Đây là ngôi nhà có tên “Ấu trĩ viên” nằm trong quần thể kiến trúc bên Hồ Gươm do người Pháp xây dựng và cho đến tận bây giờ, may mắn thay, quần thể đó vẫn còn nguyên vẹn. Thời thực dân, nơi đây là điểm vui chơi sinh hoạt của con nhà giàu và khi Cách mạng Tháng Tám thành công thì trở thành tổ ấm của trẻ em đánh giày, lang thang cơ nhỡ.
Ngôi nhà này cũng là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ 6/3/1946. Sau đó, trở thành Bảo tàng Bác Hồ với thiếu nhi và khi Cung Thiếu nhi Hà Nội được xây dựng thì ngôi nhà này chính là nơi ươm những mầm non nghệ thuật mà nhiều người bây giờ đã trở thành “lão làng” trong đội ngũ kiến trúc sư, nghệ sỹ... Quần thể kiến trúc này cũng nằm trong danh sách được đề nghị bảo tồn do UBND TP Hà Nội phê duyệt vào năm 2015.
Một ngôi nhà gắn bó đầy kỷ niệm đáng nhớ với nhiều thế hệ thiếu nhi Thủ đô, đó là những hình ảnh rất đẹp trong ký ức họ về mối quan tâm của chế độ dành cho trẻ em tất cả những gì tốt nhất. Một kiến trúc sư tên tuổi đã từng học vẽ trong ngôi nhà này nói rằng, 200 người ký tên vào đơn đề nghị không thu hồi ngôi nhà này chỉ là rất nhỏ so với 30 triệu người đã từng gắn bó tuổi thơ với nơi đây và đáng chú hơn là theo ông, đây là biểu tượng của lòng biết ơn thì không nên thu hồi với bất cứ mục đích gì.
Như vậy, ngôi nhà hội tụ đủ những giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và đặc biệt là biểu trưng tốt đẹp của chế độ đối với trẻ em, là nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ đẹp đẽ của các thế hệ thiếu nhi Thủ đô đến học tập và sinh hoạt, vui chơi ở đây. Một ngôi nhà giá trị như thế mà sao lại thu hồi để làm việc khác?