“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”
Hàng năm, cứ vào ngày 10/03 âm lịch, người dân khắp ba miền Bắc – Trung - Nam cũng như các kiều bào ở nước ngoài đều nhớ về cội nguồn, thể hiện sự thành kính. Các hoạt động văn hóa cũng được diễn ra với quy mô lớn, không khí trang nghiêm và thể hiện rõ đạo lý uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây của dân tộc Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương gắn liền truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân. Âu Cơ là con gái của nhà vua Đế Lai ở động Lăng Xương, nay thuộc huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Nàng lấy Lạc Long Quân và sinh ra 100 trứng, nở ra 100 người con.
Năm mươi người theo mẹ lên núi, 50 người cùng cha xuống biển. Hùng Vương là cách gọi các vị vua nước Văn Lang của người Lạc Việt. Hùng Vương thứ I là con trai Lạc Long Quân, lên ngôi năm 2879 trước công nguyên, đặt quốc hiệu là Văn Lang, chia nước làm 15 bộ.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tính từ thời Kinh Dương Vương (2879 TCN) cho đến hết thời Hùng Vương (năm 258 TCN) kéo dài 2.622 năm. Nhà nước Văn Lang đóng đô ở Phong Châu tồn tại đến năm 258 TCN thì bị Thục Phán (tức An Dương Vương) thôn tính.
Theo các nhà sử học, Phong Châu nằm ở khu Việt Trì đến Đền Hùng ở Phú Thọ. Do đó, Phú Thọ có thể nói là nơi khởi thủy, quê hương của giống nòi và là nền móng của Tổ quốc. Tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương ở đây là hợp lý và đúng nhất. Từ năm 2007, nhà nước chính thức tổ chức và xem Giỗ Tổ Hùng Vương là quốc lễ.
Những điểm nhấn chương trình 2019
Chương trình “Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng” năm 2019 do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì diễn ra trong 3 ngày (từ 13-15/4, tức ngày 8-10/3 năm Kỷ Hợi) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, TP Việt Trì và các xã, phường lân cận. Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2019 sẽ có ba địa phương cùng tham gia góp giỗ là: Cần Thơ, Nghệ An và Sơn La.
Năm nay, các hoạt động phần lễ diễn ra trong thời gian lễ hội gồm nhiều hoạt động chính như: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/3 âm lịch; Lễ dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong”; Lễ rước kiệu về đền Hùng do các xã, phường, thị trấn vùng ven di tích tổ chức…
Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, sẽ được tổ chức vào sáng 10/3 năm Kỷ Hợi, với sự tham dự của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Cùng với phần lễ, phần hội bao gồm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phong phú như: Lễ hội văn hóa dân gian đường phố, chương trình nghệ thuật, bắn pháo hoa; liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ; trưng bày hiện vật khảo cổ về sự ra đời, phát triển của Nhà nước Văn Lang thời đại các Vua Hùng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại khu di tích lịch sử Đền Hùng…
Hình ảnh trong Lễ hội đền Hùng. |
Ngoài ra còn có thi gói bánh chưng, giã bánh dầy; các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia biểu diễn; các hoạt động thể thao như bóng chuyền nam, giải vợt truyền thống, cờ tướng, vật dân tộc, bắn nỏ, hội thi bơi chải trên sông Lô; hội chợ Hùng Vương và giải bóng chuyền các đội mạnh toàn quốc tranh cúp Hùng Vương năm 2019...
Điểm nhấn trong lễ hội năm nay, tỉnh Phú Thọ vẫn tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về di sản Hát Xoan ở Phú Thọ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương bằng hoạt động tổ chức trình diễn Hát Xoan làng cổ tại thành phố Việt Trì.
Cùng với lễ dâng hương, tỉnh Phú Thọ năm nay vận động mỗi gia đình làm “mâm cơm tri ân”, bảo đảm trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm chủ lễ đọc chúc văn trên đền Thượng.
