Giọt nước mắt trong tiềm thức (Kỳ 1)

(PLVN) - Đối diện với phạm nhân Hoàng Văn Quang (SN 1982, quê ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong trại giam, cảm giác ban đầu nhiều người không khỏi ớn lạnh không chỉ bởi hình dáng xác xơ, tàn tạ mà còn bởi đôi mắt mờ đục, vô hồn giống như đôi mắt nhựa của búp bê để lâu ngày đã xỉn màu, không có thần, không có sức sống. Nhưng nghe câu chuyện cuộc đời hắn kể, người ta không khỏi thương cảm, xót xa...
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Từ nỗi ám ảnh đôi mắt nhựa

Kỳ thực, đôi mắt ấy không phải ngay từ đầu tạo hóa đã làm ra như thế mà bởi trong dòng chảy số phận, cuộc sống và bệnh tật đã làm cho nó trở thành như thế. Mất đi thần thái, mất đi sức sống, cảm giác như muốn báo hiệu một ngọn đèn sắp cạn dầu, chẳng biết lúc nào sẽ tắt, nhưng chắc chắn sẽ nhanh thôi. Hắn cũng có tên tuổi đàng hoàng như bao người, vậy nhưng đời gọi hắn cho tới khi bị bắt là thằng khốn nạn. Ngay tới bây giờ hắn cũng chẳng có gì thay đổi mà phải nói chữ đời đó bao gồm hàng xóm, bạn bè, chiến hữu xưa, anh chị em ruột thịt và ngay cả bố mẹ hắn cũng gọi luôn là như thế. 

Cũng chẳng biết ai đã nghĩ ra cái từ khốn nạn ấy nhưng ngẫm cũng thật đúng, thật đáng với những gì mà hắn đã trải qua. Nếu cái tiêu chí để trở thành người khốn nạn mà người đời đưa ra là: chửi cha chém chú, dối trên lừa dưới, lừa thầy phản bạn thì với hắn chẳng xót điểm nào, có khi còn vài điểm hơn. Cuộc đời hắn, cái gì cũng đã trải qua, cái gì cũng đã dính vào dù tuổi đời cũng chẳng phải tới chặng xế chiều. 

Tính tới hôm nay, hắn cũng chỉ gần 40 tuổi, nhưng cũng có rất nhiều thứ từng trải ở đời được đánh giá là có thâm niên. Bụi đời, nghiện ngập tù tội và sắp tới là cả bệnh tật, cái căn bệnh không thuốc chữa của nhân loại vài thập kỷ qua. Nói như vậy với hắn vẫn còn là quá bao dung và đã bỏ qua, giảm tránh nhiều thứ khác.

Với xã hội, đã từ rất lâu rồi, cứ hắn xuất hiện ở đâu thì nơi đó như có một mảng đen dính vào, nháo nhác, náo loạn. Hắn bị coi là phế phẩm của cuộc đời, chẳng thế mà cái ngày đứng trước vành móng ngựa gần nhất, thẩm phán trước khi tuyên án chẳng phải đã từng nói: “Cần phải cách ly đối tượng một thời gian dài khỏi xã hội”. Kể với những gì hắn đã làm thì cũng chẳng có gì là oan uổng, hắn xứng đáng phải chấp nhận điều đó.

Từ ngày bước chân vào môi trường “chật hẹp”, khép kín này, nơi mà xã hội dựng lên để quản lý, cảm hóa những con người như hắn, thì cuộc sống của hắn cũng đã đỡ bận bịu hơn nhiều. Cái sự bận bịu của hắn chính là thứ mà cuộc đời gọi là sự khốn nạn. Ngoài giờ lao động cải tạo, một phần chính trong công cuộc cảm hóa mà xã hội đặt ra cho hắn, thì giờ hắn đã có rất nhiều thời gian rảnh để ngẫm, để nghĩ và hoài niệm. Nhờ cảm hứng từ vài người bạn tri thức lạc bước đời vào đây, cuộc sống của hắn có thêm một sở thích mới là đọc truyện, đọc sách để chám vào những phút chẳng có việc gì làm. 

