Giới trẻ và hệ lụy từ trò chơi “con mực”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời gian qua, gây bão cộng đồng mạng nói chung và giới yêu phim nói riêng chính là cái tên “Trò chơi con mực - Squid game”. Bộ phim Hàn đình đám, trở thành hiện tượng toàn cầu của giới trẻ, làm mưa làm gió trên mạng xã hội. Vậy nhưng đi kèm với sự nổi tiếng ấy, còn là những hệ lụy nguy hiểm từ trò chơi “con mực”...
Phim “Trò chơi con mực” vẫn hot, bất chấp khen chê.
Phim “Trò chơi con mực” vẫn hot, bất chấp khen chê.

Cảnh báo nguy hiểm từ phim

“Trò chơi con mực”, bộ phim kinh dị hư cấu dài chín tập của Hàn Quốc, được sản xuất bởi nền tảng chiếu phim trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay - Netflix. Bộ phim với nội dung xoay quanh 456 người chơi chấp nhận tham gia thi đấu trong một trò chơi sinh tồn để giành giải thưởng hấp dẫn 45,6 tỷ won (39 triệu USD).

Tất cả người chơi đối mặt với cơ hội đổi đời, nhận ra rằng mỗi trò chơi đều đặt mạng sống của họ vào tình thế nguy hiểm. Điểm nổi bật là mỗi phần chơi đều là các trò chơi quen thuộc của trẻ em Hàn Quốc như đèn xanh, đèn đỏ, vẽ dalgona, kéo co, cờ đá cẩm thạch, vượt cầu và trò chơi câu mực.

Nổi tiếng với những bộ phim tự sản xuất, đến với siêu phẩm “Trò chơi con mực”, Netflix đã không làm người hâm mộ thất vọng, khi chỉ mới 4 tuần đã cán mốc 111 triệu lượt xem. Đây là bộ phim thành công nhất và có lượt xem cao nhất lịch sử của Netflix. Chỉ với những con số trên ta có thể thấy tầm ảnh hưởng rộng lớn của bộ phim với khán giả toàn cầu, nhất là giới trẻ.

Bên cạnh sự nổi tiếng, “Trò chơi con mực” còn nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều về yếu tố bạo lực. Mặc dù xen kẽ cùng các trò chơi của trẻ em nhưng với một bộ phim thuộc thể loại “trò chơi sinh tử”, các cảnh chết chóc và đẫm máu là không thể thiếu.

Tranh cãi xuất phát từ việc dù phim được dán nhãn 18+ nhưng do quá phổ biến nên nhiều khán giả vị thành niên, trẻ em vẫn tìm xem bằng mọi cách. Bên cạnh đó phim còn xuất hiện các nội dung tình dục và hình ảnh khỏa thân, dung tục... không phù hợp với các em dưới 18 tuổi.

Mới đây, vì lo sợ học sinh sẽ bắt chước các cảnh bạo lực trên phim, hàng loạt nước đã lên tiếng cảnh báo phụ huynh quan tâm đến hoạt động trực tuyến của con mình. Hôm 6/10, tại Mỹ, Hội đồng phụ huynh về truyền thông và truyền hình (PTC) lên tiếng cảnh báo các cha mẹ về việc tăng cường giám sát con cái trên mạng xã hội và trong game - những nền tảng đang phủ kín nội dung về “Trò chơi con mực”.

Bà Melissa Henson, giám đốc chương trình của PTC, nhấn mạnh rằng cho dù phim đã được giới hạn tuổi cho người trưởng thành vì “cực kỳ bạo lực”, phim vẫn đến được với khán giả vị thành niên thông qua mạng xã hội.

Tại Thái Lan, ngày 10/10, phát ngôn viên của cảnh sát quốc gia Thái Lan Kissana Phathaancharoen đã lên tiếng cảnh báo người xem về những cảnh bạo lực khiến phim không phù hợp để xem. Dù vậy, chưa có báo cáo nào ở Thái Lan về hành vi bắt chước.

Đầu tháng này, một trường học ở phía Đông London (Anh) đã gửi thư cho phụ huynh vì lo ngại học sinh đang giả vờ bắn nhau trong sân chơi như một cách tái hiện lại màn trình diễn. Trường John Bramston ở Ilford viết: “Những đứa trẻ xem phim này đang tiếp xúc với những cảnh bạo lực thực tế bằng hình ảnh đồ họa và thật đáng buồn là những đứa trẻ bắt chước những hành vi này trong sân chơi sẽ không được dung thứ”.

Cũng trong tháng này, một trường học tại Bỉ đưa ra cảnh báo sau khi phát hiện các học sinh có hành vi bạo lực do ảnh hưởng từ bộ phim. Trong phim, người thua cuộc sẽ bị xử tử. Còn ở trường học Bỉ, người thua sẽ bị các bạn học lao vào đánh đấm. Trong thông báo, nhà trường kêu gọi phụ huynh cảnh giác để “ngăn chặn những trò chơi không lành mạnh và nguy hiểm”, “giúp con em nhận thức được hậu quả của việc truy đuổi và trừng phạt”.

Một trường học ở Sydney cũng đã yêu cầu phụ huynh không cho con cái họ xem bộ phim truyền hình nổi tiếng của Netflix, vì lo ngại rằng các em sẽ đem một số cảm hứng từ màn hình ra sân chơi. Trong một bức thư gửi phụ huynh do Linda Wickham - Hiệu trưởng trường Công lập Dulwich Hill cho biết, nhiều trẻ em đã xem bộ phim và mô tả “bạo lực và máu me tột độ, ngôn ngữ thiếu lành mạnh và những khoảnh khắc đáng sợ”.

