến thức.

Bán buôn vỉa hè không dễ dàng, vì cổng viện vốn đông người ra vào, công an, bảo vệ liên tục "hỏi thăm". "Mỗi khi có an ninh trật tự là các chị chạy tán loạn để trốn. Hôm trước chị Tâm cùng quê với chị vì không chạy kịp bị thu mất bộ đồ nghề bán xôi rõ là tội", chị Thu kể. "Các chị đều biết buôn bán ở khu vực này là vi phạm quy định của viện, của thành phố. Nhưng khổ lắm, không làm gì ra tiền thì đầu óc không yên được, vì người nhà của các chị đang nằm trong viện mà gia đình ở quê kinh tế khó khăn".

Người đi trước mách người đi sau, bệnh nhân này điều trị hết đợt bệnh nhân khác "thế chỗ", người nhà bệnh nhân này về, người nhà bệnh nhân khác vào... Lực lượng bán "quà vặt" trước cổng bệnh viện lớn ở Hà Nội vì thế khá ổn định.

Nuốt nước mắt vào trong

Ngoài cổng viện các chị là những phụ nữ tảo tần, buôn thúng bán bưng để trang trải cho cuộc sống còn trong cổng viện, các chị chu toàn từng bát cháo, miếng cam, là nguồn động viên cho người thân lạc quan "chiến đấu" với bệnh tật.

Chị Lưu chăm chị gái đang xạ trị tại bệnh viện K, dù bên ngoài rất lạc quan nhưng khi nói chuyện, ánh mắt chị vẫn váng vất buồn, vì chị nghĩ, tất cả những việc chị và gia đình chị làm chỉ là hành động níu kéo “còn nước còn tát”...

Thấp thỏm chờ thông tin người thân.
Thấp thỏm chờ thông tin người thân.

Chị Lưu thổ lộ, đã không ít lần chị phải quay mặt lau vội những giọt nước mắt khi chứng kiến người thân vật vã trong những cơn đau. "Khổ tâm lắm em ạ, ước gì lúc đó chị được chia nỗi đau với chị ấy", chị Lưu nghẹn ngào nói.

Nhiều chị phải khăn gói về quê trong nước mắt khi nhận kết quả bệnh người thân vô phương cứu chữa. Cách đây ít ngày, chị Thanh người Thanh Hoá trao thúng bánh mỳ của mình cho người khác khi người nhà của chị bất ngờ bị đột qụy trong quá trình điều trị tại bệnh viện Bạch Mai, từ đó không còn ai thấy chị sáng sáng bê thúng bánh mỳ mời khách mua nữa.

Người về kẻ ở tất cả đều do bệnh nhân quyết định. Bệnh viện K hay Bạch Mai, Việt Đức…, ngày nào cũng có thể gặp không ít ánh mắt buồn thăm thẳm, dáng đi xiêu vẹo hay những giọt nước mắt lăn nhanh... Bác sỹ Oanh, công tác tại bệnh viện Bạch Mai, tâm sự: “Tôi đã không ít lần chứng kiến những cạnh tượng đau lòng đó, có những trường hợp không ngăn được nước mắt nhưng dù là bác sỹ thì khả năng chúng tôi cũng có giới hạn nên chỉ biết cảm thông sâu sắc với nỗi đau của người bệnh và thân nhân mà thôi".

Nhìn dáng chị Lưu xiêu vẹo trong ánh nắng chiều, người viết biết rằng trên vai người phụ này và những người phụ nữ đồng cảnh ngộ vẫn nặng gánh mưu sinh bất đắc dĩ và thượng trực nỗi buồn lo, thậm chí nỗi buồn còn tăng theo ngày...

Thái Sơn

Đọc thêm