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm nay, tỉnh Phú Thọ tiếp tục xây dựng lễ hội mẫu mực theo phương châm “5 không” là: Không ùn tắc giao thông; không nâng giá, ép giá; không ăn mày, ăn xin; không hành vi phản cảm; không mất vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Hình ảnh trong Lễ hội đền Hùng. |
Những ngày này, cùng với việc chỉnh trang đô thị, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông để phục vụ du khách hành hương về Đền Hùng cũng được tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Thông tin cụ thể về vấn đề này với phóng viên, ông Đỗ Tuấn Dũng, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: “Sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh Phú Thọ về kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tuyệt đối cho đồng bào và các đại biểu, Công an tỉnh xây dựng kế hoạch bảo vệ an toàn Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với nhiều phương án.
Đồng thời, phối hợp với các địa phương triển khai các phương án chi tiết, đảm bảo tại những khu vực trọng điểm không xảy ra tình trạng cháy nổ, trộm cắp, móc túi; tắc nghẽn giao thông trong dịp lễ hội”.
Đặc biệt, Công an tỉnh Phú Thọ chủ động nắm bắt tình hình, phối hợp với các lực lượng trong và ngoài ngành Công an đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ.
Đáng chú ý, để chống ùn tắc giao thông, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Phú Thọ huy động toàn bộ quân số, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát trên các tuyến giao thông và cắm các chốt trọng điểm; chủ động khảo sát các tuyến đường, phân luồng từ xa để hạn chế thấp nhất ùn tắc giao thông.
Nhiều tỉnh, thành cả nước tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương
Không chỉ Phú Thọ, nhiều tỉnh, thành trên cả nước cũng tổ chức trang trọng Giỗ Tổ Hùng Vương.
Từ ngày 5 đến 14/4 (1-10/3 Âm lịch), chính quyền, doanh nghiệp huyện Ba Vì (Hà Nội) sẽ lần đầu tiên phối hợp tổ chức lễ dâng hương tượng đài Vua Hùng và các hội thi có nội dung phản ánh văn hóa đặc trưng dân tộc, vùng miền tại khuôn viên khu du lịch Hanoi Paragon Resort (Vân Hòa, Ba Vì).
Chương trình sẽ diễn ra với các sự kiện nối tiếp nhau trong nhiều ngày, bắt đầu từ lễ rước nước ngày 1/3 Âm lịch từ ngã ba sông Bạch Hạc về đặt tại chân tượng Vua Hùng trong khu du lịch, lễ rửa tượng vào 9/3 và chào mừng giỗ tổ Hùng Vương vào ngày 10/3.
Tại lễ hội, một số xã cùng tham gia các cuộc thi như bày mâm lễ vật dâng Vua Hùng, ẩm thực vùng miền, trình diễn trang phục dân tộc và hát múa với nhạc cụ dân tộc.
Trong hai ngày 13 và 14/4 (mùng 9 đến 10/3 Âm lịch), tại Khu di tích lịch sử - văn hóa đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang) sẽ diễn ra lễ Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng. Ngoài phần tế lễ, một số hoạt động đáng chú ý của sự kiện gồm hội làm bánh chưng, trò chơi dân gian, giải đua xe đạp cúp Đền Hùng, không gian đờn ca tài tử.
Hình ảnh trong Lễ hội đền Hùng. |
Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài và Ban vận động dự án ngày Quốc tổ Việt Nam toàn cầu phối hợp các hội đoàn, cộng đồng kiều bào, Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Lào, Thái Lan, Nhật Bản, Canada, Ba Lan sẽ tổ chức “Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ hai - năm 2019”. Các hoạt động trong ngày này gồm: lễ dâng hương Vua Hùng; văn hóa nghệ thuật hướng về quê hương đất nước và các tiết mục văn nghệ giao lưu.
Giỗ Tổ Hùng Vương không phải chỉ đề cao niềm tự hào dân tộc mà còn nhắc nhở mỗi người con đất Việt tìm hiểu thấu đáo bản sắc dân tộc, nguồn cội tổ tiên. Qua đó mỗi người không ngừng học tập, rèn đức luyện tài để phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước, xứng đáng với công lao các thế hệ anh hùng dân tộc, với Tổ tiên.