Giọt nước mắt trong tiềm thức - (Kỳ 2): Trượt dài vào tệ nạn và tội phạm

(PLVN) - Sau một lần bán “cỏ” (cần sa) cho đám dân chơi, Quang bị bắt quả tang. Nhưng nhờ tới sự khoan hồng của pháp luật đối với trẻ vị thành niên phạm tội nên lần ấy hắn không phải đi tù. Một đứa trẻ như hắn khi bị bắt vào đồn thì bắt buộc phải có người giám hộ chịu trách nhiệm. Mẹ hắn bị triệu tập tham gia với tư cách người giám hộ, nhờ thế hắn mới được gặp lại mẹ... 
(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Vấp ngã đầu đời

Thế là hắn lại được gặp mẹ sau gần 1 năm xa cách cách dù trong một hoàn cảnh mà chẳng ai muốn, mà cũng chẳng ai có thể nghĩ tới. Cũng có những giọt nước mắt đã rơi xuống ngày ấy, cũng có ôm ấp, vỗ về, nhưng cũng chỉ một lúc thôi nhanh chóng lướt qua chỉ để lại vài hình ảnh trong ký ức, trong tiềm thức của hắn. Bởi thay vì phải đi tù, người ta đưa hắn vào trường giáo dưỡng, để dạy lại hắn cho phù hợp với đời. 

Tóm tắt kỳ trước: Cuộc đời đối với Hoàng Văn Quang (SN 1987, quê Sóc Sơn, Hà Nội) có lẽ còn nhiều điều sóng gió. Sau lần chứng kiến cha mẹ đứng trước tòa đùn đẩy nhau việc nuôi con, hắn thật sự mất đi mọi niềm tin vào người thân. Thế rồi, ngay sau khi tòa cho cha mẹ hắn ly hôn, hắn xách ba lô bỏ nhà ra đi. Để rồi bàn chân đưa hắn trượt dài vào những vết nhơ trong cuộc sống của một đứa trẻ bụi đời...

Khi mọi biện pháp được đưa ra, nhưng với hắn thì coi như bất lực bởi con người hắn thay đổi quá nhanh nhưng lại theo chiều hướng xấu. Cái được gọi là sự lưu manh, khốn nạn, mất dạy cứ nhắm hắn mà nảy mầm, sinh sôi. Thế là có bao nhiêu thói hư, tật xấu của đám bạn cùng cảnh nhốt chung ở đây du nhập hết vào con người hắn. Tâm hồn hắn như thứ dung môi có thể hòa tan tất cả những thứ đó.

Và một khi đã hòa tan thì đó sẽ là một phần của cơ thể, tâm hồn ấy. Từ một đứa trẻ vừa lạc lối đường đời, hắn lại càng lún sâu bởi các mánh khóe lưu manh hấp thụ được. Nhưng hắn đôi lúc vẫn luôn đổ lỗi cho cuộc đời, vì theo hắn tất cả cũng vì miếng ăn, vì mưu sinh.

Hắn kể, từ ngày bước chân vào trường giáo dưỡng, hắn vẫn chỉ còm cõi một mình, tự thân, tự nghĩ, tự sống, chứ chẳng có ai quan tâm tới. Hầu hết những đứa trẻ khác như hắn sống cùng môi trường, hàng tháng đều có người nhà hoặc cha mẹ hoặc anh chị tới động viên thăm nuôi.

Còn hắn thì 2 năm trời, chưa từng có một lần được gặp người nhà. Ở đây, người ta gọi hắn là kẻ không gia đình, còn có đứa lầm tưởng hắn là một đứa trẻ mồ côi. Kỳ thực, thì hắn có đủ cha, đủ mẹ, họ ở đâu đó ngoài bức tường cao ngoài tầm mắt kia thôi. Nhưng có lẽ trong trái tim họ, hắn không hề tồn tại, hoặc là cái gì đó rác rưởi, cần phải ném bỏ, hắn nghĩ là như thế. Vậy nên, nhìn đám bạn mỗi lần đi gặp về hắn lại cảm thấy chạnh lòng, nỗi đau, nỗi cô đơn ban đầu nhen nhóm trong tâm hồn của một đứa trẻ là vậy đấy.