Cô Wickham viết: “Một phiên bản tiêu cực của trò chơi đèn đỏ - đèn xanh quen thuộc dành cho trẻ em xuất hiện trong bộ phim. Nội dung này và các nội dung không phù hợp khác đang ảnh hưởng tiêu cực đến các trò chơi trên sân chơi…”.

Có thể thấy rõ, đối với một bộ phim nổi tiếng như “Trò chơi con mực”, cũng như nhiều phim ăn khách khác, dù có dán nhãn 18+ thì giới trẻ cũng rất khó cưỡng lại sức hút của phim. Từ đó hình thành các trào lưu TikTok, ảnh chế, thử thách ngoài đời… ăn theo phim. Theo nhiều chuyên gia tâm lý, bộ phim sẽ làm ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý lành mạnh và hình thành xu hướng bạo lực, bắt nạt người khác và tự làm đau mình ở giới trẻ.

Và những cái chết ngoài đời thực

Những cảnh báo về “Trò chơi con mực” vốn không thừa thãi, bởi không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý, đây có thể còn là khởi nguồn của những trò chơi, trào lưu nguy hiểm của giới trẻ. Không chỉ có trên phim, ngoài đời thực cũng đã từng xuất hiện những trò chơi, trào lưu bạo lực, tiêu cực giống như trò chơi “con mực”.

Những năm gần đây, thế giới xuất hiện một số trò chơi mạo hiểm, đe dọa sự an toàn của tính mạng con người nhưng lại được không ít bạn trẻ hưởng ứng, cổ vũ rồi nhanh chóng trở thành trào lưu. Không quá lời khi gọi đây là các “trào lưu quái đản”, bởi thay vì tìm đến các trò chơi để giải trí, thư giãn, giải tỏa sau giờ học tập, làm việc căng thẳng, người chơi lại mang sức khỏe và tính mạng của bản thân ra để đùa giỡn.

Điển hình nhất phải kể đến trò chơi “Thử thách cá voi xanh” (Blue Whale Challenge). Xuất hiện trên Internet vào năm 2015, “Thử thách cá voi xanh” khởi phát từ Nga đã dẫn dụ hàng trăm trẻ em ở nhiều quốc gia tự tìm đến cái chết. Khi tham gia, người chơi được yêu cầu trong vòng 50 ngày phải thực hiện hàng loạt thử thách từ dễ đến khó, như: vẽ hình cá voi, xem phim kinh dị một mình, leo lên nóc nhà, dùng vật sắc nhọn như dao hoặc kéo tạo hình cá voi xanh trên cơ thể…

Trò chơi nguy hiểm Thử thách cá voi xanh.

Trò chơi nguy hiểm Thử thách cá voi xanh.

Đến ngày thứ 50, người chơi sẽ buộc phải tự kết liễu đời mình, lấy “cảm hứng” từ việc những con cá voi xanh lao lên bãi biển tự sát. Khi đó người chơi sẽ được công nhận là người chiến thắng. Nếu không thực hiện yêu cầu, họ bị đe dọa phải trả giá bằng an toàn của bản thân, gia đình. Theo Ủy ban Điều tra của Nga, chỉ từ tháng 11/2015 đến tháng 04/2016 đã có khoảng 130 thanh, thiếu niên ở nước này đã tự tử vì tham gia trò chơi.

Nguy hiểm không kém là “Thử thách nghẹt thở”, một trò chơi nguy hiểm đã từng khiến một thiếu niên 11 tuổi người Mỹ tử vong vào năm 2005, một thiếu nữ 15 người Úc tử vong vào năm 2011 và một thiếu niên người Anh 12 tuổi khác tử vong vào năm 2016. Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2005, sau một thời gian dài chìm vào quên lãng, trò chơi nguy hiểm này đã bất ngờ xuất hiện trở lại từ năm 2011 và được lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng tại Úc cũng như một số quốc gia khác.

“Thử thách nghẹt thở” là thử thách mà người tham gia sẽ tự mình, hoặc được sự hỗ trợ của một người khác, dùng tay bóp mạnh vào cổ cho đến khi ngất xỉu vì bị thiếu oxy lên não. Toàn bộ quá trình từ lúc bóp cổ đến lúc ngất xỉu sẽ được quay lại bằng điện thoại và đăng tải đoạn phim lên mạng xã hội. Những người thực hiện thử thách nguy hiểm này sẽ dừng lại khi cơ thể rơi vào tình trạng mất cảm giác do thiếu oxy, tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp đã không kịp dừng tay trước khi mất ý thức và dẫn đến tử vong.

Những đoạn video về “Thử thách nghẹt thở” đang được lan truyền trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... thậm chí trên Youtube còn có nhiều video hướng dẫn cách thực hiện trò chơi nguy hiểm này. Kì lạ hơn khi những người tham gia không hề sợ hãi mà còn cho biết họ có được “cảm giác hưng phấn” sau khi tỉnh lại.

Hệ lụy nguy hiểm từ những bộ phim bạo lực vốn không phải lần đầu tiên được cảnh báo. Có một sự thật là những trào lưu, thử thách nguy hiểm sẽ không dừng lại mà ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nhất là trong thời đại 4.0, mọi thứ lan truyền rất nhanh qua Internet. Sự xuất hiện của những trò chơi độc hại trên một lần nữa là lời cảnh báo với các bậc phụ huynh về những nội dung mà con em của mình sẽ tiếp xúc trên mạng xã hội. Cần có biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp nhằm tránh để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho giới trẻ.

Đọc thêm