“Chán” cảnh tiệc tùng ồn ã với tiếng loa đài và cỗ bàn chúc tụng rôm rả, nhiều cô dâu chú rể ở Hà Nội muốn kết tóc xe duyên trước bàn thờ Tam Bảo, cùng quỳ gối nghe lời răn dạy về đạo vợ chồng trong tiếng chuông chùa và mùi hương trầm mặc...
Rủ nhau đám cưới trên chùa
Không chỉ các “sao” hoạt động trong giới nghệ thuật mới lựa chọn tổ chức đám cưới tại chùa, các bạn trẻ ngày nay cũng rất thích hình thức này. Nhiều chùa ở Hà Nội như chùa Quán Sứ, chùa Lý Quốc Sư (Hoàn Kiếm), chùa Đình Quán (Từ Liêm), chùa Bằng (Hoàng Mai), chùa Vạn Phúc (Sóc Sơn)… “mở cửa” cho các đôi trẻ đăng ký tổ chức hôn lễ.
Nhiều bạn trẻ đã chọn hình thức tổ chức đám cưới trên chùa. |
Số lượng các cặp đôi đăng ký ngày một đông, nhất là vào mùa cưới. Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, trụ trì chùa Bằng, cho hay, từ đầu năm 2013 đến nay, đã có 30 đôi trẻ tổ chức tại đây, ngoài ra danh sách đăng ký từ nay đến cuối năm còn hàng chục đôi trẻ khác.
Sau khi quyết định tổ chức làm lễ tại chùa, đôi trẻ cùng gia đình thỉnh xin ý kiến sư thầy trụ trì. Được nhà chùa chấp thuận và chọn ngày đẹp để tổ chức, gia đình hai bên chỉ cần sắm lễ gồm hoa, trái cây, hương, nến, trà đặt trên cung Tam Bảo.
Nhà chùa không thu phí. Nếu gia đình muốn đặt cỗ chay thì chi phí một mâm cỗ dao động từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Người chủ hôn trong hôn lễ tại chùa sẽ là một vị hoà thượng hay chư tăng, chư ni. Trước điện Tam Bảo, cô dâu, chú rể cùng hai họ mặc lễ phục được sắp xếp ngồi theo đúng quy cách: Nhà trai ngồi bên trái, nhà gái ngồi bên phải, cùng tụng kinh niệm Phật.
Sau khi dâng lễ, đôi trẻ được làm lễ Quy y trước khi tổ chức lễ Hằng Thuận (còn gọi là “Hộ niệm hôn lễ”), diễn ra trong khoảng 1,5 tiếng đồng hồ, gồm 15 tiết mục. Tuỳ vào nhu cầu tâm linh hay hoàn cảnh kinh tế, thời gian, mức độ tổ chức “hoàng tráng” hay gọn nhẹ…, từng đôi tân lang tân nương có thể tiến hành đầy đủ hoặc giảm bớt các nghi thức trên.
Dâng hương là nghi thức đầu tiên trong lễ Hằng Thuận. Khi cô dâu chú rể chắp tay trước bàn thờ Tam Bảo, vị chủ hôn sẽ dặn dò những quy tắc ứng xử về đạo vợ chồng như phải yêu thương nhau ra sao, đối xử với hai bên cha mẹ và gia đình nội ngoại như nào, những điều gì chồng không được làm đối với vợ và ngược lại (như không bạo lực, không ngoại tình, không nghiện ngập, không lười biếng, không lừa dối…).
Trong nghi thức khai thị, cô dâu chú rể đến lạy cha mẹ đôi bên, sau đó cùng đọc 5 lời phát nguyện và thề nguyền làm theo. Tiếng chuông chùa ngân nga sau mỗi lời phát nguyện được xem như một sự chứng nhận cho lời thề của đôi tân lang tân nương. Cuối cùng là nghi thức trao nhẫn và nói lời ước nguyện.
Vợ chồng Nguyễn Quốc Tiệp và Bùi Thu Huyền vừa tổ chức lễ cưới vào ngày 24/3/2013 tại chùa Bằng không kìm nổi xúc động: “Với chúng tôi, đó là một nghi lễ thiêng liêng vô cùng. Tôi ấn tượng nhất là khi trao nhẫn cho nhau trước sự chứng kiến của các sư thầy và được nghe lời giáo huấn ý nghĩa về đạo lý vợ chồng.
Chiếc nhẫn chỉ là vật tượng trưng để biết người đó đã kết hôn, nhưng sư thầy không chỉ trao chiếc nhẫn mà còn trao chữ "nhẫn" vào tim mỗi người để vợ chồng biết nhẫn nhịn sống bên nhau trọn đời".