Rồi khi nhìn những túi quà của người khác, trong đó đầy thứ hắn thèm muốn và hắn biết gia đình hắn sẽ chẳng bao giờ đáp ứng được cho mình. Bước chân vào xã hội, hắn đã dần hiểu một phần xô bồ, bon chen của nó mà ở ngay cái môi trường “chật hẹp” này cũng thế thôi. Phải có tiền mới có chỗ đứng, chỗ nằm thoải mái, mới có dáng đàn anh, đàn chị. Nếu không có tiền thì phải biết chấp nhận, thật liều, thật lì mới có được chỗ đứng. 

 

Bản chất vốn bất cần nghĩ sao làm vậy, bỏ qua mọi lý lẽ đúng sai, hắn chọn cách chấp nhận để có được những thứ mình muốn, để có chỗ đứng quan trọng là để không đứa nào có thể coi thường, cười nhạo hắn. Vốn sẵn máu liều, bất cần trong người, hắn nghĩ ra đủ trò tai quái để thể hiện bản thân, từ cắt ven tay, đánh nhau hay đủ trò để đoạt lấy những gì mình thích, ngang tàn chẳng coi ai ra gì.

Cuối cùng thì hắn cũng có chỗ đứng ở đây, nhưng đổi lại thì trên cơ thể mang thêm vài vết sẹo và đi đủ thời gian giáo dưỡng chẳng được giảm lấy một ngày. Bài học cuộc đời của hắn những ngày ở đây nghiệm ra rằng: thằng có tiền thì thua thằng liều, nhưng thằng liều lại thua thằng điên như hắn.

Mà bản thân hắn cũng chẳng cần giảm, chẳng cần ra sớm mà làm gì bởi giờ có ra thì cũng phải lăn lộn ngoài xã hội vì chẳng chốn dung thân. Trong môi trường mới hắn cũng kịp kết giao với vài chiến hữu, vài anh em. Kẻ ra trước, người ra sau luôn hẹn cái ngày tụ họp, ngày được thả về hẳn lại bắt xe về phố tìm bạn tụ tập đàn đúm.

Cũng chẳng mất bao lâu để hắn lại quay trở về con đường cũ, lối sống cũ. Bởi hắn lại nhanh chóng bập vào ma túy, nghiện ngập, đây cũng chính là con đường đưa cuộc đời hắn trượt từ vũng bùn này sang vũng bùn khác, trơn trượt chẳng thể ngóc đầu lên được. Một kẻ không nhà, không tiền, không công ăn việc làm lại chỉ thích dính vào những thứ đam mê phù dung thì cái kết luôn được báo trước. 

Và kể từ đấy tới tận bây giờ cuộc sống của hắn hầu như gắn liền với 4 bức tường và hàng dây thép bao quanh nơi trại giam, trại cai nghiện... Nghiện ngập ăn mòn cơ thể, lại vô công rồi nghề và cần tiền để đáp ứng khi lên cơn vật vã, cái gì, điều gì hắn cũng dám làm, chẳng từ thủ đoạn, từ trộm cắp, cướp giật, bán lẻ ma túy cho tới đòi nợ thuê. Nói chung là ai thuê gì làm nấy, gì cũng làm kể cả biết có khi mất mạng cũng chơi khi cơ thể đã tới giờ đói thuốc. 

Cái điều mà tự hắn lựa chọn đi vào và nhận lấy để rồi trong cả trăm lần đói thuốc không đủ tiền mua sử dụng, hắn chung tiêm chích, chơi chung với đám nghiện và chẳng biết lần nào con HIV chạy vào sống trong cơ thể hắn. Chính bản thân hắn cũng chẳng biết mình dính bệnh từ khi nào, chỉ nhớ một lần được thử máu tại trại giam mới phát hiện ra. Khi đã bước chân vào lối sống lệch lạc, sa ngã, hắn coi sự bất cần giống như một phản xạ tự nhiên để sinh tồn. Với hắn, hôm nay đã chẳng cần biết ngày mai thế nào, tương lai là một điều chẳng bao giờ hắn thèm nghĩ tới, đúng ra thì hắn không cần biết.

Sa vào ma túy

Mới chỉ nói tới lối sống lệch lạc trong xã hội, kèm bệnh tật mang trong mình cũng đã đủ để mọi người trong xã hội xa lánh, kì thị, coi hắn là kẻ xấu, mất dạy, rác rưởi.  Nhưng còn cả những hành vi từ nghiện ngập kéo tới nhiều hệ lụy, biến hắn thành kẻ khốn nạn thật sự, mà đến cả cha mẹ và những đứa em trong cái gia đình “năm cha, ba mẹ” của hắn phải mở miệng chửi rủa chứ đừng nói là xã hội.

