Linh thiêng phần lễ, sôi nổi phần hội
Đền Hùng - Vùng Đất Tổ (xã Hy Cương, tỉnh Phú Thọ) là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc. Người Việt Nam có chung một Tổ để hướng về, có chung một miền Đất Tổ để nhớ, có chung một đền thờ Tổ để tri ân. “Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim có tổ. Người có tông”.
Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 do UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức từ ngày 29/3 - 7/4 (tức từ ngày 1 - 10/3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Quảng trường Hùng Vương, TP Việt Trì. Phần lễ diễn ra trang nghiêm, trọng thể, thành kính theo truyền thống văn hóa dân tộc gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong”; Lễ rước kiệu của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích về Đền Hùng.
Phần hội với hơn 25 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc nhằm tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn. Chương trình nghệ thuật khai mạc Lễ hội Đền Hùng Giỗ Tổ Hùng Vương; Trưng bày giới thiệu tư liệu, hiện vật thời kỳ Hùng Vương; Hội trại văn hóa và trưng bày, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, sản vật địa phương; Hội Sách Đất Tổ; Trưng bày hoa lan nghệ thuật; Bắn pháo hoa; Tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống; biểu diễn văn hóa, văn nghệ về đêm; Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic”; biểu diễn Hát Xoan…
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng. Đồng thời là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh quê hương Đất Tổ - miền đất linh thiêng với bề dày lịch sử, văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch. Dự kiến lượng khách đến với Phú Thọ qua Lễ hội Đền Hùng năm nay khoảng trên dưới 4 triệu lượt.
Du khách sẽ được trải nghiệm các tour tuyến, sản phẩm, dịch vụ trong hành trình hướng về cội nguồn với hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, nơi thờ cúng Hùng Vương lớn nhất đã được UNESCO ghi danh... Quần thể di tích có 4 điểm tham quan chính là: Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân trên núi Sim; Đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ trên núi Vặn, Bảo tàng Hùng Vương và Đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh (núi Hùng). Hiện, Phú Thọ có 345 di tích thờ Hùng Vương, trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng với hơn 800ha được quy hoạch để trở thành công viên văn hóa tâm linh lớn nhất cả nước tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, quảng bá rộng rãi tiềm năng, thế mạnh tài nguyên du lịch văn hóa của tỉnh.
Kỳ vọng trở thành “lễ hội kiểu mẫu”
Năm 2025, tỉnh Phú Thọ đặt mục tiêu tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ thành “lễ hội kiểu mẫu”. Chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ - 2025 được tổ chức vui tươi, lành mạnh, mang đậm bản sắc văn hóa cội nguồn, tạo điều kiện cho đồng bào, du khách trải nghiệm và khám phá các di sản văn hóa; đồng thời, góp phần quảng bá đậm nét hình ảnh về lịch sử, văn hóa, con người vùng Đất Tổ với rất nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên du lịch văn hóa đến với đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài và du khách quốc tế.
|
Đoàn kiều bào gồm 50 đại biểu đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã dâng hương tại Khu di tích Đền Hùng. (Ảnh: Bộ Ngoại giao) |
Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã chỉnh trang khuôn viên xanh - sạch - đẹp, nâng cấp hệ thống cảnh quan khu vực Đền Giếng. Ngoài khu vực Đền Giếng, Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng tập trung sửa chữa, chống trơn, trượt đường lên xuống các đền; sắp xếp, bố trí lại toàn bộ khu vực hàng quán, địa điểm bán hàng dịch vụ, bảo đảm văn minh, lịch sự, mỹ quan; duy tu, sửa chữa hệ thống cấp nước, hệ thống điện, công trình vệ sinh công cộng; trồng, thay thế hoa, cây cảnh quanh khu di tích...
Ông Phạm Tiến Đạt, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, ngoài việc đầu tư, tôn tạo các dự án, công trình trong khuôn viên Khu di tích phục vụ du khách về với lễ hội năm 2025, Khu di tích còn yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết không đổi tiền lẻ, không chèo kéo du khách, không ép giá và bán hàng theo đúng giá niêm yết; bảo đảm an ninh trật tự tại các bãi đỗ xe… Qua đó, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của các hộ dân phục vụ đồng bào và du khách về thăm viếng Đền Hùng, bảo đảm cảnh quan xanh, sạch, đẹp, sẵn sàng đón du khách về với Đất Tổ.
Dự báo năm nay lượng du khách về Đền Hùng dịp Giỗ Tổ sẽ tăng cao do trùng với ngày nghỉ, vì vậy Công an tỉnh đã xây dựng các phương án phân luồng, chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là phân luồng tại khu vực trục hành lễ trong những ngày chính lễ; tạo điều kiện cho các đoàn xe chở Nhân dân và du khách về Giỗ Tổ. Đại tá Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ cho biết, toàn lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ đặt quyết tâm cao nhất là bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn, không để xảy ra sơ suất dù là nhỏ nhất, tạo sự an toàn, bình yên, thân thiện cho người dân, du khách khi về với Đất Tổ.
