Vòng luẩn quẩn: phụ nữ - ít học - thất nghiệp - di cư
Tuy nhiên, phụ nữ nông thôn Việt Nam hiện vẫn gặp phải nhiều rào cản và khó khăn, thách thức. Chất lượng việc làm của lao động nữ nông thôn còn thấp, tính ổn định, bền vững trong việc làm và tiếp cận tới các dịch vụ an sinh xã hội không cao. Việc đào tạo nghề cho lao động nữ nông thôn tuy đã được chú trọng nhưng các loại hình đào tạo thường ngắn hạn, đầu ra sau học nghề gặp nhiều khó khăn. Lao động nữ lớn tuổi càng khó khăn trong chuyển đổi việc làm...
Theo khảo sát từ Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) và Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO), hơn 70% lao động nữ nông thôn ở Việt Nam không có khả năng tiếp cận đào tạo nghề do hạn chế về trình độ văn hóa, kỹ năng nghề nghiệp. Một nghiên cứu đã phỏng vấn 10 phụ nữ hiện đang sống tại thị trấn Hồ (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) được biết, do cách suy nghĩ của bố mẹ, con gái không cần học nhiều, nên họ càng khó tìm việc làm.
Không chỉ có vậy, nếp suy nghĩ bảo thủ ấy là nguyên nhân khiến tỷ lệ phụ nữ nông thôn tiếp cận với chương trình đào tạo nghề thấp hơn so với nam giới, cũng như có rất ít phụ nữ đang giữ các vị trí ra quyết định trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
Từ những thực tế trên, kèm theo tốc độ đô thị hóa nhanh và sức ép của việc thu hẹp đất đai canh tác, không có nghề phụ đã khiến cho mức di cư từ nông thôn ra thành thị ngày càng tăng lên, dù chỉ là di cư tạm thời. Theo thống kê, lao động nữ di cư ở Việt Nam có độ tuổi khá trẻ với hơn 60% phụ nữ có độ tuổi từ 15 đến 29; và 1/3 phụ nữ di cư lần đầu tiên khi còn ở độ tuổi 15-19.
Điểm chú ý là phụ nữ lao động di cư hầu như chưa được qua đào tạo nghề hay chuyên môn, nghiệp vụ gì, chỉ có dưới 10% được đào tạo ở bậc trung cấp, số còn lại mới chỉ tốt nghiệp phổ thông.
Thời gian qua, Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách, pháp luật đào tạo nghề đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng.
Theo ông Đào Văn Tiến — Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐTB&XH thì thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010-2016 trong số 3 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề có 1,38 triệu người là nữ, chiếm 45,8%, vượt chỉ tiêu 5,8%.
Theo báo cáo của các địa phương, năm 2017, cả nước đã hỗ trợ học nghề cho 600.000 lao động nông thôn, trong đó lao động nữ chiếm 46%, vượt chỉ tiêu 6%. Nhiều mô hình điển hình đào tạo nghề có hiệu quả với phụ nữ nông thôn như: trồng cây dược liệu ở Hà Giang; chăn nuôi gà, làm mi giả, chế biến bánh ở Bắc Giang; trồng chế biến chè, chế biến món ăn ở Thái Nguyên; nuôi lợn trên đệm sinh học ở Hà Nam; trồng nấm linh chi, nấm rơm ở Đắk Lắk; đan lục bình, chế biến thủy sản ở Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu...
Tuy vậy, thực tế vẫn cho thấy việc làm tại chỗ ở nông thôn chưa nhiều; số lượng phụ nữ trung niên trong phụ nữ nông thôn ngày càng tăng dẫn đến những hạn chế về nhận thức, sức khỏe; phần lớn lao động nữ ở nông thôn vẫn trông coi là việc làm nông nghiệp (14/21 triệu lao động nữ ở nông thôn)... khiến cho công tác đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn gặp khó khăn.
Phụ nữ giúp phụ nữ
Giải pháp khắc phục vấn đề này, từ góc độ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN), bà Nguyễn Thị Thu Hà — Chủ tịch Hội LHPN cho biết, tính đến nay, Chính phủ đã ban hành cơ bản hoàn thành nền tảng pháp lý cho vấn đề giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn. Đây cũng là nội dung được Hội LHPN Việt Nam chọn làm khâu đột phá trong chương trình hành động.
Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho lao động nữ còn được thúc đẩy thông qua thực thi quyền bình đẳng giới. Cần đến chính sách ưu tiên lao động tại hỗ cho phụ nữ tại các vùng chịu áp lực lớn như bị thu hồi đất, vùng không có đất sản xuất, dân số đông... Xét về dài hạn, cần lồng ghép chính sách này vào chiến lược và quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương.
Theo đó, bà Hà khẳng định, các địa phương cần tăng cường thực hiện các Đề án hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2015 - 2020, phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt, gắn với tạo việc làm cho lao động nữ; Thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng, tạo việc làm cho lao động nữ, cũng như mở rộng hợp tác quốc tế để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, đồng thời mở ra nhiều cơ hội học tập, việc làm hơn nữa cho phụ nữ.
Đơn cử tỉnh Bắc Kạn những năm qua, không chỉ làm tốt công tác dạy nghề, Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phát triển, Hội LHPN tỉnh Bắc Kạn còn phối hợp với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho học viên. Tính đến nay, Trung tâm đã tổ chức đào tạo nghề cho hơn 6.000 lượt phụ nữ, trong đó nhiều chị đã vươn lên, học hỏi thêm và trở thành những người có tay nghề khá và giỏi ở địa phương.
Tỉnh Bắc Ninh, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh trong 5 năm qua đã mở 647 lớp với 18.253 phụ nữ được học nghề, trong đó có 12.770 phụ nữ có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 2,5 - 4 triệu đồng/người/tháng, góp phần không nhỏ trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động nữ nông thôn, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các khu công nghiệp.
Đặc biệt các nghề may công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, trồng nấm, nấu cỗ, chăn nuôi thú y... thu hút nhiều lao động nữ, giúp chị em chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho gia đình.
Ngoài việc tổ chức các lớp đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Bắc Ninh còn tập trung khai thác các nguồn vốn trong nước và quốc tế cho chị em vay đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi, bình quân mỗi năm trên 100 tỷ đồng. Qua đó, chị em có vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, tạo nhiều việc làm cho chị em trong lúc nông nhàn...