Vì không đủ tiền chơi ma túy, quay quắt không đủ đáp ứng cơn nghiện, thỉnh thoảng hắn tìm về nhà cha hay nhà mẹ đẻ để xin xỏ, để khua khoắng, ăn cắp bất cứ thứ gì có thể bán được ra tiền. Đến ngay cả những đứa em cùng cha khác mẹ, hay cùng mẹ khác cha của hắn mà trước đó chưa từng gặp bao giờ, cũng là mục tiêu bị hắn chặn đường xin tiền, lột đồ khi lên cơn nghiện. Cho tới mức bố mẹ mỗi khi nhìn thấy hắn lảng vảng ngoài cửa nhà là vội vàng chạy ra khóa cổng. Thấy hắn vào nhà thì theo sát từng bước chân, canh như canh kẻ trộm. Cuộc đời hắn còn đủ thứ khốn nạn nữa mà chẳng nhớ được hết...

Nếu tính thời gian sống trong xã hội tự do từ lúc bỏ nhà đi cho tới giờ thì số năm được hưởng có thể tính bằng đầu ngón tay. Hắn cứ về lại đi, nhanh thì 3 tháng, chậm thì gần một năm là hắn lại quay lại mái nhà chung của những kẻ lạc bước trong xã hội. Và điểm chung trong suốt quá trình cải tạo trong này của hắn là không gia đình thăm nuôi, cũng chưa một lần nào được giảm án tha về trước thời hạn. Với tính cách của hắn thì luôn chọn cách của kẻ không có tiền và tất nhiên phải chấp nhận thậm chí là bất chấp tất cả để có cuộc sinh tồn như mong muốn.

Mọi lần thì hành vi phạm tội chỉ dừng lại ở mức độ nguy hiểm đủ để hắn lĩnh bản án có thời hạn ngắn, nhưng lần này thì hắn đã đi qua vạch giới hạn quá xa. Để có tiền chơi ma túy, hắn nhận vận chuyển hàng cấm thuê cho người ta, tới khi bị bắt thì lĩnh một bản án bằng 1/3 đời người. Với những kẻ “tiền án nhiều hơn tiền mặt” như hắn thì luôn luôn có những hình thức phân loại để quản chế giáo dục đặc biệt trong môi trường trại giam. Với mức án dài đằng đẵng, lần này bị nhốt chung với đám toàn án dài, lại thành tích lưu manh, giang hồ đầy mình thừa sự manh động nên hắn cũng chẳng còn đất mà vùng vẫy cựa quậy. 

Ân hận thì đã muộn...
Ân hận thì đã muộn... 

Nhưng bản thân hắn cũng chẳng biết tại sao lần này ngay từ lúc Tòa tuyên án, hắn chợt thấy chán nản trước tất cả mọi thứ, chẳng muốn bon chen, có lúc còn chẳng muốn tồn tại trên đời. Vào cái phút đôi cánh tay bị bẻ quặt về sau chiếc còng số tám lạnh lẽo cập vào siết chặt. Hắn biết cảm nhận được cái con số mà bản thân phải trả giá, phải gánh chịu chẳng khác nào bản án tử hình cho những kẻ bệnh tật như hắn. Cứ như báo đài nói căn bệnh thế kỷ này nếu thuốc thang được chăm sóc đầy đủ thì may mắn cuộc sống kéo dài được 20 năm, mà bản án hắn nhận cũng bằng con số đó. Vậy coi như hết hy vọng. 

Tới giờ thì cũng đã gần 8 năm rồi, hắn cứ lặng lẽ sống yên lặng để cảm nhận mọi thứ xung quanh mình. Thời gian thấm nỗi đau của sự cô đơn cứ trôi đi làm mối mọt cả tâm hồn vốn đã quá tàn tạ. Cái sự im lặng phải chăng đến từ sự mỏi mệt bởi cuộc sống trải nghiệm đã qua từ bệnh tật đeo bám hay những hình ảnh ký ức bủa vây, ám ảnh hắn hàng đêm? Có lẽ là tất cả! 

Một phép tính đơn giản cho cuộc đời đã qua mà hắn thỉnh thoảng lại nhẩm rằng: Lấy con số năm sống tới thời điểm hiện tại, trừ số năm ở ngoài xã hội tính từ lúc sinh ra đời, thì hiện hơn nửa phần cuộc sống ấy hắn chôn chân mình sau 4 bức tường có hàng kẽm gai. Tất nhiên hắn chẳng thể đổ lỗi cho ai bởi mọi hành vi của con người từ ngày bước qua tuổi 18 thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật mà hắn cũng chưa từng đổ lỗi cho ai. Nhưng tận sâu trong tiềm thức, trong suy nghĩ của hắn luôn vang vọng lại đầy đủ âm thanh lẫn hình ảnh của quá khứ, cái ngày mà phiên tòa của người lớn ám ảnh cả cuộc đời hắn.