 

Nhưng đôi lúc, thật sự văn hóa của hắn cũng chỉ có giới hạn, cũng chỉ dừng ở mức đọc viết không hơn. Vậy nên đôi lúc đọc phải những ngôn từ sâu xa quá thì đành “bó tay”, chẳng thể nào mà hiểu nổi. Giả như hôm nay, một cuốn sách mới mượn nói về tiềm thức chẳng hạn. Sách viết đây có thể là một ngôn từ ít thông dụng nhưng trong đời sống hẳn ai cũng từng ít nhất một lần được nghe thấy. Ngẫm chẳng sai vì cái ít nhất một lần của hắn chính là lúc này. Nhưng để hiểu rõ ý nghĩa của ngôn từ này chắc hẳn điều đó không thuộc về số đông, nơi điền tên hắn. 

Có thể tạm hiểu đơn giản là: tiềm thức là một hoạt động duy trì cuộc sống, khi con người ngủ tạo ra những giấc mơ và tạo ra những phản xạ vô điều kiện trong đời sống thường nhật của con người. Sách nói, đó là một nguồn sức mạnh tiềm ẩn trong con người và khi con người điều khiển được nó thì sẽ vô cùng hữu dụng, thậm chí có thể tạo nên những kỳ tích trong đời sống. Và lẽ tất nhiên, tất cả tốt hay xấu vẫn là do chính con người định đoạt bởi tiềm thức trong mỗi con người thì chỉ có họ mới có thể điều khiển và quyết định được chúng.

Người như hắn thì tất nhiên không hiểu được rõ điều này, vì cái gọi là học vấn như người ta đối với hắn chỉ dừng lại ở mức gần tốt nghiệp được cấp hai. Đơn giản hơn là biết đọc, biết viết và thêm cả cộng trừ nhân chia. Mà với hắn như thế đã là đủ, thậm chí một số kiến thức du nhập vào con người hắn còn có phần dưa thừa. Bởi trong đời sống có phần đơn giản và tẻ nhạt của hắn, nó chẳng mang lại chút lợi ích nào cho cuộc mưa sinh. Ví dụ như kiến thức hóa học hay vật lý, với một thằng lưu manh, đầu đường xó chợ như hắn thì chẳng cần dùng để làm gì. Với hắn chỉ cần đếm tiền không sai, trả tiền không thừa, vậy là đã đủ lắm rồi. 

Cuộc sống của hắn luôn vật vã với tiền. Mà cũng đúng, lý thuyết sinh tồn của hắn từ cái ngày chẳng còn được gia đình chu cấp, nuôi dưỡng nữa đã nghiệm ra được rằng: Muốn sống phải có ăn, muốn ăn thì phải có tiền. Và để có tiền với thằng “cha vơ, chú váo” như hắn thì phải học chữ chấp nhận khi bước chân ra đời. Rồi tới khi bước vào cuộc mưa sinh, giữa vòng xoáy cuộc đời, thì hắn lại kiểm chứng được nhiều giá trị khác nữa sau mỗi lần va vấp.

Nói đúng ra là tủi nhục và lợi ích mà đồng tiền có thể mang lại cho bản thân. Đây là chân lý cuộc sống với hắn, chỉ xoay quanh hai chữ Ăn và Tiền. Còn ngay cả những thứ mà người ta gọi là kỹ năng sống hay cảm nhận sống gì gì đó thì với hắn chẳng cần bận tâm. Với hắn, miễn là có ăn, miễn là có tiền đấy mới thực sự là triết lý cuộc sống.

Đến câu chuyện về một thân phận bị chối bỏ

Trong ký ức của hắn vẫn còn tồn đọng lại một vài hình ảnh về cuộc sống đầy tẻ nhạt của mình như thế này. Mẹ hắn quê Nam Định, bố người Hà Tây cũ. Khi đất nước vừa giải phóng, còn nghèo nàn, lạc hậu khó khăn thì nhà nước phát động phong trào đi khai hoang lập nghiệp để phát triển vùng kinh tế mới. Ở vào thời kỳ tuổi trẻ nhiệt huyết nên bố mẹ hắn xung phong tham gia hưởng ứng. Và định mệnh cho họ gặp nhau tại một tỉnh trung du miền núi. Thế rồi quen, vậy là thân, yêu và đám cưới diễn ra. Hắn chào đời là một sản phẩm mà tạo hóa ban tặng cho họ với bao niềm mong ước, hy vọng và chờ đợi. 

