Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương sắp diễn ra tại Cà Mau

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nằm trong Chương trình Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2025”, tỉnh Cà Mau chuẩn bị tổ chức Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương vào ngày 6 - 7/4 (nhằm ngày mùng 9 - 10/3 năm Ất Tỵ 2025) tại Đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau).

Theo đó, Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương gồm 2 phần Hội và Lễ. Phần Hội diễn ra ngày 6/4 gồm có lễ khai mạc Hội thao và một số trò chơi dân gian như đua xuồng ba lá đồng đội; kéo co đồng đội nam - nữ; nhảy bao bố cá nhân; đập bong bóng. Phần Lễ diễn ra ngày 7/4 gồm có diễu hành; lân trống; khai từ (hoạt cảnh), dâng hương, dâng lễ vật; đọc chúc văn; nghi thức thỉnh trống Lễ…

Đông đảo người dân khắp nơi về thành kính dâng hương Lễ Hội Giỗ Tổ Vua Hùng năm 2024.

Đông đảo người dân khắp nơi về thành kính dâng hương Lễ Hội Giỗ Tổ Vua Hùng năm 2024.

Ông Trần Minh Nhân - Phó Chủ UBND huyện Thới Bình (tỉnh Cà Mau) cho biết: “Với ý nghĩa nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, khơi dậy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thông qua Lễ Hội Giỗ tổ Hùng Vương nhằm tôn vinh các giá trị của thời đại Hùng Vương và thúc đẩy phát triển du lịch huyện nhà. Đồng thời, Lễ hội còn là điểm đến tâm linh cho du khách gần xa, còn là kết nối các hoạt động tham quan, du lịch, tạo điều kiện giao lưu và giới thiệu nét đặc trưng, bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch địa phương”.

Tiếp đó, ngày 24/4, trong Chương trình Sự kiện “Cà Mau - Điểm đến 2025”, tỉnh Cà Mau diễn ra Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển (Bến Vàm Lũng - tỉnh Cà Mau), tại di tích Bến Vàm Lũng (Khóm 8, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển).

Buổi Lễ sẽ diễn ra với nhiều hoạt động ý nghĩa như ngoại khoá dành cho đoàn viên, học sinh tại Khu Di tích Bến Vàm Lũng, tạo cơ hội để thế hệ trẻ tìm hiểu và tự hào dân tộc về truyền thống lịch sử. Đồng thời, cảnh tái hiện lại những chuyến tàu vận chuyển vũ khí từ miền Bắc vào miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đặc biệt, sự hy sinh bi tráng của những chiến sĩ sẵn sàng cho nổ tàu để bảo vệ bí mật con đường Hồ Chí Minh trên biển.

Đây không chỉ mang tính nghệ thuật mà còn là một cách để tri ân và tưởng nhớ công lao của những chiến sĩ đã ngã xuống, giúp thế hệ hôm nay hiểu thêm về những trang sử hào hùng của đất nước.

Hoạt cảnh tưởng nhớ công lao các vị Vua Hùng.

Hoạt cảnh tưởng nhớ công lao các vị Vua Hùng.

Ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các cấp, các ngành, địa phương phải chủ động trong công tác phối hợp chuẩn bị chu đáo cho Lễ Tri ân Đức Quốc tổ Lạc Long Quân; Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương; Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh trên biển.

"Các sự kiện phải được tổ chức trang trọng, đảm bảo ý nghĩa thiết thực, an toàn và mang đến không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước và niềm tự hào dân tộc", ông Luân nhấn mạnh.

“Thông qua chuỗi các sự kiện văn hóa đặc sắc diễn ra trong tháng 4, không chỉ góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống mà còn tạo cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch, mở ra cơ hội kết nối kinh tế, thu hút đầu tư và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng tại địa phương. Đây là dịp để du khách khám phá, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa độc đáo của vùng đất Cà Mau”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết thêm.

Đền thờ Vua Hùng (ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã hình thành gần 200 năm, là địa chỉ văn hoá - tâm linh, tín ngưỡng thiêng liêng của người dân. Hằng năm, vào dịp Lễ Hội Giỗ Tổ (mùng 10 tháng 3 âm lịch), đông đảo người dân tề tựu để tưởng nhớ, tri ân công lao của các vị Vua Hùng đã có công dựng nước. Năm 2011, đền thờ được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.