Hắn còn nhớ cái ngày bị nhốt vào buồng tối, đêm hôm đó hắn đã khóc nức nở như một đứa trẻ trong khi ngủ bởi một giấc mơ. Hắn chỉ nhận ra điều đó  là khi bạn cùng cảnh ngộ kể lại với bằng chứng là mảng loang của nước mắt trên cái nền bê tông xỉn màu. Và đó là lần thứ hai trong cuộc đời hắn khóc, để sau đó những lần tiếp theo thỉnh thoảng vẫn cứ tiếp diễn trong giấc mơ đêm lăn lộn trong xã hội từ tấm bé.

Bao năm qua thằng đàn ông như hắn chẳng bao giờ rơi lệ dù máu chảy, dù đau đớn ngay cả những lúc đói rất khổ sở tột cùng. Vậy nhưng giờ khi cơ thể và tâm hồn được quay trở lại trạng thái tỉnh táo của một con người thì đột nhiên cái hồn của hắn lại chợt trở nên nhiều cảm xúc mềm yếu một cách kỳ lạ rất dễ xúc động. 

Mà cũng đúng thôi, bởi xét cho cùng thì chỉ có những ngày tháng sống trong khuôn phép của xã hội, cơ thể và tâm hồn của hắn mới trở lại trạng thái bình thường của một con người. Bởi bên ngoài xã hội hắn bận lăn lộn, quay quắt trong cái vòng luẩn quẩn mà tiền và ma túy sai khiến, chi phối, chẳng còn thời gian rảnh rỗi. Nói tưởng là đùa nhưng ký thực, tới cái tuổi này rồi nhưng hắn vẫn chưa một mảnh tình vắt vai, phải chăng hắn đã mất lòng tin vào tình thương yêu của con người, cái thứ luôn tồn tại ở mỗi tâm hồn.

Cũng chẳng biết do ma túy lâu ngày đã tàn phá thần kinh hắn hay bởi một tâm hồn lâu ngày bị đói khát tình thương yêu mà từ ngày bị bắt tới nay, bao đêm rồi hắn chưa có một giấc ngủ bình yên. Cứ nhắm mắt lại là mọi thứ đã diễn ra trong quá khứ lại bay nhảy trong khoảng tối tâm hồn đó làm hắn luôn vật vã, giật mình không thôi. Màn đêm trong cuộc đời hắn từ lâu đã quá quen thuộc, là nơi để sinh tồn vậy mà giờ đã biến thành một nỗi sợ trong tâm can hắn. 

Có một điều lặp đi lặp lại lâu ngày, hắn nhận ra là một hình ảnh trong mọi giấc mơ đều có là hình dáng nhỏ thó của đứa trẻ là hắn ngồi thu lu một góc trong phiên tòa nhìn bố một bên, mẹ một bên đang mắng chửi nhau. Và hầu như các giấc mơ cứ đến đoạn đó đôi mắt hắn đang nhắm nghiền lại chảy ra những giọt nước mắt.

Khóe mắt chảy ra những nỗi đau câm nín ẩn sâu trong tiềm thức nó chảy mãi hàng đêm, vậy mà tâm hồn đó vẫn chẳng thấy nguôi ngoai còn có cả những giấc mơ làm hắn chới với, day dứt mãi không thôi. Ở trong đó chính là hình ảnh những phiên tòa của hắn từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc có ngoái đầu tìm kiếm mãi cũng chẳng thấy bóng dáng nào thân quen mang tiếng gọi gia đình.

Cứ những lúc như vậy, hắn giật mình tỉnh giấc, cảm giác mặn đắng nơi bờ môi khi giọt nước mắt chảy xuống rơi xuống đọng lại đó. Để rồi một mình trong đêm vắng, đôi mắt hướng ra màn đêm toàn sương lạnh, hắn thầm ao ước một lần được gặp cha, gặp mẹ. Chỉ đơn giản là mong muốn nhìn ngắm lại dung nhan ấy để  những hình ảnh cũ đang dần mờ nhòe đi trong tiềm thức. Cũng đã rất lâu rồi, hắn chưa nhìn lại họ, cũng phải gần 10 năm rồi.