Ngày đó, hắn vẫn là đứa con duy nhất của họ, chỉ tính vào ngày đó mà thôi. Chứ nếu tính tới bây giờ có lẽ hắn đã có thêm mấy em trai, mấy em gái, mà có đứa còn chưa hề gặp mặt lần nào nói theo giọng người đời gọi gia đình hắn là “năm cha ba mẹ” vậy. Cuộc sống ngày đó tuy khó khăn đủ bề, nhưng hắn được lớn trong tình yêu thương đầy đủ của cả cha lẫn mẹ. Cũng như mọi đứa trẻ thời ấu thơ, cứ hồn nhiên vô tư mà chơi đùa, ăn ngủ, học hành chẳng phải bận tâm điều gì, sống đúng lứa tuổi mà hắn đã đọc đâu đó gần đây vốn dĩ phải như thế.

Cuộc sống êm đềm, phẳng lặng cứ thế tiếp diễn cho tới ngày hắn học cấp 2, ngày vừa đủ lớn để nhận biết sự ngại ngùng khi bạn bè cùng trường trêu đùa, gán ghép với một đứa con gái cùng bàn. Cái hạnh phúc ngắn chẳng tày gang đó đến cũng bởi một chữ tiền làm thay đổi cuộc sống, tha hóa lương tâm của con người.

Nhờ tháo vát làm ăn buôn bán, “phi thương bất phú”, nhà hắn giàu lên trông thấy. Khi tiền vào như nước, thay đổi cuộc sống lại cuốn theo đủ thứ chẳng hay ho gì vào nhà nó. Bố sinh đổ đốn cờ bạc, mẹ thì biết tiêu tiền vào đủ thứ có thể mang lại con người sự hưởng thụ. Vậy nên, cái hệ lụy kéo theo từng đồng tiền là điều không tránh khỏi. Sóng gió thật sự ập đến cuộc đời hắn từ cái ngày bố mẹ đưa nhau ra tòa ly hôn. 

Hôm đó, hắn đã có mặt tại đó và chứng kiến điều không nên chứng kiến của một tâm hồn thơ dại. Để từ đó đã tạo ra một vết như in hằn vào tâm hồn trong trắng, một sự khốn nạn đầu đời đến từ những người đã tạo ra hắn. Tại phiên tòa hai người thương yêu nhất của hắn không tiếc lời nhục mạ, đổ lỗi cho nhau trước ánh mắt ngơ ngác của hắn. Điều đau đớn nhất chính là lúc họ cùng đùn đẩy trách nhiệm chăm nuôi hắn vì đòi hỏi, vì thỏa thuận phân chia tiền bạc. Chính khi đó, hắn chợt có cảm giác bản thân như cái túi rác bị ném ra đường, mất phương hướng không nơi nương tựa, bấu víu trước những con người làm cha, làm mẹ sinh thành ra mình. 

Ở giây phút đó, trong phiên tòa của người lớn ấy, không dưới một lần hắn đã chảy nước mắt để rồi ao ước mình chưa từng có mặt trên cõi đời này. Cảm xúc ấy là gì thì ngày ấy hắn chưa thể gọi tên, nhưng bây giờ thì đã có thể. Đó chính là thứ cảm giác mà người ta gọi là đau khổ. Hôm đó, hắn cứ ngồi lặng lẽ chứng kiến cái cuộc giằng co, đùn đẩy của cha mẹ trước ánh mắt thương hại, ái ngại của mọi người có mặt tại đó cho tới cuối phiên tòa.

 Cảm giác tủi hổ, buồn bã đã tạo nên một nỗi uất hận in hằn vào ký ức hắn như một vết thương bị nhiễm trùng lở loét. Để rồi đến cuối cùng thì chẳng cần ai phải chịu trách nhiệm về mình, chẳng cần lời phán xét cuối cùng của pháp luật nữa.

Trong một phút bồng bột của tuổi ẩm ương, hắn đã tự quyết định một lối đi riêng cho cuộc đời của mình. Đêm đó, hắn lặng lẽ xách balô chỉ với 2 bộ quần áo và tất cả những gì hắn cảm thấy là giá trị có thể bán được ra tiền nằm gọn trong đó. Bước chân xuống đường, bỏ nhà đi bụi đời để rồi cũng chính từ đêm hôm đó đánh dấu một bước ngoặt biến đổi lớn trong suy nghĩ và cả cuộc đời của hắn.