Cụ thể, Công an tỉnh Phú Thọ đã xây dựng phương án, huy động gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ bảo vệ an toàn cho các sự kiện. Đồng thời, đồng loạt triển khai lực lượng gần 200 chốt tại các khu vực, tuyến đường trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các địa bàn thành phố Việt Trì, Phù Ninh, Lâm Thao. Sẽ có gần 4.000 lượt đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương… Các đội thanh niên tình nguyện triển khai hoạt động từ ngày 29/3 - 7/4/2025 (tức ngày mùng 1 - 10/3 năm Ất Tỵ).
|
Đoàn kiều bào chụp ảnh tại Khu di tích Đền Hùng. (Ảnh: Bộ Ngoại giao) |
Sở Y tế tỉnh Phú Thọ thành lập các tổ cấp cứu thường trực làm nhiệm vụ trực cấp cứu 24/7 tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, tăng cường bố trí thêm các xe cứu thương sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu. Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã xây dựng kế hoạch bình ổn thị trường hàng hóa, giao cho các đơn vị phân phối chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa phục vụ dịp Giỗ Tổ không để tình trạng thiếu hàng, khan hàng, tăng giá đột biến nhằm phục vụ tốt đồng bào và du khách.
Đặc biệt, các cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện bay flycam để chụp ảnh, ghi hình các hoạt động diễn ra trong dịp Giỗ Tổ phải có giấy phép bay của Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng.
Theo Ban Tổ chức, các huyện, thành, thị sẽ tập trung tối đa về con người, nguồn lực để tham gia tốt các hoạt động phục vụ Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ. Phối hợp với Khu di tích lịch sử Đền Hùng xây dựng, thiết kế, lắp đặt các trại văn hóa bảo đảm mang đậm nét văn hóa truyền thống, hài hòa với không gian chung của Khu di tích, tạo điểm nhấn hấp dẫn đối với người dân và du khách trong hành trình về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.
Cội nguồn trong tim
Hướng tới ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, Khu di tích lịch sử Đền Hùng đã đón hàng vạn lượt du khách từ mọi miền Tổ quốc đổ về. Trong số đó, không ít là những kiều bào, những người con xa xứ từ khắp nơi trên thế giới trở về với Đất Tổ. Hòa cùng dòng người hướng lên Đền Thượng, mỗi nén nhang được thắp lên không chỉ là sự tri ân sâu sắc đối với tổ tiên, mà còn là tiếng lòng nhớ thương của những người con xa xứ, một tình cảm gắn bó với cội nguồn, dù có đi đâu, thời gian có dài đến đâu, cũng không bao giờ phai nhạt.
Ông Trần Quang Hiển, một kiều bào Thái Lan xúc động chia sẻ: "Đứng tại Đền Hùng, tôi cảm nhận rất rõ sự kết nối sâu sắc với quê hương, Tổ quốc; biết ơn và tự hào về lịch sử hào hùng của cha ông, nhất là công lao dựng nước và giữ nước của các Vua Hùng".
Chị Vũ Thị Huyên, kiều bào từ Hàn Quốc nghẹn ngào: "Dù ai đi ngược về xuôi/Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3. Tôi sẽ giáo dục con cháu mình, chia sẻ với các bạn trẻ kiều bào, dù ở bất cứ nơi đâu, cũng luôn nhớ về nguồn cội, cha ông và văn hóa tốt đẹp của dân tộc".
Đó chỉ là hai trong số 50 đại biểu từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đã trở về Khu di tích lịch sử Đền Hùng vào sáng 3/4 (tức ngày 6/3 Âm lịch). Hành trình này không chỉ là một chuyến đi, mà còn là một hành trình tâm linh, nơi mỗi người con xa xứ tìm lại nguồn cội, tri ân tổ tiên.
Không chỉ trở về để tri ân tổ tiên, nhiều kiều bào còn mong muốn đóng góp cho quê hương bằng những hành động thiết thực. Trong khuôn khổ chuyến đi, đoàn đã trao 110 triệu đồng hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Tuyên Quang. Ngoài ra, nhiều kiều bào còn tham gia các chương trình thiện nguyện khác như hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo, đầu tư vào các dự án phát triển cộng đồng tại quê hương. Đối với họ, dù ở xa bao lâu, dù khoảng cách có xa đến đâu, lòng hướng về quê cha Đất Tổ vẫn luôn nguyên vẹn.
Ngọc Phúc - Hiền Anh