Nền nếp văn hóa Hội An đã tích tụ qua nhiều thế hệ. Nay mùa nào khách cũng nườm nượp. Họ chụp ảnh Chùa Cầu, đi dọc sông Hoài. Họ dạo phố, chụp hình bên những con phố trầm tư trong cuộc sống hiện đại. Tiếc thay, sự hiện diện của một đô thị cổ cùng với lượng du khách đến ngày một đông đang khiến đô thị mất đi nhiều thứ mà phải nghĩ chậm lại mới có thể cảm nhận được. Đến nơi đây người ta cũng sẽ khó nén tiếng thở dài, lo lắng cho một đô thị đang phai nhạt phần hồn.
Đó là một sự thay đổi âm thầm, từ từ từng bước. Nhưng xót xa.Rằng người dân gốc sinh sống và đã làm nên đô thị cổ ở mảnh đất này đã vơi dần. Cơ quan chức năng Hội Anthống kê, khu vực phố cổ Hội An có khoảng 1.130 di tích, đa phần là công trình kiến trúc nghệ thuật và nhà ở. Hơn 10 năm qua, gần 120 di tích nhà cổ đã bị chuyển nhượng phục vụ kinh doanh.
Trong số 784 di tích (khu vực I phố cổ), có đến 780 di tích được chủ hộ tổ chức hoạt động kinh doanh buôn bán hoặc cho thuê kinh doanh. Số di tích biến thành nơi kinh doanh sẽ ngày càng tăng. Điều đó có nghĩa người dân gốc ở các di tích này sẽ dời đi ngày một nhiều, nhường chỗ cho người nơi khác đến ở.
Chùa Cầu phố Hội |
Nhưng khi ngôi nhà - di tích oằn mình gánh vác trách nhiệm kinh doanh, sẽ khiến di tích quá tải. Chức năng ban đầu của các di tích chỉ để ở, sau này chuyển công năng sang kinh doanh, đồng nghĩa với việc di tích bị sửa chữa, thay đổi đồ đạc cho phù hợp, nhiều thứ đồ truyền thống mất đi, không gian truyền thống di tích bị biến dạng.
Thử hình dung, trước đây nhà thường dành cho vài thế hệ sinh sống. Có không gian thờ tự. Không gian sinh hoạt. Bếp nấu… Chỉ một phần phía trước nhà dành để buôn bán nhỏ. Hơn thế, những nề nếp sinh hoạt văn hóa, gia đình, lối ứng xử, quan hệ với hàng xóm láng giềng cũng đã tích tục hàng trăm năm, tạo nên vẻ đẹp văn hóa, trầm tích của phố cổ.
Ngày nay có thể toàn bộ không gian nhà - di tích dành kinh doanh. Điều đó dẫn đến thay đổi nếp sống, văn hóa ứng xử nơi phố cổ thay đổi sâu sắc. Chỉ có điều việc thu tiền từ du lịch thì dễ nhìn thấy, nhưng những cái mất đi của văn hóa lại khó nắm bắt và không phải ai cũng nhận ra.
Còn nhớ, đầu năm 2017, một buổi sớm, ngôi nhà cổ vắng chủ ở số 95 Nguyễn Thái Học, phường Minh An bốc cháy. Khi người dân phá cửa xông vào dập lửa, di chuyển đồ đạc để hạn chế thiệt hại, thì mới phát hiện ngôi nhà bị cháy đang được một người nước ngoài thuê mở quán cà phê.
Hội An lộng lẫy về đêm |
Dù chính quyền có quy định chủ thuê nhà phải cử người túc trực vào ban đêm nhưng khi xảy ra cháy, ngôi nhà này không có ai ở. Điều đó có phải là một nỗi lo lắng, bởi sẽ chẳng ai đi thống kê có bao nhiều trường hợp không có người trông vào ban đêm? Cũng không ít ý kiến chỉ ra, ngày trước Hội An có nhiều món ăn truyền thống. Nay có thể vẫn có món ăn truyền thống. Nhưng khi bị thương mại hóa thì bánh xèo mà không phải bánh xèo, cao lầu mà không phải cao lầu...
Vấn đề này đã được đưa ra bàn thảo tại nhiều hội thảo bàn về một số giải pháp nhằm xây dựng môi trường du lịch lành mạnh, phát triển bền vững. Vấn đề là bằng mọi cách Hội An phải được bảo vệ và giữ được hồn cốt. Doanh thu từ tất cả các hoạt động kinh doanh, du lịch mỗi năm của Hội An có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng. Để có nguồn thu ấy là nhờ “di sản” các đời trước để lại. Nhưng “di sản” đó đang bị phai dần. Điều này đặt lên vai lãnh đạo và người dân hiện nay chức trách phải bảo vệ, gìn giữ cho được văn hóa, hệ sinh thái bản địa.