Cũng giống như những đứa trẻ khác, phải sống trong màn đêm đen tối, bắt đầu từ bến tàu, bến xe, rồi tới hàng ghế đá công viên ở một nơi thật xa nhà để tránh người thân quen tìm thấy. Mà màn đêm thì thường luôn chất chứa đầy hiểm nguy, cạm bẫy của cuộc đời.

Rồi sau đó sẽ tụ lại với một đám bụi đời nào đó sau vài câu chuyện kể khổ về bản thân và cùng chui rúc, chung sống lang bạt một thời gian trong tình nghĩa anh em, huynh đệ sa cơ lỡ bước của chúng. Ban đầu thì chia nhau cốc nước, cái bánh mì, “đói ăn vụng, túng làm liều”, khi làm liều thì có tiền thỏa sức phóng túng, thử làm người lớn tập hưởng thụ những thứ chẳng cần đúng sai. 

Để rồi thời gian va vấp cuộc sống sau khi hiểu ra bản chất thật sự thì tất cả đều là sự lừa dối, lọc lừa của cuộc đời, của con người trong xã hội. Những bài học đầu đời ấy thì trong đám bụi đời như hắn ai cũng phải trải nghiệm với những mức độ và giới hạn khác nhau. Dù ít, dù nhiều cũng đủ để chúng cảm nhận được những sự nhơ nhớp, khốn nạn của bóng tối xã hội, của những con người dựa vào đó mà mưu sinh làm giàu. Cái mà hắn được trải nghiệm cảm nhận đầu đời thì đúng là sự nhơ nhớp, khốn nạn cùng cực.

Là thế này, ngay cái đêm đầu tiên bước chân ra khỏi vòng kiểm soát của gia đình, hắn rơi ngay vào cảnh ê chề nhục nhã mà đến giờ này, dù đã qua hơn hai chục năm rồi nhưng hình ảnh quá khứ đó cứ thỉnh thoảng lại ám ảnh hắn chẳng buông tha. Hôm đó, trong cái phút uất hận sau phiên tòa của người lớn, ba lô trên vai hắn bước ra bến xe leo lên chuyến cuối về thành phố, nơi có nhà ông bà nội ở đó nhưng chỉ là qua lời người lớn kể. Hắn chưa từng đặt chân đến đó dù chỉ một lần. Xe thì có đích tới nhưng tâm hồn hắn thì mông lung, vô định chỉ biết là cần thoát khỏi nơi đây còn phía trước ra sao thế nào mặc kệ. 

Quăng quật giữa dòng đời...

Xe dừng bánh nơi điểm cuối bến thì trời cũng đã quá nửa đêm. Ngày ấy cái kinh nghiệm của hắn cũng non nớt như con người vậy, chẳng thể lọc lõi như bây giờ. Chẳng biết đi đâu, về đâu nơi phố phường dù trong màn đêm vẫn luôn lung linh ánh đèn hoa lệ. Lang thang tới một công viên gần đó, tìm một cái ghế đá dừng chân, bụng thì đói meo, tìm mãi cuối cùng thì cũng thấy một quán nước chè bán đêm nơi công viên. Đang ăn cái bánh ngọt thì gặp một “ông chú quá tốt bụng” cái mà chỉ sau khi vấp phải hắn mới có thể nhận ra.

Sau màn làm quen, hỏi han quan tâm chu đáo, hắn được đưa về nhà ông chú đó với lời hứa cho tạm chỗ ngủ qua đêm. Tới nơi thì lại kiếm thêm được bát mì nóng và sau vài chén rượu với lời khích lệ là cho quên sầu. Lần đầu tiên uống rượu, đêm đó nó biết cảm giác say là như thế nào. Trong sự mê man, bức màn sau sự quan tâm của người xa lạ được vén lên. Non tơ, trắng trẻo, đẹp trai, đêm đó hắn bị giày vò, đánh đập, hành hạ trong thú vui bệnh hoạn của gã đàn ông xa lạ mà chẳng thể cưỡng lại. Đã cố vùng vẫy, tìm cách trốn chạy nhưng sức trẻ chẳng làm được gì lại ăn thêm mấy cái tát. Cho tới sáng thì bị ném ra đường với những lời cảnh cáo đủ sức dọa nạt một đứa trẻ như hắn. 