Biết hối hận thì đã quá muộn

Tới giờ thì hắn biết mọi hy vọng, mong muốn của mình sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực cũng bởi sự khốn nạn của hắn đã gây ra trong cuộc đờ. Cũng nhờ thời gian rảnh rỗi đọc sách hắn được học, được hiểu những giá trị làm người để suy ngẫm về những gì trong quá khứ, nhận ra sai lầm, nhận ra ước muốn dù có vô vọng. Nhưng dù sao mong muốn, mơ ước thì chẳng ai ngăn cản hay cấm đoán nên sâu thẳm trong suy nghĩ hắn vẫn luôn để ngọn lửa đó nhen nhóm chút lửa tàn. 

Là con người, hắn cũng đã từng có một gia đình dù cho không toàn vẹn nhưng bởi cái thú vui tầm thường theo đuổi hắn đã chà đạp lên nó, làm mất nó để rồi giờ đây đến cả tiềm thức cũng phải khao khát, thèm muốn trong khát khao. Giờ đây cái giọt nước mắt mặn đắng của tiềm thức ấy cũng đã cạn kiệt bởi bệnh tật giày vò, bởi thời gian qua đi lâu ngày trong cô đơn đã làm nó khô cạn vắt kiệt.

Đến cơ thể còn cạn sức sống, da bọc xương thì tâm hồn cũng chẳng còn đủ minh mẫn tỉnh táo để mong ước, để hi vọng. Vậy nhưng, nếu bỏ qua cái cảm nhận sợ hãi, kỳ thị từ bệnh tật khi nhìn sâu vào đôi mắt mờ đục, vô hồn ấy, hẳn ai cũng có thể cảm nhận được sâu thẳm trong đó có một nỗi mong chờ, một nỗi thèm khát, một chút thôi tình yêu thương. Khi ấy, một bản thể của sự xấu xa, khốn nạn đã trở lại làm một con người lương thiện dù cho thời gian có lẽ đã tới phút muộn màng.

Con người là vậy, bản chất vốn dĩ luôn thèm muốn mưu cầu những thứ ngoài tầm tay, thậm chí có thể bỏ tất cả để theo đuổi hòng sở hữu được nó. Khi có được rồi lại cảm thấy nó cũng chỉ bình thường như mọi vật khác xung quanh. Nhưng tới khi đó lại vô tình quên đi những thứ bên cạnh mình đang có để rồi khi thời gian trôi qua, những điều tốt đẹp đó vô tình mất đi sẽ lại hồi tiếc, thèm khát. Phải chăng, cuộc sống mỗi con người luôn tồn tại những chuỗi luẩn quẩn như vậy?

Ngẫm thấy cuộc đời con người luôn song hành cùng thời gian và bản chất cũng chẳng khác gì. Những thứ bên cạnh ta luôn thay đổi theo thời gian, nhưng thời gian chẳng bao giờ dừng lại. Chỉ những người biết nhìn nhận, biết trân trọng nó mới có thể giữ nó lại mãi ở bên cạnh mình. Đôi lúc chỉ một phút chợt lãng quên cũng đủ để nó vuột mất khỏi tầm tay ta, có thứ còn ở lại, có thứ có thể sẽ ra đi mãi mãi.

Cũng như hắn từ một trang giấy trắng vô tình bị chi phối, bị lấm lem bởi chuyện của người lớn đã xô hắn vào con đường nhơ nhớp, vẩn đục của xã hội “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, hắn cũng chẳng thể trách được ai, có muốn thì chỉ đành tự trách mình không đủ bản lĩnh, đủ nhẫn nhịn, đủ khôn ngoan trước sóng gió số phận.

Ngẫm lại thì đâu cũng là một kiếp người, mong rằng ở phút cuối tồn tại trên đời hắn sẽ được toại nguyện với mong ước nhỏ nhoi nuôi dưỡng gần 3.000 đêm lạnh lẽo đã qua. Để có thể nói được một lời xin lỗi với những người đã sinh ra hắn trước khi nhắm mắt xuôi tay, để chẳng phải mang cái danh xưng thằng khốn nạn sang tận thế giới bên kia. Để kết thúc một kiếp người hắn day dứt, bớt xót xa. Để nhắm mắt lại trong tâm thế của một con người.

Chứng kiến một mảnh đời như hắn, chợt thấm thía một câu thơ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây cỏ dại sống đời tự do...”.

Đọc thêm