Giới trẻ thay đổi cách thưởng thức cuộc sống về đêm

(PLVN) -  Những “thiên đường ăn chơi” của châu Á, trong đó có Việt Nam đã thoái trào từ mùa dịch. Hậu đại dịch, người trẻ dường như đã thay đổi cách thưởng thức cuộc sống về đêm.
Những khu phố ăn chơi về đêm vẫn chưa thể hồi phục sau dịch.

Phố giải trí về đêm chưa thể gượng dậy

Cho đến nay, “cuộc sống về đêm” với các loại hình giải trí dành cho giới trẻ ở các quốc gia châu Á dường như vẫn chưa thể gượng dậy. Những con phố đêm ở Singapore, Hồng Kong, Nhật Bản vẫn trong tình trạng đìu hiu. Tại Thái Lan, nơi được coi là “thiên đường ăn chơi” bậc nhất châu Á, giờ đây chưa thể đạt đến 20% “phong độ” như xưa. Các con phố đêm ở Bangkok vốn tấp nập người, đặc biệt những khu Siam, Khao San với các quán bar, pub, những khu phố ẩm thực và các màn biểu diễn đường phố giờ đây trở nên đìu hiu, vắng lặng và chưa biết khi nào có thể trở lại như trước dịch. Ngành “nightlife” gần như đóng băng tại châu Á từ 2020 cho đến nay.

Tại Việt Nam, tình hình tương tự cũng đã diễn ra đối với nhiều khu vực vui chơi giải trí về đêm nổi tiếng. Có thể kể đến phố Tây Bùi Viện. Trước dịch, đây là con phố “ăn chơi” về đêm bậc nhất Sài Gòn, khách nước ngoài lẫn trong nước tập trung đông đúc nơi đây. Hàng đêm, con phố Tây Bùi Viện ken đặc những người. Vào các thời điểm cuối tuần, với sự tập trung của hàng ngàn người vui chơi, các dãy bàn ghế san sát nhau lấn gần hết con đường, âm nhạc xập xình đến tần nửa đêm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù đã gần nửa năm sau khi TP HCM bước vào cuộc sống bình thường mới, con phố từng đông đúc này vẫn chưa thể trở lại như cũ. Một trong những nguyên nhân là du khách quốc tế chỉ mới quay lại Việt Nam du lịch vào thời điểm giữa tháng 3. Đồng thời, con phố này cũng chứng kiến nhiều cuộc trả mặt bằng, đóng cửa kinh doanh của không ít tụ điểm ăn uống, giải trí có tiếng.

Tương tự, dọc con đường Phạm Văn Đồng chạy xuyên từ TP Thủ Đức, qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp đến giáp khu vực sân bay trước kia được mệnh danh là “con đường ăn nhậu mới nổi” ở TP HCM với hàng trăm quán nhậu, quán cafe, bar, pub lớn nhỏ luôn trong tình trạng đông đúc ồn ã thì nay, gần như 50% trong số đó vẫn đóng cửa. Một số nơi hoạt động trở lại, vắng khách hơn xưa, một số mặt bằng vẫn đang treo bảng cho thuê, còn lại không ít mặt bằng sang tên, đổi chủ đang trong giai đoạn sửa chữa.

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra đối với nhiều khu vực vui chơi giải trí về đêm nổi tiếng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... Sự phục hồi dường như đến chậm đối với ngành “nightlife” hơn bất cứ ngành nghề nào khác.

Thay đổi thói quen sau đại dịch

Trần Văn Phước (38 tuổi) từng là quản lý quán bar Sakura, một điểm ăn chơi khá nổi tiếng tại khu vực TP Thủ Đức. Dịch bùng phát, quán bar này trụ được đến cuối năm 2020 thì phải đóng cửa. Anh Phước lúc này cũng chuyển hướng, học nghề làm bánh và mở một tiệm bánh nhỏ xinh để tự kinh doanh.

“Nhiều quán bar, khu giải trí có mời tôi về làm quản lý, nhưng tôi cảm thấy có lẽ “cuộc sống về đêm” không còn hợp với mình nữa. Trước kia, khi hoà mình vào thì không thấy vấn đề gì, nhưng một thời gian khá dài rời bỏ do dịch bệnh, giãn cách mới nhận ra có nhiều vấn đề, như thời gian sống bất thường, sức khoẻ bị ảnh hưởng bởi bia rượu, âm nhạc, tiếng ồn và thức khuya... Tôi lại muốn chọn một cuộc sống bình yên hơn, làm được điều mình thích, có thời gian chăm sóc bản thân và ở cạnh người nhà. Đa phần nhân viên cũ của tôi, những người từng “lăn lộn” trong thế giới “nightlife” giờ đây cũng đã rời bỏ nghề, có người đi học tiếp, có người tự ra kinh doanh, hoặc đi làm shipper, nhân viên văn phòng”.

Sự bỏ nghề cũng diễn ra với nhiều nhóm dancer hay những bạn trẻ làm nghề pha chế, DJ... Ban đầu là do tình thế ép buộc vì dịch bệnh, các tụ điểm đóng cửa. Sau đó là vì nhiều người cảm thấy không muốn quay trở lại với nghề nữa.

Sự thay đổi tâm lý, đưa ra lựa chọn mới không chỉ diễn ra đối với những người làm dịch vụ. Giờ đây, dù rằng các điểm ăn chơi về đêm đang dần mở cửa trở lại, nhưng nhiều bạn trẻ dường như đã có những lựa chọn mới cho mình. Những thú vui đơn giản, ít tốn kém, những điểm đến “lành mạnh” hơn được nhiều người trẻ lựa chọn thay vì những điểm ăn chơi “đốt tiền”.

Nguyễn Mạnh Đinh (25 tuổi), nhân viên thiết kế của một công ty in ấn tại quận 10, TP HCM chia sẻ, trước dịch, Đinh và bạn bè, đồng nghiệp có thói quen la cà ở các quán nhậu, karaoke, bar hoặc beer club vào những tối rảnh rỗi để tìm niềm vui. Sau dịch, những thói quen đó hầu như không còn.

“Thi thoảng tụi mình vẫn kéo nhau đi nhậu, nhưng không còn nhiều như trước. Trong dịch, giãn cách, mình bắt đầu thói quen tập gym để nâng cao sức khoẻ chống dịch bệnh, đến giờ vẫn duy trì như thế nên hàng đêm thời gian tập tành là đa số. Còn lại thì la cà quán cafe lề đường, ăn uống với bạn bè hoặc ra công viên ngồi, thế là vui rồi. Mình nhận thấy chung quanh mình cũng nhiều người bỏ thói quen đi bar, nhậu ít đi. Có người vì tham gia các khoá gym, yoga, có người thì do tiết kiệm tiền vì cuộc sống giờ cũng không phải như trước”, Mạnh Đinh chia sẻ.

Sau một biến cố lớn, tâm lý, suy nghĩ và lựa chọn đổi thay là điều tất yếu. Một bộ phận giới trẻ giờ đây đang tìm đến những thói quen mới thay vì những cuộc vui về đêm nhất thời, để nỗ lực “chữa lành” những vết thương cũng như tổn hại gây ra do dịch bệnh.

Đọc thêm