Chỉ chưa đầy 24 giờ đồng hồ, hai lần hắn bị ném ra đường như một túi rác. Một từ cha mẹ hắn và một từ kẻ xa lạ trên dòng đời tuỉ hổ, nhục nhã, đau đớn, hắn cảm nhận mình đúng là một món đồ phế thải bị ném vào sọt rác không hơn. Và đấy là bài học đầu đời hắn nhận được trước xã hội.

Đơn giản là trên cuộc đời này không có cái gì là miễn phí, chẳng ai cho không ai cái gì, cái gì tốt đẹp tự nhiên đến từ người xa lạ thì kiểu gì cũng có một cái giá nào đó phải trả sau đó. Vậy là lần đầu tiên bị một gã đàn ông khác ép quan hệ xác thịt, hắn được đánh đổi bằng một bát mì và vài cái tát. Hắn thấy cái gọi là tình thương chẳng hề tồn tại trên đời hoặc là có tồn tại thì cũng chẳng phải dành cho người như hắn.

Những ngày tiếp theo lang thang nơi đất khách quê người, hắn tụ lại với một nhóm người trạc tuổi hắn giữa lòng thành thị. Dòng đời xô bồ đưa đẩy tấm thân non dại để rồi nhận ra những giá trị khác của sự khốn nạn mà cuộc đời luôn giăng mắc đầy rẫy. Ở nơi này thì hắn hoàn toàn có thể yên tâm rằng sẽ chẳng có ai tìm ra mình, mà với những gì đã chứng kiến tại phiên tòa ấy thì liệu còn ai nữa mà bỏ công tìm hắn? 

Trong cái hành trình bước đi bụi đời ấy của hắn, tới giờ cũng có một vài lần hắn được gặp lại người mẹ, còn cha hắn thì bặt tăm luôn từ cái ngày ấy. Theo chân nhóm bụi đời nơi phố phường thành thị kiếm cái ăn, hắn từ một đứa trẻ ngoan ngoãn dần trở thành một thằng lưu manh lọc lõi chỉ trong thời gian ngắn với một thái độ ngang tàn.

Sự bất cần đời của hắn có lẽ bắt nguồn từ cảm giác tới từ phiên tòa ấy. Để có ăn, từ đánh giày, bán tranh ảnh cho khách Tây trên Bờ Hồ (hồ Hoàn Kiếm), gì hắn cũng làm và rồi kiêm luôn cả món trộm cắp móc túi đủ cả. Cả nhóm hắn cứ lang thang ngày đêm quanh bờ hồ chỉ vỏn vẹn hơn 2 cây số bán bán kính ấy mưu sinh cũng đủ cho cái bụng có cái co bóp. 

Nhưng phố phường vốn chẳng đơn giản như những gì hắn tưởng tượng và nhất là nơi này, địa điểm tụ tập của đám dân chơi ban ngày, dân bão đêm thành thị. Từ đám dân chơi hắn học đòi thói hút pin, hút cỏ nhờ thỉnh thoảng làm chân sai vặt phục vụ cho chúng. Khi hút phê vào hắn chợt nhận ra trên đời này còn có những thứ cảm giác khiến con người ta đê mê, có thể tạm quên đi mọi suy nghĩ trong sự hưng phấn. 

Hút một lần thấy hay, hai lần rồi thành con nghiện mà khi đã nghiện rồi để có tiền chơi thì đành phải quay, phải xoay. Vậy là sinh ra trộm cắp, móc túi, tiếp nữa là cả mua đi bán lại lẻ những điếu cỏ gây ảo giác kiếm chút chênh lệch từ đám dân chơi. Cứ thế, hết thói hư tật xấu này tới tệ nạn khác cứ ngấm dần và ăn mòn tâm hồn cơ thể hắn. Để rồi chỉ vài tháng, sau khi rời xa gia đình hắn nhanh chóng trở thành một thằng lõi lưu manh nghiện ngập, đủ thứ chích hút lõi đời. Cuộc sống một khi đã chấp nhận làm kiếp ma đêm thì chẳng tránh khỏi sự truy quét giáo dục của xã hội. 

Trong một lần bán cỏ cho đám dân chơi bão đêm, hắn bị người ta xích cổ về phường và đó cũng là một trong những lần hiếm hoi để hắn được gặp lại người mẹ của mình...

(Đón đọc kỳ tới: Trượt dài vào tệ nạn và tội phạm) 

Đọc thêm