Giới đầu cơ 'thổi' giá làm bất ổn thị trường nhà đất

(PLVN) - Bộ Xây dựng vừa có báo cáo thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề trong lĩnh vực xây dựng, phục vụ Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội sẽ khai mạc vào cuối tháng 10/2020.
Giới đầu cơ đổ xô đến một khu vực được đánh giá “sốt” đất tại Hà Nội hồi cuối năm 2019.
Giới đầu cơ đổ xô đến một khu vực được đánh giá “sốt” đất tại Hà Nội hồi cuối năm 2019.

Bộ Xây dựng cho biết nguồn cung bất động sản (BĐS), đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP HCM dù đã được điều chỉnh nhưng vẫn còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Vấn đề này đã từng được Bộ Xây dựng đề cập hồi đầu năm nay. Tại thời điểm đó, Bộ Xây dựng cho rằng các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ việc cho phép đầu tư mới dự án BĐS, đặc biệt là các dự án BĐS cao cấp, các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, biệt thự, căn hộ cao cấp.

Bộ Xây dựng cho rằng giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của BĐS, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân. Giới đầu cơ BĐS vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính làm bất ổn thị trường.

Hệ thống thông tin về thị trường BĐS hiện chưa hoàn toàn đầy đủ và đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực BĐS, Bộ Xây dựng đánh giá.

Bộ Xây dựng cũng cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS, quản lý sử dụng đất đai, giao dịch BĐS tuy đã được chú trọng và tăng cường nhưng thực hiện vẫn chưa được thường xuyên, liên tục.

“Việc kiểm soát thị trường BĐS của các cơ quan nhà nước chưa hiệu quả, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhiều địa phương khi phát hiện vi phạm vẫn chưa kiên quyết xử lý, còn thiếu quyết liệt trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ, các dự án vi phạm quy định pháp luật”, Bộ Xây dựng cho biết.

Về nguồn cung BĐS nghỉ dưỡng, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều dự án BĐS nghỉ dưỡng, dự án đa năng kết hợp lưu trú và nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình BĐS này tương đối lớn và đa dạng.

Theo số liệu được đưa ra trong báo cáo, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ năm 2014 đến năm 2018) giao dịch trên thị trường BĐS năm 2019 có xu hướng giảm. Cụ thể, lượng giao dịch giảm hơn 40% so với năm 2018, nguồn cung dự án BĐS giảm 10% so với năm 2018. Trong những tháng cuối năm 2019, lượng giao dịch BĐS giảm hơn 70%, nguồn cung dự án mới giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm trước.

Sang đến năm 2020, Bộ Xây dựng cho biết, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tới nhiều ngành, lĩnh vực trong đó có thị trường BĐS. Tuy nhiên, theo nhận định của Bộ Xây dựng, về cơ bản thị trường BĐS không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Các tác động chỉ mang tính chất cục bộ với một số doanh nghiệp kinh doanh BĐS.

“Hiện thị trường BĐS đã cho thấy các tín hiệu phục hồi và phát triển lạc quan nếu Việt Nam kiểm soát được dịch Covid-19, không để lan rộng và kéo dài. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực BĐS đã tái khởi động hoạt động kinh doanh với những chiến lược và kế hoạch kinh doanh mới phù hợp với thị trường”, Bộ Xây dựng đánh giá.

“Trong ngắn hạn, có thể thị trường sẽ tiếp tục gặp một số khó khăn nhất định do tác động của đại dịch, tuy nhiên về dài hạn, các doanh nghiệp BĐS vẫn thấy được tiềm năng và tín hiệu lạc quan từ thị trường BĐS, đặc biệt là phân khúc BĐS công nghiệp do sự chuyển dịch của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, báo cáo nêu.

Riêng với các dự án nhà ở, phân khúc đất nền, Bộ Xây dựng cho rằng, đây là những phân khúc ít chịu tác động của đại dịch khiến đất nền là kênh đầu tư an toàn cho các doanh nghiệp BĐS. 

Theo số liệu mới nhất của Hội môi giới BĐS Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2020, sản phẩm phân khúc trung và cao cấp tiêu thụ chậm, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Kể từ khi khủng hoảng do dịch bệnh Covid-19 đến nay, có nhiều dự án không bán được hàng hoặc lượng bán không đáng kể. Tình trạng này cũng diễn ra ở các dự án đang được quảng cáo rầm rộ.

Về giá BĐS, Hội môi giới cho rằng chưa thấy hiện tượng dự án BĐS công bố giảm giá. Báo cáo chỉ ghi nhận hiện tượng tặng quà khủng và khuyến mại lớn ở một số dự án để kích cầu thay vì giảm giá sản phẩm.

"Cả trước, trong và sau dịch bệnh, giá bán căn hộ chung cư trung và cao cấp gần như không có biến động. Có một số dự án thuộc phân khúc bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp", Hội môi giới BĐS đánh giá.

Đọc thêm