“Hằng Thuận”, cội nguồn hạnh phúc
Xung quanh những đám cưới tại chùa cũng có nhiều câu chuyện vui. “Tân lang” Lê Thanh Quân (SN 1987, Đống Đa, Hà Nội) không sao quên được ngày tổ chức lễ Hằng Thuận ở chùa Bằng. Quân tổ chức lễ cưới ở chùa như một cơ duyên, bắt đầu từ lần anh và vợ sắp cưới vô tình gặp một hôn lễ được tổ chức tại điện Tam Bảo.
Trao nhẫn cho nhau trước tam bảo, họ hiểu hơn về chữ Nhẫn trong đời sống vợ chồng. |
Không có tiếng nhạc rộn rã, không có tiếng lao xao cười đùa, chỉ có tiếng gõ mõ đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc và sắc vàng rực rỡ của y phục và các lễ phẩm nhà Phật.
Đôi bạn đồng tâm nhất trí về bàn với gia đình thay đổi kế hoạch: “Chúng tôi đã đặt trước một khách sạn bốn sao với 60 mâm cỗ mặn, nhưng cả hai quyết định “cắn răng chịu phạt” hủy ở khách sạn để làm lễ cưới tại chùa”.
“Ý tưởng” của cô dâu chú rể ban đầu vấp phải sự phản đối của gia đình vì nhiều lý do, tiệc cưới đã đặt rồi, nếu đổi sang mời hai họ ăn tiệc chay sợ “không phải phép”, nhưng đôi trẻ đã kiên quyết thuyết phục cha mẹ và tới chùa thỉnh sư trụ trì bày tỏ ý nguyện.
Anh kể thêm, mới đầu gia đình rất lo lắng vì họ hàng, bạn bè không phải ai cũng là Phật tử và ít khi ăn chay. Nhưng không ngờ tất cả các vị khách mời đều tỏ vẻ ngạc nhiên, thích thú khi thưởng thức các món ăn chay lạ miệng, thanh đạm được bài trí nghệ thuật.
Quân “chiêm nghiệm”: “Việc tổ chức lễ Hằng thuận với cỗ chay vừa thanh tịnh vừa giữ được nét văn hóa dân tộc, không làm tổn hại sinh linh, tránh cảnh rượu chè say xỉn và giúp tiết kiệm chi phí trong hoàn cảnh kinh tế ngày càng khó khăn”.
“Giây phút được trời Phật chứng giám là những khoảnh khắc không bao giờ quên. Đến tận lúc đứng cạnh cô dâu, tôi mới thấu hiểu vì sao khi kết hôn người ta lại trao nhẫn cho nhau và tại sao nhẫn lại được làm bằng vàng”, anh chia sẻ tiếp.
Vị trụ trì chùa Bằng cho biết, trong suốt bốn năm qua, riêng tại chùa Bằng đã tổ chức lễ Hằng Thuận cho gần 100 đôi uyên ương. Hầu hết các cặp vợ chồng đang sống hạnh phúc và vẫn thường xuyên lên chùa lễ Phật cầu an, hoặc mỗi tháng lên chùa ít nhất một lần để ôn lại những lời thề nguyền với nhau trong hôn lễ, để tự điều chỉnh mình hướng tới cuộc sống tốt đẹp…
Theo một vị Thượng tọa, hôn lễ tại chùa được gọi lễ “Hằng Thuận” là có ý nghĩa riêng: "Hằng" là thường xuyên, luôn luôn, "Thuận" là hòa thuận, đồng thuận, cùng hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Đây chính giá trị sâu xa giúp cuộc sống hôn nhân được hạnh phúc bền vững, êm ấm.
Nhà sư trầm ngâm: "Đạo Phật luôn có mặt trong từng sự kiện của đời sống chúng sinh dù sinh hay tử. Chùa không phải chỉ là nơi dành riêng cho các bậc tu hành, mà còn là nơi cho những người có đạo tâm. Làm lễ Hằng Thuận nơi cửa thiền là một giao ước tâm linh bền chặt".
Việc chúc phúc cho một giai đoạn mới của đôi trẻ cũng mang ý nghĩa nhân bản, đúng tinh thần từ bi của đạo Phật. Và đó là lý do cửa chùa ngày càng được nhiều đôi trẻ lựa chọn là nơi dẫn dắt họ bước vào cuộc sống hôn nhân để xây dựng một “nếp nhà” hạnh phúc, hướng thiện.
Theo Xa lộ pháp luật